Chủ Nhật, 22/12/2024 11:23 SA
Lăng Mỹ Quang và nghệ thuật diễn xướng dân gian
Chủ Nhật, 03/07/2022 09:00 SA

Lăng Ông thôn Mỹ Quang (xã An Chấn, huyện Tuy An). Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

Từ xa xưa, người dân An Chấn đã gắn bó với biển, một bộ phận ngư dân chuyên làm nghề đánh bắt cá vì vậy việc lập lăng và tín ngưỡng thờ cúng cá Ông được hình thành rất sớm. Trên địa bàn xã An Chấn có lăng Mỹ Quang, một công trình kiến trúc bề thế còn bảo lưu nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng cá Ông.

 

Bảo lưu nhiều di sản văn hóa vật thể

 

Xã An Chấn là vùng đất ven biển, nằm về phía Nam huyện Tuy An, được khai phá, hình thành và phát triển làng mạc hơn 400 năm, nơi gắn liền với bước chân người Việt (Kinh) thời mở đất. Theo các cụ cao niên trong lạch, lăng Mỹ Quang được người dân tạo lập từ thời vua Gia Long. Buổi đầu, lăng là một ngôi nhà lợp tranh, vách đất, sau đó được tôn tạo, tu sửa bằng ngói âm dương. Đến tháng 1/1947, theo lệnh tiêu thổ kháng chiến, lăng bị phá đổ. Đến năm 1954, người dân tạo dựng lại trên nền cũ, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, lăng bị bom đạn tàn phá chỉ còn lại các bức tường. Năm 1994, lăng Mỹ Quang được bà con ngư dân và kiều bào đóng góp kinh phí xây dựng lại theo kiểu chữ đinh. Kiến trúc lăng gồm: Chánh điện, nhà đông, nhà tây và nhà Võ ca.

 

Ban lạch thôn Mỹ Quang cho biết, vào năm 1802, lăng được vua Gia Long phong sắc thần cho đối tượng thờ cúng nhưng đã bị cháy trong chiến tranh. Lăng được bài trí giữa chánh điện là điện thờ cá Ông, trên điện thờ đặt ba bộ tượng Quan Thánh, Quan Bình, Châu Xương. Sau điện thờ là hầm đặt quách ngọc cốt cá Ông. Điện thờ còn có các câu đối, hoành phi ca ngợi công đức và sự hiển linh của Ông Nam Hải. Bên trái điện thờ là bàn thờ ghi chữ “Tả ban liệt vị”, bên phải điện thờ ghi chữ “Tổ sư”.

 

Đối diện với chánh điện là nhà Võ ca. Nhà Võ ca được xây dựng theo hình chữ nhật, theo lối mở ở hông và khép kín hai đầu. Nơi đây vừa để đặt bàn thờ Thần, là nơi diễn ra hoạt động chèo bả trạo hầu Thần và thực hiện nghi thức lễ khai tiên. Hai bên hông có diện tích bằng nhau để bà con ngồi xem hát tuồng khi tổ chức lễ hội. Bên tả lăng có miếu bà Hậu thổ, bên hữu bàn thờ Bạch Hổ. Thời gian tổ chức lễ hội cầu ngư ở lăng Mỹ Quang được duy trì định kỳ hàng năm vào ngày 13/6 âm lịch. Lễ hội gồm 2 phần, phần lễ gồm lễ nghinh Ông rước Thần về nhập lăng, chèo hầu (hò bả trạo), lễ thỉnh sanh, lễ tế Thần, lễ khai tiên. Phần hội hát tuồng trong suốt các đêm diễn ra lễ hội. Lễ hội cầu ngư lăng Mỹ Quang là sự bày tỏ lòng thành kính của ngư dân đối với cá Ông, tưởng nhớ công lao cứu giúp ngư dân gặp nạn trong quá trình đánh bắt trên biển.

 

Lăng Mỹ Quang là một trong số ít những lăng Ông được tạo lập rất sớm và bề thế nhất ở Phú Yên. Lăng có kiến trúc chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa của cộng đồng ngư dân sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên biển. Lăng xây dựng ở vị trí đẹp, mang nét đặc thù của môi trường cảnh quan làng biển, phía trước lăng là đảo Hòn Chùa, một đảo nhỏ thuộc thôn Mỹ Quang, nằm hướng tây bắc, cách bờ biển xã An Chấn khoảng 1,5km, cách Hòn Dứa 500m về phía Nam. Mặt bắc Hòn Chùa là ghềnh đá dựng, mặt nam có bãi cát vàng trải dài bao quanh những rặng dừa quanh năm xanh tốt; có thể kết nối lăng Mỹ Quang với các di tích, thắng cảnh du lịch Hòn Chùa - Bãi Xép. Ngày 18/8/2020, lăng Mỹ Quang, xã An Chấn được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để địa phương đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trong đời sống xã hội.

 

Một góc lăng Ông thôn Mỹ Quang (xã An Chấn, huyện Tuy An). Ảnh: HOÀI SƠN

 

Phát huy nghệ thuật diễn xướng dân gian

 

Ngoài giá trị lịch sử, di sản văn hóa vật thể và cảnh quan thiên nhiên, lăng Mỹ Quang còn lưu giữ những giá trị di sản văn hóa phi vật thể độc đáo như: Lễ hội truyền thống dân gian mang tính tổng hợp, nhiều di sản văn hóa phi vật thể cùng được bảo tồn như: múa siêu, hò bả trạo, hát tuồng, đặc biệt là tín ngưỡng thờ cúng cá Ông. Đây là tín ngưỡng ra đời cùng với quá trình hình thành làng, xã gắn với nghề đánh bắt trên biển. Hát bả trạo (còn gọi là chèo bả trạo, có nơi gọi là chèo bá trạo) là hình thức diễn xướng dân gian còn phổ biến trong các lễ hội của ngư dân vùng biển Nam Trung Bộ nói chung và huyện Tuy An nói riêng. Đây là một hình thức diễn xướng dân gian mang tính nghi lễ, diễn ra vào mỗi dịp tế cá Ông, hoặc khi cá Ông lụy (chết).

 

Hình thức diễn xướng dân gian này là một bộ phận của nghi lễ thờ cúng cá Ông ở các vạn chài được duy trì từ xa xưa đến nay. Với sự linh thiêng hóa, cá Ông được ngư dân phổ cho những tính người, cá Ông đã hóa thân thành một nhân thần có gốc gác, tính cách người. Trong dân gian, cá Ông sánh ngang hàng với cha mẹ. Trong tư cách là người, cá Ông có danh xưng kính trọng là: Ông, Ngài, Đức Ngư Ông…, đặc biệt là tên Ông Sanh. Tên gọi này phản ánh quan niệm, nhận thức, tình cảm của ngư dân với cá Ông. Không chỉ thờ cúng, tế lễ, ngư dân còn bày tỏ tình cảm biết ơn với Thần Nam Hải bằng lời ca, tiếng hát qua hình thức hát thiêng Hò bả trạo:

 

Một tuần dâng chén rượu Thần

Hai tuần dâng chén mừng Ông mới về

Ba tuần dâng chén rượu lê

Chén này là chén Ông về lăng trung

Thành tâm bổn vạn cúi đầu

Hương chong đèn đuốc lễ cầu Đức Ông

Nghề làm thiếu hụt không dư

Nhờ Ông đức cả đại từ chúng sinh

Cầu Ông Đông Hải đức lành

Ra ơn tế độ chúng sanh khỏi hàn

Rước Ông đa tạ lăng vàng

Chứng cho làng vạn cầu an các nghề.

 

Đội chèo bả trạo ở lăng Mỹ Quang thường có 15-17 người, trong đó có một tổng lái, một tổng thương, một tổng mũi, còn lại là các con trạo. Một chương trình hát bả trạo diễn ra trong 90-120 phút ngay tại sân lăng thờ cá Ông hoặc ngoài bãi biển. Nội dung chính một bài bả trạo theo trình tự: Phần đầu kể chuyện ngư dân đi làm biển, rồi bị sóng to gió lớn; khi thuyền sắp đắm, Đức Ngư Ông xuất hiện và ra tay cứu giúp, đưa thuyền về nơi an toàn; phần tiếp theo là hát múa kể về công đức cá Ông, suy tôn Ông; phần cuối là hát các bài vè, bài lý giúp vui.

 

Người giữ vai trò lĩnh xướng một cuộc hát bả trạo là tổng mũi, có sự giúp sức của tổng thương và tổng lái. Các con chèo xô theo từng đoạn và múa các động tác như đang chèo thuyền (nên còn gọi là chèo cạn). Giai điệu các bài bả trạo thường được sử dụng là nói lối, hò chèo thuyền, hò kéo lưới, hò kéo neo, hò giựt chì, hò mái ngơi, nam xuân, nam ai… và các bài lý như lý tang tít, lý vãi chài… Nhờ sự tích hợp nhiều giai điệu, làn điệu, có nói lối, có hát, có múa, có diễn, có sênh, trống và dàn nhạc phụ đệm phụ họa. Có thể xem, hát bả trạo là một loại hình diễn xướng mang tính tổng hợp (như hát sắc bùa, hát bài chòi). Hiện nay, lăng Mỹ Quang và các vạn chài ở huyện Tuy An, hàng năm vào dịp tế cá Ông đều tổ chức hát bả trạo.

 

Lễ hội cầu ngư ở lăng Mỹ Quang, xã An Chấn là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng rất đặc sắc, phản ánh nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân địa phương, qua đó tình nghĩa xóm làng thắt chặt, tinh thần gắn kết cộng đồng được củng cố trao truyền. Đặc biệt, các loại hình diễn xướng dân gian, nghệ thuật sân khấu truyền thống có điều kiện để duy trì, bảo tồn và phát huy trong đời sống đương đại.

 

NGUYỄN HOÀI SƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek