Trong tâm thức của mỗi người Việt, gia đình luôn mang ý nghĩa to lớn, là điểm tựa vững chắc, bến đỗ bình yên trước những sóng gió cuộc đời. Chính vì vậy, xây dựng gia đình hòa thuận không chỉ để gìn giữ tổ ấm của mỗi nhà mà còn tạo nên những tế bào lành mạnh cho xã hội.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình bị mờ nhạt hoặc mất dần đi, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội.
Vun vén tổ ấm
Chung sống với nhau hơn 45 năm, lúc nào vợ chồng ông Dương Thanh Kiệt và bà Nguyễn Thị Điểm (xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa) cũng dành cho nhau tình cảm trọn vẹn nhất. Theo ông Kiệt, để có một gia đình hạnh phúc, các thành viên trong gia đình phải biết yêu thương, cùng nhau gánh vác, sẻ chia. Có như vậy, tổ ấm mới ấm êm, hạnh phúc.
Đồng quan điểm với chồng, bà Điểm cho rằng trong cuộc sống vợ chồng, quan trọng nhất là sự chia sẻ, nhất là những chuyện không vui càng phải nói cho nhau nghe. Bà Điểm kể, cuộc sống gia đình đôi khi không tránh khỏi những cãi vã, bất đồng ý kiến. Những lúc ấy, vợ chồng bà đều trao đổi thẳng thắn trên tinh thần góp ý xây dựng. Trong dạy con, vợ chồng bà nhẹ nhàng phân tích tốt xấu, điều hay lẽ phải. Hiện nay, hầu hết các con của vợ chồng bà đã lập gia đình, còn lại cậu trai út cũng đã có công việc ổn định.
Bà Điểm chia sẻ: “Bí quyết giữ gìn hạnh phúc của vợ chồng tôi rất đơn giản, đó là luôn dành cho nhau sự tôn trọng, tin tưởng và luôn là tấm gương tốt để các con noi theo. Chúng tôi đều quan niệm rằng dù cuộc sống khó khăn hay đủ đầy cũng phải cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình đầy tình yêu thương”.
Mặc dù luôn bận rộn với công việc mưu sinh nhưng đối với gia đình anh Nguyễn Văn Hòa ở phường 6 (TP Tuy Hòa), việc gìn giữ hạnh phúc mái ấm gia đình rất quan trọng. Theo anh Hòa, trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả, được thưởng thức những bữa cơm lành, canh ngọt không chỉ đơn thuần là cả nhà được cùng ăn những món ngon mà đặc biệt hơn, đó là sự gắn kết giữa các thành viên, hình thành nên truyền thống gia đình. “Bữa cơm chính là những khoảnh khắc sum họp, là nơi thể hiện sự tôn trọng, yêu thương, chăm sóc của mỗi thành viên trong gia đình. Những giây phút ấy là khoảng thời gian gia đình tôi tìm được sự thoải mái và thảnh thơi nhất sau những áp lực cơm áo gạo tiền. Càng bận rộn, vợ chồng tôi càng trân trọng quãng thời gian đó hơn”, anh Hòa nói.
Giữ gìn những giá trị truyền thống
Quá trình đổi mới đã và đang mang đến cho gia đình Việt Nam những cơ hội phát triển rất to lớn và tích cực như mức sống của đại bộ phận gia đình được nâng cao, các chức năng cơ bản của gia đình có nhiều biến đổi theo chiều hướng tiến bộ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức to lớn. Nhiều gia đình không còn quan tâm nhiều đến vấn đề gia phong, có lối sống thực dụng, tôn thờ đồng tiền, coi thường đạo đức gia đình truyền thống... Trước thực trạng này, việc giữ gìn và phát huy giá trị gia đình truyền thống là vô cùng quan trọng và cấp bách hơn bao giờ hết.
ThS Hoa Hữu Vân, chuyên viên cao cấp, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT-DL), cho biết: Trong cuộc sống gia đình, để vun đắp và giữ được ngọn lửa hạnh phúc, vợ chồng cần biết trân trọng nhau, bởi sự gặp gỡ nhau hàng ngày đôi khi làm chúng ta cảm thấy quen thuộc và xem đó là điều hiển nhiên. Vì vậy, để gia đình thực sự là bến đỗ bình yên, là nơi mà dù thành công hay thất bại, các thành viên vẫn muốn quay về thì tình yêu thương, sự sẻ chia, trách nhiệm luôn phải được các thành viên đề cao, coi trọng. Hơn thế nữa, gia đình phải là cái nôi giáo dục đạo đức, rèn giũa lối sống, là nơi gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Một gia đình hạnh phúc chính là tiền đề quan trọng để xây dựng một xã hội lành mạnh”.
Mới đây, Bộ VH-TT-DL đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030. Nội dung chính của kế hoạch này là tiếp tục đổi mới công tác truyền thông nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về tầm quan trọng của giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng đạo đức, lối sống, về phát triển gia đình; nêu gương người tốt, việc tốt, các mô hình gia đình tiêu biểu, nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau, phê phán các hành vi lệch chuẩn, vi phạm các chuẩn mực đạo đức, các giá trị văn hóa truyền thống và các hủ tục như tảo hôn, hôn nhân cận huyết…
THIÊN LÝ