Ngày 24/4, tại Khu du lịch Sao Việt (TP Tuy Hòa), Trường đại học Phú Yên phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông, Viện Khoa học Giáo dục Văn hóa Thể thao Du lịch Đà Lạt và Trường đại học Thái Bình Dương tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Hoài cố nhân - Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng”. Tham dự hội thảo có các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các viện nghiên cứu, các địa phương trong cả nước; giảng viên các trường đại học, giáo viên Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, nghiên cứu sinh, học viên cao học; đại diện Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên; đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan…
Hội thảo tập trung vào việc nghiên cứu, đánh giá các tác phẩm của nhà văn Võ Hồng, bao gồm tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn, tùy bút, truyện thiếu nhi, thơ, các bài báo...; khẳng định những đóng góp của Võ Hồng trong các lĩnh vực: văn học, giáo dục, văn hóa... Thông qua hội thảo, công lao đóng góp, giáo dục của Võ Hồng được khẳng định. Đây còn là dịp để trao đổi thông tin và chia sẻ về những công trình nghiên cứu mới về Võ Hồng; đánh giá mối quan hệ giữa văn học và văn hóa thông qua những tác phẩm nhà văn viết về quê hương và những nơi nhà văn từng sống, học tập, làm việc. vị trí, giá trị sự nghiệp văn chương và sự nghiệp
Nhà văn Võ Hồng sinh tại làng Ngân Sơn (xã An Thạch, huyện Tuy An) - một ngôi làng trước đây chuyên làm đồ gốm, nằm bên bờ sông Cái, gần nhà thờ Mằng Lăng, núi A Man và đường ra gành Đá Đĩa. Giấy khai sinh Võ Hồng ghi là ngày 5/5/1921 nhưng theo lời nhà văn đã kể, ông sinh vào ngày 5 tháng Chạp năm Nhâm Tuất (tức ngày 21/1/1923). Hơn nửa thế kỷ cầm bút, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, Võ Hồng là mẫu nhà giáo - nhà văn trong sáng và bền bỉ với nghề. Suốt những năm dài vừa một mình nuôi ba con nhỏ, vừa dạy học, viết văn, Võ Hồng đã để lại một di sản văn chương đồ sộ gồm 6 tiểu thuyết - truyện dài, hàng trăm truyện ngắn và rất nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi. Ông mất ngày 31/3/2013.
Hoài cố nhân là tác phẩm được xuất bản đầu tiên của Võ Hồng, khai sinh sự nghiệp văn chương của nhà văn, từ đó cảm hứng và tinh thần hoài niệm như một đặc trưng xuyên suốt các trang viết. Những đóng góp của nhà văn Võ Hồng cho quê hương, cho văn học, văn hóa dân tộc, cho lĩnh vực giáo dục là vô cùng quan trọng và có ý nghĩa không chỉ trong thực tại mà còn hướng đến tương lai.
QUỲNH NHƯ