Bạo lực gia đình (BLGĐ) là vấn nạn của xã hội, vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm, tính mạng của mỗi cá nhân, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em...
Chính vì vậy, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, duy trì và nhân rộng mô hình các câu lạc bộ (CLB), nhóm phòng chống BLGĐ, giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong việc xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc.
Mái ấm gia đình không có bạo lực
Cuộc sống khó khăn, bản thân là người đồng bào dân tộc thiểu số không có nhiều kiến thức, kỹ năng để nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc, nên ngoài việc nỗ lực cùng chồng phát triển kinh tế, chị La Thị Dánh ở thôn Kỳ Đu, xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) luôn tìm cách học hỏi để nâng cao kiến thức. “Tôi sắp xếp thời gian tham gia các lớp tập huấn, truyền thông của các cấp hội phụ nữ về việc nuôi con khỏe, dạy con ngoan, vợ chồng cùng nhau chia sẻ công việc, nhường nhịn để gia đình êm ấm… Từ những kiến thức ấy, tôi áp dụng vào việc nuôi dạy các con và gìn giữ hạnh phúc gia đình”, chị La Thị Dánh chia sẻ.
Còn chị Lê Thị Lâm ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa) thổ lộ: “Gia đình tôi rất chú ý đến việc chăm sóc và giáo dục các con từ khi còn nhỏ qua cách nói năng lễ phép, giáo dục đạo đức, tính thật thà, ngăn nắp. Khi thấy các con có những biểu hiện thiếu chuẩn mực, ông bà, cha mẹ liền nhắc nhở, bảo ban nhẹ nhàng để con sửa chữa”.
Biết cách lắng nghe, tôn trọng ý kiến của các thành viên trong cùng một mái nhà để nuôi dưỡng tình cảm là những điều mà chị Nguyễn Thị Nhạn ở phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) thường chia sẻ trong các buổi sinh hoạt chi hội phụ nữ ở khu phố. Với chị, cuộc sống vợ chồng không tránh khỏi mâu thuẫn, va chạm. Những lúc như vậy, chị thường bình tĩnh, nhường nhịn để tránh xảy ra xung đột. Vài ngày sau, khi chồng nguôi cơn giận, chị mới vui vẻ phân tích cái đúng, cái sai để cùng nhau khắc phục. Nhờ vậy, không khí gia đình chị Nhạn luôn êm thấm, thuận hòa.
Phát huy vai trò của các CLB, nhóm
Theo báo cáo năm 2021 của Sở VH-TT-DL, toàn tỉnh xảy ra 56 vụ BLGĐ; trong đó, đa phần nạn nhân là phụ nữ. Nhằm xóa bỏ BLGĐ, trong những năm qua, các sở, ban ngành, đoàn thể và địa phương đã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác phòng chống BLGĐ, bình đẳng giới, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình... Đặc biệt, trong thời gian qua, toàn tỉnh đã có hơn 300 CLB Gia đình phát triển bền vững, nhóm Phòng chống BLGĐ được thành lập. Qua hình thức lồng ghép sinh hoạt với nhiều nội dung phong phú, các CLB, nhóm đã góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa gia đình Việt để xây dựng gia đình bình đẳng, no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Ông Trần Quang Bình, Trưởng nhóm Phòng chống BLGĐ ở thôn Phú Diễn Ngoài, xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), cho biết: Tính từ khi thành lập năm 2008 đến nay, nhóm đã hòa giải, can thiệp và tư vấn cho 32 gia đình có dấu hiệu bạo lực; tư vấn kịp thời cho bốn cặp vợ chồng có nguy cơ dẫn đến BLGĐ; giúp đỡ một nạn nhân nữ sơ cứu tại Trạm Y tế xã; đưa một vụ BLGĐ lên cấp trên đề nghị chính quyền địa phương giải quyết... “Với phương châm mưa dầm thấm lâu, nhóm đã tăng cường vận động, tuyên truyền đến các gia đình, dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư... về việc phòng chống BLGĐ, từ đó góp phần tạo chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và hành động của người dân, giảm thiểu các vụ BLGĐ”, ông Bình cho hay.
Theo đánh giá của Sở VH-TT-DL, hiện các tầng lớp Nhân dân đã có nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng gia đình văn hóa; các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam được giữ gìn và phát huy; tỉ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa ngày càng tăng theo xu hướng bền vững; nhiều hộ gia đình văn hóa tiêu biểu, là tấm gương sáng trong lao động sản xuất, kinh doanh, xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm hòa thuận, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bộ VH-TT-DL đang xây dựng hướng dẫn thực hiện công tác phòng chống BLGĐ, trong đó đặc biệt tập trung vào các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi BLGĐ với trẻ em. Bộ VH-TT-DL cũng đang xây dựng Kế hoạch triển khai chương trình phòng chống BLGĐ trong tình hình mới đến năm 2025. Bên cạnh những hoạt động về truyền thông, tập huấn về phòng chống BLGĐ, chương trình này sẽ tập trung vào việc xây dựng, hướng dẫn quy trình tiếp nhận, xử lý vụ việc BLGĐ; bảo vệ an toàn, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, cung cấp và tư vấn thông tin về quyền, nghĩa vụ cho người bị bạo lực chia theo nhóm đối tượng, trong đó có trẻ em…
Hiện toàn tỉnh đã có hơn 300 CLB Gia đình phát triển bền vững, nhóm Phòng chống BLGĐ được thành lập. Qua hình thức lồng ghép sinh hoạt với nhiều nội dung phong phú, các CLB, nhóm đã góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa gia đình Việt để xây dựng gia đình bình đẳng, no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. |
THIÊN LÝ