Phú Yên là vùng đất có nhiều dân tộc sinh sống, hội tụ của nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Bên cạnh các phong tục tập quán như: lễ cúng trưởng thành, lễ cúng bến nước, lễ gọi hồn lúa, lễ cúng đổ đầu, lễ bỏ mả…, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) còn có một kho tàng nhạc cụ truyền thống vô cùng độc đáo, tạo nên sự đa dạng và đặc sắc về văn hóa giữa đại ngàn.
Thanh âm của đại ngàn
Trong không gian của ngày hội VH-TT-DL các dân tộc tỉnh Phú Yên lần thứ XI năm 2022, tiếng đàn goong vang lên, lúc rạo rực như tiếng chim chơ rao, da diết như con thú hoang gọi bầy, lúc êm đềm như tiếng suối róc rách... Cũng bởi âm thanh đa dạng ấy mà đàn goong luôn được các chàng trai lựa chọn để đấu với nhau. Đàn goong chơi độc tấu hoặc cũng có thể dùng để đệm cho nhau hát, để bày tỏ tình cảm với các cô gái.
Anh Rơ Chăm Y Thiêu ở xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa) chia sẻ: “Với âm thanh rộn ràng, tiếng đàn goong là nhạc cụ không thể thiếu trong những dịp lễ hội của người đồng bào chúng tôi. Để chơi goong, người chơi cũng phải kỳ công, vừa chống gốc đàn vào bụng, hai bàn tay vừa đỡ thân đàn, vừa dùng ngón để gảy. Âm thanh đàn goong được truyền từ dây qua thân đàn đến bầu cộng hưởng...”.
Quen thuộc trong các lễ hội của người đồng bào DTTS không thể bỏ qua cồng ba, chiêng năm và trống đôi. “Nếu như cồng ba được đánh lên khi buôn làng có người chết, phục vụ trong tang lễ và những chuyện không vui ở làng buôn, thì chiêng năm được sử dụng trong những dịp quan trọng như: cúng mừng tuổi con trưởng thành, cúng bến nước, cúng cầu mưa, cúng mừng gia đạo an lành, cúng gọi hồn lúa về chòi khi đã thu hoạch xong...
Trống đôi thì thường được diễn tấu ở tư thế đứng và di động như múa, nên thường gọi là múa trống đôi. Người biểu diễn đeo trống trước bụng và dùng tay kích vào mặt trống tạo ra âm thanh gây ấn tượng mạnh nhất, làm cho không khí các cuộc hội vui thêm rộn rã”, già I Típ, người dân tộc Ê Đê ở xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) nói.
Lưu giữ cho đời sau
Theo ông Nguyễn Thiện Tình, Trưởng phòng VH-TT huyện Sơn Hòa, sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập quốc tế đã tác động mạnh mẽ đến các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS. Thế hệ trẻ người đồng bào DTTS nhiều em không muốn học làm nhạc cụ của ông bà tổ xưa, một phần do nhiều nghệ nhân già yếu và mất đi, không có người truyền dạy.
Nếu như cồng ba được đánh lên khi buôn làng có người chết, phục vụ trong tang lễ và những chuyện không vui ở làng buôn, thì chiêng năm được sử dụng trong những dịp quan trọng như: cúng mừng tuổi con trưởng thành, cúng bến nước, cúng cầu mưa, cúng mừng gia đạo an lành, cúng gọi hồn lúa về chòi khi đã thu hoạch xong... Trống đôi thì thường được diễn tấu ở tư thế đứng và di động như múa, nên thường gọi là múa trống đôi. Người biểu diễn đeo trống trước bụng và dùng tay kích vào mặt trống tạo ra âm thanh gây ấn tượng mạnh nhất, làm cho không khí các cuộc hội vui thêm rộn rã. Già làng I Típ, người dân tộc Ê Đê ở xã Ea Trol, huyện Sông Hinh |
Nghệ nhân đánh cồng chiêng, đánh đàn... cũng không còn nhiều và rất hiếm bạn trẻ người DTTS biết hát khan bằng tiếng dân tộc mình để lưu giữ lại nét truyền thống văn hóa được hun đúc từ hàng ngàn năm. “Vì vậy, những năm gần đây, chúng tôi đã cố gắng khơi dậy, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các DTTS qua các phong trào văn nghệ quần chúng, hội thi văn hóa văn nghệ dân gian, dân vũ, hát dân ca, diễn tấu các nhạc cụ dân tộc... Các hoạt động mang tính cộng đồng cao, có tác động vào công cuộc xây dựng buôn làng văn hóa, thực hiện nếp sống mới...”, ông Tình cho biết.
Trước thực trạng các giá trị di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS bị mai một, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện đề án Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Đề án nhằm giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của đồng bào các DTTS; nâng cao nhận thức và lòng tự hào, ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân.
Đồng thời tổ chức xây dựng, khai thác tốt các loại hình du lịch đặc trưng, phù hợp với đặc điểm văn hóa cộng đồng, mở rộng ngành kinh tế phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi; chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các DTTS trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại địa phương. Đề án được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn I từ năm 2022-2025, giai đoạn II từ năm 2026-2030.
THIÊN LÝ