Bộ phim Em và Trịnh được đầu tư 40 tỉ đồng, không hề giấu giếm tham vọng tạo ra điểm nhấn kỷ niệm 20 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời, khi khởi chiếu vào năm 2021. Đáng tiếc, do ảnh hưởng dịch COVID-19, bây giờ bộ phim Em và Trịnh mới hoàn thành để chuẩn bị ra rạp.
Diễn viên Trần Lực đóng vai Trịnh Công Sơn trong bộ phim Em và Trịnh. Ảnh: CTV |
Nhân vật Trịnh Công Sơn là người thật việc thật. Hóa thân thành nhạc sĩ huyền thoại chẳng phải chuyện đơn giản, khi đối mặt với hàng triệu đôi mắt soi rọi từ người hâm mộ. Trước đây, diễn viên Lê Công Tuấn Anh từng vào vai Trịnh Công Sơn trong bộ phim Em còn nhớ hay em đã quên của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, cũng không mấy thành công. Diễn viên Trần Lực vào vai Trịnh Công Sơn trong bộ phim Em và Trịnh là một thử thách cho cả người hóa thân lẫn nhà sản xuất. Bởi lẽ, muốn đóng vai một nhân vật đã định vị trong tâm tưởng xã hội, thì chọn lựa gương mặt diễn viên càng mới thì càng ít áp lực. Diễn viên Trần Lực thấu hiểu điều ấy, và có những nỗ lực riêng: “Tôi tập nói giọng Huế, bật các clip có Trịnh nghe ông hát và nói. Phải mời thầy về dạy hát, dạy cách nhả chữ nhả âm. Đồng thời tôi giảm cân xuống còn 62kg, thân hình mảnh mai hao hao Trịnh Công Sơn”.
Kịch bản Em và Trịnh ôm đồm cả một giai đoạn mấy thập niên để mô tả nhân vật Trịnh Công Sơn từ trẻ đến già là sự mạo hiểm. Phim chiếu rạp, chứ không phải phim truyền hình để dông dài kể lể buồn thương nhung nhớ. Một trong những “sứ giả” mở đường cho bộ phim Em và Trịnh đến với công chúng là ca khúc Nắng thủy tinh vừa được thực hiện MV khá kỳ công.
Ca khúc Nắng thủy tinh được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (28/2/1939-1/4/2001) viết vào năm 1963, được cho là một cột mốc khởi điểm cuộc tình giữa Trịnh Công Sơn và Dao Ánh mà những nhà làm phim Em và Trịnh chuyển tải lên màn ảnh. Ca khúc Nắng thủy tinh do diễn viên Avin Lu (đóng vai Trịnh Công Sơn lúc trẻ) song ca cùng ca sĩ Suni Hạ Linh. Điểm độc đáo của MV là cách thể hiện kiểu hoạt hình tĩnh vật, với hai mô hình búp bê tượng trưng cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nàng thơ Dao Ánh.
Chiến lược tiếp thị rất cần thiết để phục vụ tính thương mại của một tác phẩm nghệ thuật, nhưng xác định ca khúc Nắng thủy tinh được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết riêng cho Dao Ánh thì hơi khiên cưỡng. Không thể dựa vào ca từ “em qua công viên mắt em ngây tròn/ lung linh nắng thủy tinh vàng/ chợt hồn buồn dâng mênh mang” trong ca khúc Nắng thủy tinh để xác lập một giai đoạn thanh xuân yêu đời tươi sáng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Sự suy tư về tình yêu và thân phận vốn thường trực ở nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ thời niên thiếu bước chân vào con đường thi ca và âm nhạc, chứ không phải vì Dao Ánh khơi mở hay bóng hồng cụ thể nào đánh thức.
Ca khúc Nắng thủy tinh được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác cùng thời điểm với ca khúc Gọi tên bốn mùa, trong mạch cảm xúc với nhiều ca khúc trước đó như Lời buồn thánh viết năm 1959, Diễm xưa viết năm 1960, Hạ trắng viết năm 1961, Biển nhớ viết năm 1962. Đồng thời ca khúc Nắng thủy tinh cũng nối mạch cảm xúc với nhiều ca khúc mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết năm 1964 như Ru em từng ngón xuân hồng, Như cánh vạc bay, Tạ ơn... Đó là tâm trạng “dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời tạ ơn ai đã đưa em về chốn này, ta xây mãi cuộc vui” nên hậu sinh không thể tùy tiện gán ghép Nắng thủy tinh vào một chuyện tình mơ hồ Em và Trịnh.
Khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn tại thế, bộ phim Em còn nhớ hay em đã quên của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần còn chưa thể hé lộ chuyện tình Trịnh Công Sơn thuyết phục đám đông, thì bây giờ nhiệm vụ ấy càng bất khả thi đối với bộ phim Em và Trịnh.
Hãy nhớ rằng, nghệ thuật và đời thường rất cách xa nhau. Trong sáng tạo, tài năng càng lớn thì nhân ảnh đời thường càng nhạt nhòa khi chuyển hóa sang nghệ thuật. Gắng gượng đưa Dao Ánh hay bất cứ người đẹp nào lên màn ảnh để minh định nguyên mẫu ca khúc Trịnh Công Sơn, đều là việc làm vô nghĩa và ngây ngô. Nếu nói ca khúc nào của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết cho ai hoặc viết vì ai một cách rõ ràng, thì may ra chỉ có thể kể đến 3 ca khúc dành tặng ca sĩ Hồng Nhung. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã lấy tên thân mật Bống của ca sĩ Hồng Nhung, để viết Bống bồng ơi vào năm 1993, Bống không là Bống năm 1995 và Thuở Bống là người năm 1998.
TUY HÒA