Thứ Sáu, 29/11/2024 07:03 SA
Thú chơi kỳ mộc
Thứ Sáu, 15/08/2008 07:32 SA

Những người yêu thích nghệ thuật gỗ lũa ở huyện Sông Hinh không ai là không biết đến anh Nguyễn Đình Vượng ở khu phố 5, thị trấn Hai Riêng (Sông Hinh). Các tác phẩm gỗ lũa của anh  trưng bày ở quán cà phê Thảo Nguyên thường mang đến cho người xem một mỹ cảm kỳ lạ. Ở đó, bằng sự sắp đặt khéo léo những ý tưởng độc đáo những gốc cây khô không còn là gốc cây vô tri mà thấm đẫm linh hồn của tạo vật thiên nhiên.

 

choi-moc-080814.jpg

Anh Nguyễn Đình Vượng (bên trái) giới thiệu hai tác phẩm “Bản đồ Việt Nam” và “Đại Ngàn” - Ảnh: NGỌC DUNG

 

Anh Vượng thổ lộ: “Tôi vốn yêu thích sinh vật cảnh, nên vẫn thường chơi chim, đá cảnh, đặc biệt là gỗ lũa. Nhất là từ ngày mở quán cà phê, tôi bắt đầu sưu tầm đá và gốc, rễ cây để về trưng bày. Ban đầu, chỉ đơn thuần là yêu thích, nhưng sau một thời gian dài gắn bó, mình đam mê nghệ thuật gỗ lũa lúc nào không hay”.  8 năm qua, bàn chân anh đã đặt lên khắp các triền núi, bờ sông, suối. Chỉ tay về phía góc vườn có đống gốc, rễ cây khô hỗn tạp, anh Vượng cười: Nhiều lúc mình đi ra rẫy hay ngoài bờ sông, thấy có khúc gỗ hay hay thì nhặt về. Sau đó kết hợp chúng lại với nhau, để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh. Trong quá trình phối ngẫu như vậy, trong đầu mình mới “bật” ra những ý tưởng độc đáo. Các tác phẩm “Ngọn đuốc Olympic”, “Đại ngàn” hay “Bản đồ Việt Namcủa anh đều ra đời như thế. Anh Vượng cho biết, những tác phẩm này được nhiều người trả giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, thậm chí đến chục triệu đồng, nhưng anh chưa nghĩ đến chuyện bán chúng đi.

 

Thú chơi kỳ mộc, chỉ có những người thực sự say mê mới có thể gắn bó lâu dài, bởi nó “ngốn” khá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Và điều quan trọng hơn không phải người nào cũng nhìn thấy vẻ đẹp tiềm ẩn đằng sau mỗi thân gỗ sần sùi, xấu xí.

 

Chính sự thích khám phá, tìm tòi vẻ đẹp ẩn giấu bên trong những gốc cây thô mộc mà bên cạnh anh Vượng, còn có nhiều người khác ở phố núi Hai Riêng như Mai Văn Thụ, Nguyễn Quang Long, Tạ Quang Dũng, Đinh Văn Phụng… đã không quản ngại đường xa, cơm đùm cơm nắm rong ruổi đến những cánh rừng, hồ, sông, suối để tìm kiếm gốc, rễ cây. Anh Dũng cho biết: “Sau mỗi mùa lũ, dân chơi gỗ lũa sẽ bắt gặp rất nhiều gốc cây có giá trị trôi về từ những ngọn núi. Đây là “mùa bội thu” của chúng tôi”.

 

Không phải loại gỗ nào cũng hình thành được lũa. Vì thế, các nghệ nhân thường tìm lõi của các loại gỗ như hương, cà te, sao, đinh, trai… Với họ, nó là phần “sống” duy nhất của cây gỗ đã chết. Gỗ lũa rất cứng, không mối mọt nào ăn được, không bị cong vênh sau mỗi mùa mưa nắng. Theo các nghệ nhân, lũa có các loại: lũa nằm sâu trong lòng đất, lũa chìm trong bùn nước, lũa được tạo thành từ mưa, gió. Lũa đẹp nhất là nằm ở đáy các dòng suối hay ngang dòng nước chảy, được nước bào mòn tự nhiên, bóng, bền. Anh Đinh Văn Phụng cho biết: “Thông thường những gốc cây được tìm về, cả nhóm ngồi lại cùng bàn luận, góp ý để tìm ý tưởng cho tác phẩm”. Hiện nay, người chơi gỗ lũa thường chơi theo thế cây hay các con vật trong truyền thuyết dân gian: Long, Lân, Quy, Phụng. Dựa trên đường nét có sẵn, người ta phải làm sao để tác phẩm sinh động và mang một ý nghĩa nào đó. Nhưng đôi khi có thân lũa không cần phải can thiệp vì bản thân “tác phẩm” do thiên nhiên tạo ra đã quá hoàn mỹ.

 

Có một điều mà hầu như dân trong nghề đều biết, đó là không có một chuẩn mực nào trong việc tạo hình cho gỗ lũa. Nếu ở miền Nam, người ta thường tạo hình mới cho lũa bằng nghệ thuật điêu khắc thì ở miền Bắc bàn tay con người lại can thiệp rất ít. Vì thế, tùy theo sở thích mà có người pha trộn giữa nghệ thuật thiên nhiên và nghệ thuật điêu khắc. Đối với những nghệ nhân đam mê, gắn bó lâu năm với gỗ lũa thì sự cắt bỏ những phần dư thừa của vật thể để làm nổi bật hình tượng nghệ thuật của tác phẩm là cần thiết, song quý nhất vẫn nên giữ nguyên vẻ đẹp tự nhiên mà thiên nhiên đã tạo tác.

 

NGỌC DUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek