Thứ Năm, 28/11/2024 12:34 CH
Tình yêu đôi lứa trong ca dao Phú Yên
Chủ Nhật, 18/09/2022 08:00 SA

Lao động chính là môi trường để các chàng trai, cô gái tiếp xúc tìm hiểu, ngỏ tình. Ảnh: MINH CHÂU

Tình yêu bao giờ cũng là đề tài bất tận của những áng văn chương. Trong kho tàng ca dao Phú Yên, những bài có hàm ý về tình yêu đôi lứa chiếm số lượng lớn, giúp người đọc hình dung được tình yêu lứa đôi chân thành, tế nhị, sâu sắc trong xã hội truyền thống.

 

Tình tứ qua từng câu ca dao

 

Dù có những trắc trở, khó khăn nhưng tình yêu đôi lứa vẫn vươn lên như cánh hoa nở trong vườn đời, tạo nên nhiều câu ca dao tình tứ, bao vần thơ truyền khẩu mượt mà, lãng mạn.

 

Trong xã hội phong kiến, khi nam nữ còn bị ràng buộc nhiều về lễ giáo thì việc gặp gỡ, chủ động trao đổi tình cảm, thổ lộ tình yêu rất khó khăn. Nam nữ chỉ được công khai giao tiếp trong môi trường lao động hay những sinh hoạt tập thể, hoạt động cộng đồng làng xã… Dù bị ràng buộc khắt khe nhưng khi trai gái đến tuổi yêu đương, trái tim mách bảo họ tìm những cách riêng để có dịp thổ lộ tình cảm của mình. Chỉ là việc nhà nông như gánh nước, tưới rau nhưng khi có tình ý thì đây cũng chính là môi trường để các chàng trai, cô gái tiếp xúc tìm hiểu, ngỏ tình. Nhiều bài ca dao sáng tác về tình cảm lứa đôi sưu tầm trên vùng đất Phú Yên đến nay đọc lại vẫn xúc động, đi vào lòng người:

 

Sáng trăng dưới đất mờ mờ,

Em đi gánh nước tình cờ gặp anh.

Dạo vườn bẻ trái cau xanh,

Bửa ra làm sáu, mời anh ăn trầu.

Miếng trầu này những thiệt vôi tàu,

Chính trong bỏ quế, hai đầu thơm cay.

Anh ăn miếng trầu này nghĩ lại mà coi,

Có mặn, có lạt, có cay, có nồng.

 

Mời trầu là một cách ngỏ tình kín đáo, tế nhị ở nông thôn trong xã hội truyền thống trước đây. Cử chỉ mời trầu không có tính cách lả lơi mà chỉ chứng tỏ rằng người thôn nữ muốn sống thành thật với chính mình. Và miếng trầu cau ai đó được mời thể hiện rất rõ mức độ thân quen, cung bậc tình cảm gái - trai dành cho nhau, thương - ghét qua lời mời ăn trầu sẽ cảm nhận rõ:

 

Sáng trăng tỏ rạng thềm lang,

Anh đi gánh nước gặp nàng hôm qua.

Thương thời cau sáu bổ ba,

Ghét thời cau sáu bổ ra làm mười.

Cau dày, cau sát tốt tươi,

Cau dày, cau sát thì người thêm thương.

Trầu anh bệt những vôi hường,

Lại thêm mùi quế, lại thêm mùi trầu.

 

Từ bao đời nay, người dân Phú Yên vẫn luôn tâm niệm, trầu - cau là biểu tượng của tình yêu đôi lứa, tình yêu thương nghĩa vợ chồng, sự thủy chung son sắt trong nét đẹp văn hóa của người dân quê chân thành, chất phác, điều ấy thể hiện rất sâu sắc qua ca dao:

 

Trầu vàng nhá với cau xanh

Duyên em sánh với tình anh mặn mà.

 

Khi xưa, nghề trồng bông dệt vải ở vùng nông thôn Phú Yên phát triển mạnh, mang lại nguồn thu nhập cho người làm ruộng lúc nông nhàn. Đó còn là môi trường để nam nữ thanh niên giao tiếp, tìm hiểu bạn trăm năm, qua đó xây dựng hạnh phúc lứa đôi. Hình ảnh cô gái và chàng trai được miêu tả trong bài ca dao sau thật tình tứ và xúc động:

 

Sáng trăng trải chiếu ngay hàng,

Cho anh đọc sách, cho nàng quay tơ.

Quay tơ phải giữ mối tơ,

Vào năm bảy mối, em cũng chờ mối anh.

 

Thể hiện được tình yêu một cách sâu sắc

 

Lẽ thường, hạnh phúc lứa đôi phải được xây dựng trên tình yêu đôi lứa. Tuy nhiên trong xã hội ảnh hưởng lễ giáo phong kiến, phần nhiều hạnh phúc của các con do cha mẹ quyết định theo quan niệm “môn đăng hộ đối”, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Ca dao Phú Yên cũng phản ánh rất rõ quan niệm này:

 

Đôi ta cũng xứng đôi ta

Biết là lòng mẹ dạ cha thế nào?

Cắt lòng cũng sợ gươm dao

Cha mẹ không tưởng, làm sao hở chàng?

 

Hay:

 

Đứng trên đèo Cả

Ngó xuống Vạn Giã, Tu Bông

Chẳng biết rằng cha mẹ có đành không

Để anh chờ em đợi uổng công hai đàng.

 

Yêu thương nhau mà không lấy được nhau là một bất hạnh lớn, nhất là với người phụ nữ. Thật không khỏi bùi ngùi, xót xa với những chàng trai - cô gái khi yêu nhau mà không lấy được nhau:

 

Một mai con cá xa câu

Rồng xa núi Chúa, vượn rầu lìa cây

Vượn lìa cây lâu ngày vượn rũ

Thiếp sầu chàng vừa đủ ba đông

Ba năm muối mặn chanh nồng

Vườn hoa đào điệp, nước mắt ròng tuôn rơi

Em xa anh không phải tại trời

Tại cha tại mẹ rã rời đôi ta!

 

Tình cảnh cô gái trong bài ca dao sau không lấy được người mình yêu biểu hiện rất rõ qua tâm trạng buồn rầu, đi đâu, làm gì, người con gái ấy đều cảm thấy nỗi nhớ thương đeo đẳng và vương dấu tích khắp nơi. Bởi vậy, mỗi hành động, mỗi việc làm gì đó đều xao lãng. Dù những vật phẩm đáng quý dùng cho đám cưới cô gái cũng bỏ mặc, không màng tới chi:

 

Yêu nhau chẳng lấy được nhau

Con heo bỏ đói, buồng cau bỏ già.

 

Có những cuộc hôn nhân không hạnh phúc, do việc ép gả của mẹ cha, nhiều khi chỉ vì môn đăng hộ đối mà quên đi sự lựa chọn cần thiết của chính con mình. Cô gái được cha mẹ gả về làm dâu trong gia đình giàu sang, phú quý nhưng vì không có tình yêu thương nên tâm tưởng của người phụ nữ ấy vẫn không yên phận, nỗi buồn dai dẳng, đôi lúc còn thở than, có ý trách mẹ cha:

 

Mẹ em tham gạo tham gà

Bắt em đem bán cho nhà cao sang!

 

Cho nên khi cô gái đi mời đám cưới, một tay đưa miếng trầu cho người mình yêu thương, một tay lau nước mắt vì quá xúc động không kiềm nén được:

 

Em gặp anh đây tròn bóng ban trưa

Tay chùi nước mắt, tay đưa miếng trầu.

 

Mặc dù lễ giáo phong kiến ràng buộc thân phận người phụ nữ rất khắt khe, nhưng trong cái khe khắt đó vẫn có những mối tình gái - trai thề non hẹn biển, vượt lên trên hoàn cảnh, phá vỡ lễ giáo phong kiến và nguyện giữ mãi tấm lòng thủy chung:

 

Cầm dao cắt cổ con gà

Hai ta uống huyết tại nhà ông mai

Lời thề cho chắc chớ phai

Nón rách mặc nón, giữ quai cho bền.

 

Và khi đã chung lời nguyền thì dù cuộc sống có như thế nào chăng nữa, họ vẫn yêu thương, gắn bó bên nhau:

 

Muối ba năm muối vẫn còn mặn

Gừng chín tháng gừng hãy còn cay

Đạo can thường đừng có đổi thay

Dù làm nên danh vọng

Hoặc rủi ăn mày ta cũng theo nhau!

 

Hay:

 

Lên non, em cũng lên theo

Tay vịn chân chèo hái trái nuôi nhau.

 

Tình yêu đôi lứa trong ca dao Phú Yên ẩn chứa những tình cảm gái - trai một cách tế nhị nhưng vẫn thể hiện được tình yêu một cách sâu sắc. Ca dao Phú Yên không chải chuốt mượt mà như ca dao xứ Bắc, cũng không uyển chuyển và giàu nhạc tính như ca dao Bình Trị Thiên. Nét đặc trưng của ca dao Phú Yên về tình yêu đôi lứa là sự mộc mạc, có phần thoải mái, ít công thức trong cách thể hiện. Những bài ca dao về tình yêu đôi lứa được sản sinh từ vùng đất Phú Yên hoặc những câu, những bài ca dao vốn có xuất xứ từ cội nguồn được các lưu dân mang theo nhưng qua thời gian đã được địa phương hóa, thay đổi một số từ ngữ, có khi cải biên cả ý để phù hợp với cảnh và tình theo phong tục, tập quán, thói quen thẩm mỹ của người dân Phú Yên nên vẫn có nét đặc trưng riêng và làm xúc động lòng người.

 

Ca dao Phú Yên không chải chuốt mượt mà như ca dao xứ Bắc, cũng không uyển chuyển và giàu nhạc tính như ca dao Bình Trị Thiên. Nét đặc trưng của ca dao Phú Yên về tình yêu đôi lứa là sự mộc mạc, có phần thoải mái, ít công thức trong cách thể hiện.

 

NGUYỄN HOÀI SƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek