Chương trình giao lưu, giới thiệu tác phẩm Người đi qua cuộc chiến vừa được tổ chức, sau 42 năm khép lại chuyên án F101. Đại tá Vũ Linh, người được xem là linh hồn của chuyên án, đã về với thế giới người hiền. Chương trình là nén hương lòng của những người yêu quý, kính trọng đại tá Vũ Linh tưởng vọng ông.
Chiều se se lạnh. Cái lạnh đặc trưng của Đà Lạt, mùa này. Nhưng cái lạnh không thể len vào bên trong hội trường Thư viện Lâm Đồng, nơi có những nụ cười, những bàn tay hân hoan siết chặt. Một số người, lâu lắm mới gặp nhau, và có cả những người từng tham gia chuyên án mang mật danh F101. Họ đến tham dự chương trình giao lưu, giới thiệu tác phẩm Người đi qua cuộc chiến do Thư viện Lâm Đồng tổ chức.
Hơn 400 trang trong tập sách này đã khắc họa chân dung đại tá Vũ Linh - người sĩ quan an ninh tài trí, mưu lược và luôn đề cao tình người, tình đồng bào.
Đại tá Vũ Linh tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh, sinh năm 1927, tại thôn Phụng Tường, xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa), nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, nguyên Phó Cục trưởng A16 Bộ Nội vụ, Cụm trưởng An ninh Tây Nguyên. Trong thời gian làm Phó Trưởng ty Công an Lâm Đồng, ông Vũ Linh - khi đó mang quân hàm thượng tá - là Phó trưởng ban trực Ban chuyên án F101. Ông đã cùng đồng chí đồng đội thực hiện thành công kế hoạch câu nhử rồi cảm hóa “Hùm xám Tây Nguyên” Nahria Ya Duck - Phó Thủ tướng thứ nhất Fulro - Đề-ga. Từ đây, Ban chuyên án F101 đã thực hiện liên tiếp 7 kế hoạch dụ rắn ra khỏi hang, bắt được hơn 60 nhân vật chỉ huy Fulro. Chuyên án F101 kết thúc thắng lợi, làm tan rã hầu hết Trung ương Fulro trên địa bàn Lâm Đồng; tổ chức Fulro ở Nam Tây Nguyên gần như tê liệt. Đây là thắng lợi có tính quyết định đến việc đập tan tổ chức Fulro trong những năm sau đó.
Tập sách Người đi qua cuộc chiến (NXB Hội Nhà văn) do nhà báo Nguyễn Trọng Hoàng, con trai đại tá Vũ Linh, nguyên Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Lâm Đồng, cùng nhà thơ - nhà báo Trần Ngọc Trác, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, và nhà báo Đinh Thị Nga biên soạn, giới thiệu với độc giả gần 30 tác phẩm ký, ghi chép về vị chỉ huy mưu lược - đại tá Vũ Linh. Những trang sách tái hiện quá trình cụ Vũ Linh tham gia Ban vận động chuẩn bị khởi nghĩa của tổng Hòa Tường, trở thành cán bộ Công an tỉnh Phú Yên, tập kết ra Bắc và học Trường An ninh Việt Bắc, tham gia tiếp quản Thủ đô Hà Nội rồi học lớp tình báo, vào chiến trường Khu 6, làm Tổ trưởng Tổ điệp báo A2, sau đó kiêm Trưởng ban An ninh Đà Lạt, với những trận đánh không tiếng súng. Đặc biệt, Người đi qua cuộc chiến tái hiện chuyên án lừng danh F101, qua đó khắc họa hình ảnh đại tá Vũ Linh - một sĩ quan an ninh tài trí, táo bạo và rất nhân văn trên trận tuyến chống Fulro thời hậu chiến. Cụ Vũ Linh từng nói: “Nợ máu không bao giờ trả được. Vì vậy, phải tìm cách thuyết phục, cảm hóa người ta về với mình, tránh tối đa việc đổ máu”. Còn ông Nahria Ya Duck, người từng ở bên kia chiến tuyến, thổ lộ khi đến Hòa Trị thăm ân nhân: “Nếu không có cụ Vũ Linh, tôi không biết sẽ sống như thế nào, một số anh em của tôi sẽ không trở về với Nhà nước, với Nhân dân. Chúng tôi có khả năng chém giết lẫn nhau và tự diệt vong. Tôi sống đến hôm nay và trưởng thành như hôm nay là nhờ ân nhân đó”. Sau khi về với Nhân dân, ông Ya Duck trở thành ĐBQH khóa XII, XIII, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân tộc, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng.
Cùng với sự tài trí, mưu lược, dũng cảm, chính tư tưởng nhân văn, luôn đề cao tình người, tình đồng bào đã góp phần quan trọng làm nên tầm vóc đại tá Vũ Linh - một người con ưu tú của quê hương Phú Yên và Lâm Đồng.
* * *
Tập ký và ghi chép Người đi qua cuộc chiến. Ảnh: YÊN LAN |
Trong chương trình giao lưu, giới thiệu tác phẩm Người đi qua cuộc chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng Trần Thanh Hoài chia sẻ: “Người đi qua cuộc chiến là một cuốn sách đồ sộ về thông tin mà những người trẻ, đặc biệt là các bạn sĩ quan an ninh đang tại ngũ, nên đọc để hiểu rằng vùng đất đầy máu lửa này đã có những con người tuyệt vời như thế! Tôi cảm thấy khá thú vị và bất ngờ khi đọc về cuộc đấu trí của nhà tình báo Vũ Linh với Nahria Ya Duck - Phó Thủ tướng thứ nhất Fulro. Bác Vũ Linh đã thuyết phục Ya Duck trở về với cách mạng. Điều đó thể hiện lòng nhân ái của người sĩ quan an ninh.
Bác Vũ Linh ra đi vào ngày 3/4 - ngày giải phóng Đà Lạt. Phải chăng cuộc chiến đã đi qua nhưng vẫn còn trong trái tim ông, và ông chọn ngày đó như một khúc khải hoàn để về với thế giới bên kia một cách tự hào”.
Nhà báo Uông Thái Biểu, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân khu vực Tây Nguyên, tóm tắt về Fulro từ loạt bài 4 kỳ Fulro - Bóng ma ám ảnh Tây Nguyên. Nhà báo Uông Thái Biểu bày tỏ: “Cho phép tôi cúi đầu tưởng niệm hương linh cố đại tá Vũ Linh - người lãnh đạo đầy mưu lược, trí dũng trong cuộc đấu tranh giải quyết vấn đề Fulro. Cho phép tôi được nghiêng minh trước sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ - Anh hùng LLVT Lâm Văn Thạnh, liệt sĩ - Anh hùng LLVT Lưu Thế Hà, liệt sĩ Nguyễn Ngọc Diêu. Cho phép tôi được ghi nhớ và tôn vinh những chiến công quả cảm của các sĩ quan an ninh Vũ Xuân Cam, Nguyễn Văn Độ, Trần Hữu Phi, Nguyễn Văn Cho và biết bao đồng chí, đồng bào đã hy sinh máu xương, trí tuệ và công sức cho cuộc đấu tranh chống lại các thế lực phản động, thù địch, bảo vệ cuộc sống bình yên và phát triển cho mảnh đất Tây Nguyên”.
Tham dự chương trình giao lưu có những nhân vật đặc biệt, như ông Nguyễn Phan Lũy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng, với câu chuyện về đại tá Vũ Linh khi còn là cán bộ điệp báo; trung tá Trần Hữu Phi kể về chuyến công tác “điệu hổ ly sơn” sau cùng và sự hy sinh của liệt sĩ - anh hùng Lâm Văn Thạnh, liệt sĩ Nguyễn Ngọc Diêu… Nhà thơ - nhà báo Trần Ngọc Trác, nhà báo Đinh Thị Nga, nguyên phóng viên Báo Lâm Đồng, nhà báo Ngọc Hà, phóng viên Báo Công an TP Hồ Chí Minh… cũng có những chia sẻ thú vị. Bên cạnh đó, những người tham dự còn xem trích đoạn phim Cao nguyên F101- tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Lê Hoàng Hoa; đại tá Vũ Linh là nguyên mẫu.
Chương trình giao lưu, giới thiệu tác phẩm Người đi qua cuộc chiến được tổ chức sau 42 năm khép lại chuyên án F101. Đại tá Vũ Linh đã về với thế giới người hiền vào ngày 3/4/2019, thọ 93 tuổi. Chương trình là nén hương lòng của những người yêu quý, kính trọng đại tá Vũ Linh tưởng vọng ông.
Trong chương trình giới thiệu tập sách viết về người cha rất đỗi tự hào, nhà báo Nguyễn Trọng Hoàng có những chia sẻ giản dị, xúc động về người mẹ bình dị và kiên cường - cụ bà Nguyễn Thị Điểm. Đằng đẵng hơn 20 năm nuôi con, chờ chồng, đi qua những năm tháng thanh xuân, đi qua biết bao gian truân, cạm bẫy, nhiễu nhương của thời đạn bom loạn lạc, người phụ nữ đó giữ trọn tình yêu và tấm lòng son sắt. |
YÊN LAN