Thứ Năm, 19/09/2024 23:04 CH
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Tiếp tục yêu văn chương theo cách riêng
Chủ Nhật, 25/12/2022 14:00 CH

Nhà báo - nhà văn Huỳnh Dũng Nhân. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Sau gần chục tập phóng sự đình đám, lại thêm ngần ấy tập thơ, tản văn..., nhà báo Huỳnh Dũng Nhân dè dặt ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn Ký ức tình.

 

Nói “dè dặt” là vì tác giả lấy bút danh Kỳ Lâm, và từ đầu cho đến cuối tập sách không hề có một hình ảnh, một dòng thông tin nào để người đọc có thể kết nối Ký ức tình (NXB Hội Nhà văn) với tác giả - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nổi tiếng.

 

Nhưng sau khi gấp lại tập truyện xinh xắn, sống động và rất đời, những ai đã biết ít nhiều về cây bút từng được mệnh danh là “vua phóng sự” hẳn sẽ nhận ra hình ảnh nhà báo - nhà văn Huỳnh Dũng Nhân thấp thoáng trong các trang viết.

 

Báo Phú Yên phỏng vấn tác giả Ăn tết trong rừng chó sói, Ký sự xuyên Việt, Tôi đi bán tôi, Những người đi trong gió... về đứa con tinh thần mới toanh và khá lạ của ông.

 

* Thưa ông, Ký ức tình có phải là tập truyện ngắn đầu tay của một nhà báo kỳ cựu?

 

- Không đâu. Thời trai trẻ, tôi đã có một tập truyện ngắn hiền lành, còn tập truyện này có thể gọi là chào sân, tôi xác định là viết phục vụ số đông bạn đọc.

 

* Vì sao ông lấy bút danh Kỳ Lâm, và từ đầu cho đến cuối Ký ức tình không có bất kỳ thông tin, hình ảnh nào về tác giả?

 

- Kỳ Lâm đọc ngược lại là cầm ly. Cầm ly uống rượu ấy. Đây là bút danh của một anh bạn đồng nghiệp ở Báo Lao Động, đã mất từ lâu. Ngày trước, anh ấy là cây bút tản văn nổi tiếng của Báo Lao Động. Tôi nhớ anh ấy, bèn mượn bút danh của anh ấy. Và tôi thích bút danh này.

 

Có thể gọi đây là tập truyện ngắn thử nghiệm cho nên tôi... không dám lấy tên thật (cười).

 

Tập truyện ngắn Ký ức tình của nhà báo - nhà văn Huỳnh Dũng Nhân. Ảnh: YÊN LAN

 

* Ký ức tình là tập truyện xinh xắn, mỗi truyện đều có tranh minh họa do chính tác giả vẽ. Bảy truyện ngắn trong Ký ức tình đều nói về tình yêu đầy đam mê. Vì sao ông khai thác mảng đề tài này?

 

- Sau khi nghỉ hưu, tôi có thời gian sáng tác văn chương. Tôi nghĩ mình viết được thì nên viết.

 

Năm ngoái tôi bị tai biến, đến nay di chứng vẫn còn. Và ở buổi xế chiều của đời người, tôi hay nghĩ về cái đẹp của tình yêu. Tôi viết để trải những khát khao, mong muốn được trở về buổi ban đầu, mong muốn sống lại những ký ức đẹp.

 

* Ông nói sao khi bạn đọc nhận xét rằng các nhân vật nam trong Ký ức tình dường như thấp thoáng hình bóng của tác giả?

 

- Đọc tập truyện ngắn này, một nhà phê bình văn học ở Hà Nội phát hiện ra ngay. Ông ấy bảo: “Đây là thật như ảo, ảo như thật”. Bạn đọc nào quen biết tác giả đều cảm nhận được điều đó.

 

Tôi nghĩ thế này: Ai cũng yêu hoặc đã từng yêu. Tình yêu vốn đẹp, cho dù con đường đến với tình yêu có trắc trở thế nào đi chăng nữa. Tôi muốn nói lên vẻ đẹp của những mối tình trong mặt trái - mặt phải của đời sống, trải lên trang viết những điều mà trước kia mình chưa nói được.

 

Tập truyện ngắn này mang tính chào sân, thăm dò. Tôi sẽ viết tiếp những câu chuyện tình yêu nhân bản hơn, đẹp hơn.

 

* Vợ ông nói gì sau khi đọc Ký ức tình?

 

- Mọi khi bà ấy không đòi đọc các tập phóng sự của tôi đâu, nhưng khi biết tôi sẽ in tập truyện ngắn này, bà ấy cứ hỏi: Anh viết về cái gì thế? Tôi nói với vợ tôi thế này: Anh bây giờ cũng có tuổi rồi, và độ bền vững của vợ chồng sẽ là một bức tường thành bảo vệ mình... Viết văn thì phải hư cấu, hư cấu từ những chi tiết trong đời sống. Tóm lại, tôi đã làm công tác tư tưởng rồi, để vợ tôi nhìn thấy đây là tác phẩm của ông nhà văn chứ không phải là chuyện của ông chồng mình. Phải nhìn như thế để cho ông ấy còn sáng tác. Trước giờ ông ấy là nhà báo, nói thẳng nói thật. Bây giờ ông ấy sang văn chương, cho ông ảo một tí, hư cấu một tí, thêu dệt một tí, bay bổng, lãng mạn một tí thì ông ấy mới viết văn được. Chứ bây giờ mà cứ hỏi: Chuyện này ở đâu ra? Đây là cô nào? Truy vấn vậy thì ai mà viết được nữa (cười). Ai? Cái gì? Ở đâu?... Những câu hỏi ấy là dành cho báo chí, chứ còn văn chương mà hỏi thế thì... chắc chết.

 

* Vậy sau Ký ức tình, ông sẽ tiếp tục công việc của một nhà văn?

 

- Tôi muốn trở về với văn chương. Năm 13 tuổi, tôi đã có bài thơ đầu tiên được in trên báo. Rồi tôi học Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp, tôi mới học về báo chí, gắn bó với nghề báo và gác lại ước mơ viết văn. Thực ra thỉnh thoảng tôi cũng có viết truyện nhưng chưa dám in thành tập. Bây giờ nghỉ hưu rồi, tôi muốn thực hiện ước mơ viết văn.

 

Tôi có “vốn liếng”, có rất nhiều chi tiết hay trong đời sống. Thế mạnh của tôi là quan sát và tìm chi tiết. Chi tiết là cơ sở để hư cấu. Không có chi tiết thì có muốn hư cấu cũng không được. Tôi muốn viết những trang văn rất thực, rất đời.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân sinh năm 1955 tại Thanh Hóa. Cha mẹ đều là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, ông lớn lên tại Hà Nội. Sau khi đất nước thống nhất, cùng gia đình, ông trở về TP Hồ Chí Minh.

 

Làm việc tại Báo Lao Động, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân có những năm tháng rực rỡ trong nghề. Phóng sự của ông được độc giả lẫn đồng nghiệp say mê đọc. Sau rất nhiều năm, các tác phẩm mang “thương hiệu” Huỳnh Dũng Nhân vẫn lưu lại cảm xúc trong lòng độc giả. Ông từng là Phó ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh, Tổng Biên tập Tạp chí Nghề báo...; là giảng viên thỉnh giảng môn Phóng sự của Khoa Báo chí - Truyền thông Trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn TP Hồ Chí Minh.

 

Không chỉ viết phóng sự, làm thơ, viết tản văn, truyện ngắn..., nhà báo - nhà văn Huỳnh Dũng Nhân còn “lấn sân” sang lĩnh vực hội họa. Tháng 3/2022, ông phối hợp với Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức triển lãm “Nhà báo vẽ”, giới thiệu khoảng 200 bức chân dung ông vẽ các đồng nghiệp trong làng báo, làng văn và tranh cổ động chống dịch COVID-19.

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek