Mẹ cất tết đi rồi, từng đứa con lại lần lượt bước qua cánh cổng làng trôi nhanh về phố. Sau xe lỉnh kỉnh gói ghém chút hương vị quê nhà vẫn còn vương màu tết. Cặp bánh chưng mới nấu lại còn nóng hổi, vài hộp mứt mẹ làm dư “mang đi cho các cháu nhấm nháp dần”. Cũng có khi là hộp dưa hành, túi ruốc thịt mẹ cứ cố dúi vào dù con bảo “đường xa quá mà xe đã chật”. Đâu đó trên quãng đường xuống phố có thằng bé ôm khư khư cây chanh đã được bà ngoại bao bọc một lớp bìa carton để gai không đâm vào da thịt cháu. Bố thằng bé nói:“Trăm thứ muốn trồng mà nhà thì quá chật. Nên tính ra chỉ trồng nổi cây chanh, cây ớt để bữa cơm nào cũng thấy vị quê. Đi làm về mệt có bát canh chua, đĩa thịt gà rắc vài sợi lá chanh, chấm cái gì cũng dằm thêm tí ớt”. Vừa ăn vừa nhớ những chuyện xưa, nhớ góc vườn ở quê và mâm cơm đạm bạc còn thơm mùi khói bếp. Thằng nhỏ chắc sẽ nhìn cây chanh lớn mỗi ngày, sẽ mừng rơn thi thấy từng chùm hoa bói…
Có biết bao người khi vừa mở cánh cửa căn phòng trọ, nước mắt đã ứa ra. Nỗi nhớ quê ầng ậc trong tim, có khi chỉ cần mở bao gạo mang theo là thấy cả cánh đồng trước mặt. Mùa này rét căm, chân mẹ lội dưới bùn, lưng hứng mưa xuân giăng giăng như sương trắng. Đám mạ non vừa được cắm xuống bùn, ngậm khí xuân mà xanh mơn mởn. Bầy cò trắng bay qua, tép tôm đã gọi nhau trốn biệt. Nơi con ở phố xá ồn ã quá, nhưng may thay tâm thức đủ bình yên để nghe thấy tiếng gà mẹ cục con, tiếng lá chuối cựa mình trong gió, tiếng lửa reo lách tách bếp mẹ nghèo. Trên cơ thể của con dù ướt đẫm mồ hôi trong nhà máy hay hầm lò; dù quần áo có bám đầy vôi vữa, khói than, bụi bặm thì vẫn không bao giờ mất đi mùi của gốc gác quê nhà thấm sâu vào da thịt.
Bạn tôi từng hỏi: Có phải phần quê nhà trong mỗi con người giúp chúng ta sống lương thiện hơn không? Như bạn, cả đời níu vào những lời dạy năm xưa của mẹ để đối đãi với đời. Nhường nhịn, sẻ chia, bao dung với nhau trong biến cố thăng trầm. Cả đời không quên được cánh cổng những căn nhà ở quê thường ít khi đóng lại. Để hàng xóm thỉnh thoảng ghé qua xin nắm rau trong vườn hoặc ngồi uống chén nước chè lúc cày xong thửa ruộng. Những hàng rào quê bằng giậu cúc tần luôn có vài chỗ hổng để lũ trẻ chui qua chui lại dúi cho nhau củ sắn củ khoai. Dòng đời có chảy trôi tới đâu, cuộc mưu sinh cho dù có lắm nhọc nhằn nhưng hồn quê còn trong lồng ngực, giọng quê ngân từ trong thanh quản vang lên. Mùa xuân này trong dòng người ngược xuôi có biết bao mảnh quê được mang về gieo trong lòng phố…
VŨ THỊ HUYỀN TRANG