Thứ Bảy, 18/05/2024 15:27 CH
Tình cảm gia đình trong ca dao Phú Yên
Thứ Ba, 28/06/2022 10:29 SA

Minh họa: Internet

Gia đình là nơi con người sinh ra, là môi trường đầu đời hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Gia đình cũng là nơi bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dòng họ, địa phương và dân tộc như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, hiếu học đã được gia đình gìn giữ, vun đắp và phát huy. Trong kho tàng ca dao dân gian Phú Yên những bài ca dao nói về tình cảm gia đình, luôn chan chứa yêu thương, trở thành bài học luân lý cho thế hệ sau.

 

Người dân Phú Yên luôn coi trọng tình cảm gia đình. Bài ca dao nổi tiếng của người Việt Nam diễn tả những tình cảm gia đình thiêng liêng cao quý, bằng những hình ảnh to lớn, vĩnh hằng, giàu sức biểu cảm để so sánh và chỉ ra công ơn trời biển của bậc sinh thành, đã là hành trang văn hóa của người Phú Yên từ các miền quê Thuận - Quảng mang đến vùng đất mới:

 

Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

 

Để đền đáp công ơn bậc sinh thành, người Phú Yên luôn giáo dục con cháu phải báo hiếu cha mẹ ngay khi còn sống trên cõi đời:

 

Tôm rằn lột vỏ bỏ đuôi,

Giã gạo cho trắng, đem nuôi mẹ già.

Mẹ già ở túp lều tranh,

Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.

 

Công ơn sinh thành của cha mẹ không gì sánh bằng, việc chăm sóc cha mẹ lúc ốm đau, tuổi già là bổn phận, tình yêu thương và trách nhiệm của đạo làm con:

 

Công cha đức mẹ cao dày,

Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ.

Nuôi con khó nhọc đến giờ,

Trưởng thành con phải biết thờ song thân.

 

Hay:

 

Một mai con cá hóa rồng,

Đền ơn cha mẹ kẻo công sinh thành.

 

Minh họa: Internet

 

Cuộc sống của người nông dân Phú Yên trong xã hội truyền thống rất khó khăn, thiếu thốn. Dù có phải lao động vất vả nhưng đạo làm con thì vợ chồng vẫn luôn nhắc nhở, bảo ban nhau cùng chăm sóc cha mẹ già, sự báo hiếu ấy tạo tiếng thơm để đời:

 

Em thời đi cấy ruộng bông,

Anh đi cắt lúa để chung một nhà.

Đem về phụng dưỡng mẹ cha,

Muôn đời tiếng hiếu người ta còn truyền.

 

Ca dao dân gian có bao nhiêu lời lẽ, câu chữ cũng không thể biểu đạt hết công lao trời biển của cha mẹ dành cho các con:

 

Ân cha nặng lắm ai ơi,

Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.

 

Hay:

 

Ai rằng công mẹ như non,

Thực ra công mẹ lại còn lớn hơn.

 

Cha mẹ không bao giờ đòi hỏi con cái phải trả ơn, trả nghĩa, nhưng phận làm con phải thấu hiểu đạo lý này, sự chăm sóc cha mẹ bằng tấm lòng yêu thương thành kính thì không thể so bì là ít, là nhiều:

 

Ân cha nghĩa mẹ nặng triều,

Ra công báo đáp ít nhiều phận con.

 

Trong xã hội truyền thống ở Phú Yên, đạo làm con được các thế hệ cha mẹ đúc kết thành ca dao truyền dạy từ thế hệ này qua thế hệ khác đã trở thành nền nếp gia phong, là bài học luân lý trong môi trường gia đình:

 

Con người có cố, có ông

Như cây có cội, như sông có nguồn.

 

Cho nên:

 

Dạy con, con chớ quên lời,

Thờ cha kính mẹ suốt đời chớ quên.

 

Nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già, khi cha mẹ đau ốm, con cháu phải lo lắng từ bữa ăn, giấc ngủ, viên thuốc, ly nước. Những câu ca dao dân gian nói về đạo làm con có hiếu với cha mẹ luôn được người dân Phú Yên trân trọng gìn giữ, truyền lại cho các thế hệ con, cháu, mà đến ngày nay mỗi khi đọc lại vẫn làm ta bùi ngùi, xúc động:

 

Ba tiền một miếng cá bui,

Cũng mua cho đặng, về nuôi mẹ già.

 

Luôn đề cao việc báo hiếu bậc sinh thành nên chuyện riêng tư đành gác lại:

 

Anh về báo nghĩa sinh thành

Chừng nào bóng xế rủ mành hãy hay.

 

Ca dao dân gian Phú Yên cũng biểu đạt nội dung hàm ý quy luật về duy trì nòi giống, trai - gái lớn lên, đến tuổi trưởng thành thì phải xây dựng gia đình và khi có con, nuôi dạy, chăm sóc con càng thấu hiểu thêm sự khó nhọc và công lao cha mẹ:

 

Ở đời ai cũng có lần,

Làm cha mẹ mới biết ơn sinh thành.

Người xưa khó nhọc nuôi mình,

Khác gì mình đã hết tình nuôi con.

 

Và cũng thấu hiểu luật nhân - quả. Mình đối xử với cha mẹ thế nào thì con cái của mình sau này cũng sẽ đối xử với mình như vậy:

 

Nếu mình hiếu với mẹ cha,

Chắc con cũng hiếu với ta khác gì?

 

Ca dao dân gian Phú Yên không chỉ nói về sự biết ơn bậc sinh thành mà còn luôn nhớ đến công lao dạy bảo của thầy, cô giáo. Câu ca dao nổi tiếng của dân tộc Việt Nam vẫn luôn được các bậc làm cha, làm mẹ ở Phú Yên dùng để răn dạy các con, các cháu:

 

Công cha nghĩa mẹ ơn thầy,

Ngày sau khôn lớn ơn dày biển sâu.

 

Và thấu hiểu đạo lý ấy nên người Phú Yên có cách thể hiện rất sâu sắc trong câu ca dao sau:

 

Ai về tôi gửi buồng cau,

Buồng trước kính mẹ buồng sau kính thầy.

 

Hay:

 

Gươm vàng rớt xuống hồ Tây,

Công cha cũng trọng, nghĩa thầy cũng sâu.

 

Gia đình và xã hội luôn có mối quan hệ khăng khít, vì gia đình được ví là tế bào của xã hội. Trong ca dao dân gian Phú Yên có nội dung hàm ý về xã hội được thể hiện rất đa dạng từ lệ làng đến mối quan hệ hàng xóm láng giềng, đến tri ân người có công đức với dân với nước.

 

Trong quan hệ xã hội, người Phú Yên hội tụ những đức tính tốt đẹp, luôn coi trọng chữ “nghĩa”, qua cách hành xử thể hiện nhân cách con người chứ không phải dựa vào sự giàu có về của cải vật chất:

 

Dạo chơi quán cũng như nhà

Lều tranh có nghĩa hơn tòa ngói cao.

 

Người dân Phú Yên luôn đề cao tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau:

 

Bổn phận ở với láng giềng

Là nơi kề cận ấm êm cửa nhà

Ăn ở sao cho được thuận hòa

Đừng tranh hơn thiệt, rầy rà chẳng nên

Đôi bên là kẻ thân quen

Trong cơn tối lửa tắt đèn có nhau!

 

Ca dao Phú Yên có nội dung hàm ý về quan hệ gia đình và xã hội không chỉ bó hẹp trong gia đình mà lan tỏa sâu rộng trong cuộc sống, trong cộng đồng. Việc ngợi khen công lao các nhân vật lịch sử gắn với sự kiện tiêu biểu diễn ra trên vùng đất này bằng những từ ngữ chứa đựng hình ảnh sinh động, phong phú, sự biết ơn và tôn vinh đã tác động tích cực đến nhận thức của thế hệ trẻ hiện nay về thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn/ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

 

Gia đình và xã hội luôn có mối quan hệ khăng khít, vì gia đình được ví là tế bào của xã hội. Ca dao Phú Yên có nội dung hàm ý về xã hội được thể hiện rất đa dạng từ lệ làng đến mối quan hệ hàng xóm láng giềng, đến tri ân người có công đức với dân với nước.

 

NGUYỄN HOÀI SƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek