Theo ông Trần Thanh Hưng, Giám đốc Sở TT-TT, Trưởng Ban Tổ chức Hội Sách tỉnh Phú Yên lần thứ V/2022, hội sách năm nay có nhiều nét mới. Chuỗi hoạt động của hội sách hướng đến việc khơi gợi niềm đam mê đọc sách để làm giàu tri thức của mỗi người.
* Còn chưa đầy 2 tuần nữa, Hội Sách tỉnh Phú Yên lần thứ V/2022 sẽ khai mạc. Hội sách năm nay có những nét mới nào, thưa ông?
- Ngay sau khi được UBND tỉnh đồng ý cho tổ chức hội sách, Sở TT-TT - đơn vị được phân công chủ trì tổ chức - đã tiến hành họp ban tổ chức và các đơn vị, cá nhân liên quan để thông qua kế hoạch tổ chức. Hội Sách tỉnh Phú Yên lần thứ V/2022 có một số nét mới. Thời gian tổ chức kéo dài thêm một ngày một đêm, từ 20-24/4, khai mạc lúc 19 giờ ngày 20/4 tại Công viên Thanh thiếu niên TP Tuy Hòa. Các đơn vị tham gia, nhất là các đơn vị phát hành sách, đều mong muốn hội sách được tổ chức dài ngày hơn, vì đây là dịp để bạn đọc, khách du lịch tiếp cận với sách nhiều hơn. Nhưng vì kinh phí hạn hẹp nên ban tổ chức chỉ kéo dài thêm chừng ấy thời gian.
Về các đơn vị tham gia, ngoài các đơn vị trong tỉnh như: Thư viện Hải Phú, Công ty CP Sách và Thiết bị trường học, Nhà sách Vạn Trí Phú Yên, Nhà sách Fahasa Phú Yên, Thư viện tư nhân Nắng Mai, năm nay, ban tổ chức đã mời thêm 6 đơn vị tại TP Hồ Chí Minh là Công ty TNHH MTV Thương mại & Dịch vụ Văn hóa Minh Long, NXB Trẻ, Công ty Sách Thái Hà, Công ty Sách Nhã Nam, Sài Gòn Books và Công ty Sách Đinh Tỵ. Lần đầu tiên tham gia Hội Sách tỉnh Phú Yên còn có 2 nhà thư pháp, thư họa, có gian cà phê sách - tranh của họa sĩ Diệp Xang, có gian song hỷ trà phục vụ miễn phí...
Đặc biệt, chương trình giao lưu diễn ra vào 19 giờ ngày 22/4 tại sân khấu Hội sách, Công viên Thanh thiếu niên TP Tuy Hòa với hai khách mời là TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books, người phát động chương trình Khuyến đọc Việt Nam và nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn, tác giả cuốn sách Thưởng trà thật đẹp. Các khách mời sẽ chia sẻ về văn hóa đọc trong bối cảnh truyền thông số lên ngôi và giới thiệu tác phẩm Đất Phú trời Yên, tập hợp những sáng tác của văn nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành về vùng đất - con người Phú Yên. Chúng tôi dự kiến sẽ truyền hình trực tuyến (livestream) chương trình này trên Trang Thông tin điện tử Sở TT-TT tại địa chỉ https://sotttt.phuyen.gov.vn/wps/portal/sotttt/ và một số trang facebook có lượt theo dõi đông.
Nét mới nữa là tiếp tục hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT-TT phát động, đến đầu tháng 4/2022, Sở TT-TT đã vận động các doanh nghiệp ngành TT-TT tặng 55 máy tính bảng, 15 đèn để bàn thông minh có tích hợp camera, một tủ sách và 10 triệu đồng để giúp học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo chưa có thiết bị khi học trực tuyến.
Ông Trần Thanh Hưng |
* Có khá nhiều hoạt động diễn ra tại Hội Sách tỉnh Phú Yên lần thứ V/2022. Theo ông, đâu là những điểm nhấn? Ban tổ chức có những cách làm nào để thu hút người dân, đặc biệt là giới trẻ, đến với hội sách?
- Ngoài các hoạt động trưng bày, giới thiệu sách, giao lưu với bạn đọc, thư pháp, thư họa, văn nghệ…, tại hội sách, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với một số đơn vị tổ chức cuộc thi “Độc đáo Phú Yên” dành cho học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn tỉnh. Nội dung cuộc thi là: Với vai trò là một hướng dẫn viên du lịch, một youtuber..., bạn sẽ làm gì để quảng bá những nét độc đáo chỉ có ở Phú Yên đến bạn bè trong và ngoài nước? Hình thức dự thi gồm bài viết (không giới hạn số chữ) hoặc clip có thời lượng dưới 5 phút. Ban giám khảo sẽ chọn ra các bài viết hoặc clip xuất sắc để trao giải A, B, C tại đêm bế mạc hội sách. Các bài viết hoặc clip đoạt giải sẽ được giới thiệu trên các trang thông tin điện tử, trên báo, đài của tỉnh... Mục đích của cuộc thi này là góp phần quảng bá du lịch Phú Yên - lĩnh vực được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Thời gian phát động từ nay cho đến ngày 16/4.
Tỉnh đoàn sẽ phối hợp với Sở TT-TT, Sở GD-ĐT… tổ chức cuộc thi Kể chuyện và làm theo sách dành cho học sinh các trường tiểu học, THCS ở các huyện, thị xã, thành phố. UBND các huyện, thị xã, thành phố sẽ chỉ đạo đơn vị chức năng tuyển chọn, luyện tập và cử một cá nhân xuất sắc tham gia cấp tỉnh. Ban giám khảo sẽ chọn các thí sinh xuất sắc để trao giải thưởng trong đêm bế mạc.
Một nhà văn, sử gia và triết gia Pháp thời Khai sáng từng nói rằng: “Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người“. Việc đọc sách, chúng ta không thể thấy ngay kết quả, thậm chí không nhận ra những thay đổi, những kết quả đạt được. Tuy nhiên, nó sẽ dần thấm sâu vào não bộ một cách từ từ, chậm rãi mà chính chúng ta cũng không thể nhận ra.
Chính vì thế, với chuỗi hoạt động tại Hội Sách tỉnh Phú Yên, tôi không cho rằng nội dung nào quan trọng hơn nội dung nào. Tất cả đều hướng đến việc khơi gợi niềm đam mê đọc sách để làm giàu tri thức cho mình. Tất nhiên, hội sách chỉ là một hoạt động truyền thông mang tính góp phần, điều quan trọng tạo nên thói quen đọc sách của mỗi người vẫn là gia đình và nhà trường.
* Ông kỳ vọng gì qua Hội Sách tỉnh Phú Yên lần thứ V/2022?
- Hai năm qua, cũng như nhiều lĩnh vực khác, ngành Xuất bản chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Trong hoàn cảnh đó, các đơn vị trong ngành không chỉ nỗ lực vượt qua khó khăn mà còn phải tìm ra hướng đi mới nhằm đa dạng hóa hình thức, nội dung xuất bản phẩm để phù hợp thị hiếu của độc giả trong thời đại 4.0. Đại dịch COVID-19 đặt ra thách thức mới cho giới làm sách song cũng mở ra nhiều cơ hội.
Gian trưng bày sách tại một hội sách. Ảnh minh họa: YÊN LAN |
Ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh đại dịch và nhu cầu chuyển đổi số hiện nay sẽ là tiền đề cho nhiều hướng đi mới của ngành Xuất bản. Nếu biết tận dụng công nghệ, giới làm sách trong nước sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với các đơn vị xuất bản trên thế giới. Từ đó, việc mua, bán bản quyền sách sẽ diễn ra nhanh hơn. Ngoài ra, công nghệ còn giúp chúng ta có thể xây dựng thư viện số, sách điện tử (ebook, audio book…), giúp quá trình truyền thông, quảng bá sách được rút ngắn nhưng lại lan tỏa nhanh rộng đến với bạn đọc nhiều hơn. Chính vì thế, việc lan tỏa thói quen đọc sách cũng sẽ dễ dàng hơn.
Hội Xuất bản Việt Nam cho biết: Năm 2002, tỉ lệ đọc sách ở Malaysia là 2 cuốn/người/năm. Đến năm 2019, con số này là 15. Còn tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT-TT), nếu tính cả sách giáo khoa, tỉ lệ đọc trong năm 2019 chỉ đạt 4,13 cuốn/người/năm. Tuy nhiên theo tôi, người Việt không từ bỏ thói quen đọc, chỉ thay vì đọc sách, người ta đọc trên các thiết bị cầm tay như điện thoại thông minh, máy tính bảng… Vấn đề đặt ra cho các nhà làm sách là kịp thời chuyển đổi để phù hợp với thói quen đó. Như bên cạnh sách truyền thống với phiên bản đủ, cũng có thể thêm các phiên bản rút gọn dành cho sách điện tử, dành cho “phát hành” trên không gian mạng. Vì đặc trưng của xu hướng đọc trên không gian mạng là đọc nhanh, đọc ngắn. Tiktok, facebook… có những quy định về thời lượng video trên hạ tầng của họ cũng với lý do đó.
Trước những thực trạng trên, tạo thói quen đọc sách cho người dân vẫn là giải pháp mấu chốt cho văn hóa đọc. Việc tổ chức các hội sách, sự kiện về sách sẽ góp phần tác động thêm vào việc mua và đọc sách của người dân, chứ không tạo nên thói quen đọc. Thói quen đó phải được hình thành từ khi còn nhỏ tại hai môi trường chính là trường học và gia đình - như tôi nói ở trên. Trong mỗi gia đình, cha mẹ cũng cần ý thức về vai trò của sách và duy trì thói quen đọc cùng con. Việc tác động mạnh mẽ từ nhiều phía sẽ tạo nên sự thay đổi tích cực, góp phần hình thành thói quen đọc sách cho người dân từ lúc còn trẻ.
* Xin cảm ơn ông!
Ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1862 về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, thay thế Quyết định 284 ngày 24/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam. Theo đó, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức vào 21/4 hàng năm trên phạm vi cả nước, nhằm khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập. |
YÊN LAN (thực hiện)