Giữa đại dịch COVID-19, hàng vạn người Phú Yên mưu sinh nơi xa tìm mọi cách để về được với quê nhà. Dịch giã tạm lắng, vắc xin được tiêm đủ liều, nhiều người quyết định ở hẳn lại quê, nhưng cũng có hàng vạn người khác lại lên đường mà rất nhiều trong số họ vẫn đau đáu ước muốn được sống, làm việc, hít thở trong bầu không khí quê hương…
Cuối Chạp, tôi dong xe về thôn Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân) để thăm bà Hồ Thị Phượng, 72 tuổi, nhân vật “đặc biệt” mà có lẽ tôi khó quên trong đời cầm bút của mình. Ngôi nhà cấp bốn của gia đình bà Phượng ở giữa những đám ruộng mơn mởn xanh, những chậu hoa vạn thọ bung nở trong nắng vàng tươi trước hiên nhà báo hiệu tết đã đến thật gần…
Qua rồi những ngày hốt hoảng
Bà Phượng người nhỏ thó, mái tóc bạc phơ đang loay hoay dỗ dành, chăm sóc hai đứa bé trong sân nhà. Đó là hai đứa cháu ngoại, bé gái 3 tuổi, bé trai 2 tuổi, là con của con gái bà, chị Nguyễn Thị Kim Chiên. Vợ chồng chị Chiên đã trở lại TP Hồ Chí Minh tiếp tục làm việc sau khi dịch COVID-19 tạm ổn, hai đứa con nhỏ anh chị gởi lại cho ông bà ngoại chăm giúp, 26 tháng Chạp này anh chị mới về quê ăn tết cùng các con và ông bà.
Trở lại câu chuyện vì sao bà Phượng là nhân vật “đặc biệt” của tôi. Sáng sớm 27/7/2021, khi những chuyến xe của đợt đầu tiên tỉnh Phú Yên đón người dân từ TP Hồ Chí Minh đang kẹt dịch COVID-19 về quê, tôi tác nghiệp báo chí tại điểm đón Nhà văn hóa Lao động Phú Yên. Trong các nhân vật mà tôi hỏi chuyện có bà Phượng. Trưa ấy, khi tôi hỏi thông tin, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Phú Yên cho hay có một xe chở những người dân quê huyện Đồng Xuân nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2. Tôi hỏi có tên bà Phượng không, thì vị lãnh đạo CDC mà tôi quen cho hay bà cùng 4 người khác trong mẫu gộp cókết quả nghi ngờ, đang xét nghiệm xác định lại bằng mẫu đơn theo phương pháp RT-PCR. Đến chiều tối hôm ấy, tôi được thông tin rằng bà Phượng là người duy nhất dương tính với SARS-CoV-2 trong đoàn hơn 300 người được đưa về chuyến đầu tiên ấy. Bởi vậy, bà Phượng trở thành nhân vật rất “đặc biệt” đối với tôi, còn tôi thì được bè bạn trêu là “trúng độc đắc” vì mấy trăm người về lại chọn đúng người dương tính duy nhất để hỏi chuyện.
“Nhớ lại ngày ấy, tui vẫn còn sợ” - bà Phượng bắt đầu câu chuyện trong cuộc gặp gỡ cuối năm với tôi sau khi đã “ổn định” hai đứa bé. Bà kể sau khi hết thời gian nghỉ sinh đứa bé thứ hai, chị Chiên trở lại TP Hồ Chí Minh để tiếp tục làm việc trong công ty, bà cũng theo vào để chăm hai cháu nhỏ. “Tui ở miết trong phòng trọ với hai đứa nhỏ chớ không ra ngoài. Rồi COVID-19 ập đến như một cơn bão dữ, khủng khiếp, không ai nghĩ tới. Cả khu trọ đóng cửa, sống bằng hàng cứu trợ của chính quyền, không ai tiếp xúc với ai, vậy mà không hiểu sao tôi lại mắc COVID-19” - bà Phượng bồi hồi nhớ.
Sau hơn 1 tháng sống giữa “tâm bão” COVID-19 với nhiều hoang mang, lo lắng, mong ước lớn nhất của bà Phượng và vợ chồng, 2 đứa con chị Chiên là được quay lại quê nhà. May mắn là họ được xếp vào đợt đón đầu tiên của “chiến dịch” đưa dân kẹt dịch về quê hương của tỉnh Phú Yên. Bà Phượng nhớ như in rằng mới 5 giờ sáng hôm ấy, cả nhà đã đón xe đến test nhanh tại một cơ sở y tế, vui mừng cầm trên tay phiếu kết quả cả nhà đều âm tính. 15 giờcùng ngày lên xe để về quê. “Cả xe ai cũng mặc đồ phòng hộ, cũng đeo khẩu trang kín mít, trên xe không ai nói chuyện, im ắng hồ như nghe từng hơi thở. Vậy mà, khi về đến quê nhà, niềm vui mừng chưa kịp bung ra, tui lại nhận kết quả xét nghiệm nghi ngờ, sau đó là khẳng định đã mắc COVID-19. Tui có cảm giác như cả đời mình chưa bao giờ lo lắng, sợ hãi như thời khắc đó” - bà Phượng thổ lộ.
Vài ngày sau, chị Chiên và 2 đứa con cũng lần lượt dương tính với SARS-CoV-2. Vậy là, cả mấy mẹ con, bà cháu “ly tán” bởi mỗi người được điều trị ở một khu khác nhau, không ai gặp ai. Bà Phượng kể rằng nhờ sự chăm sóc tận tình của các y bác sĩ, coi người bệnh như người thân, điều trị bằng cả tình thương và trách nhiệm nên cả bà, con gái và 2 đứa cháu đã khỏi bệnh nhanh, được trở về nhà. Hai tháng sau đó, chị Chiên trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc, bà Phượng nói với vợ chồng con gái để hai đứa cháu lại nhà ông bà ngoại chăm vì bà không muốn “thử thách” với COVID-19 thêm lần nào nữa. “Bây giờ thì tui được tiêm đủ 2 liều vắc xin, cả nhà, cả xóm, cả xã… ai cũng tiêm đủ liều rồi, không còn lo sợ, hoảng hốt như hồi dịch bùng phát dữ dội nữa. Vô Sài Gòn giữ cháu nữa cũng được, nhưng tui không hợp với không khí trong đó, tui chỉ muốn được hít thở với ruộng đồng, quê kiểng, nơi mình được sinh ra, lớn lên từ nhỏ tới giờ. Bởi vậy, tui biểu con Chiên để hai đứa trẻ lại tao nuôi, tụi bay cứ vô trỏng làm việc mưu sinh, nhưng nếu kiếm được việc ở quê phù hợp mà ít lương hơn chút thì cũng nên quay về, bởi đâu có nơi nào thân thương, cưu mang, đùm bọc mình bằng quê hương mình” - người phụ nữ ngoài 70 trò chuyện với khách mà như tâm sự với chính mình.
Cha con người Phú Yên được đưa từ TP Hồ Chí Minh về quê trong đợt đầu tiên ngày 27/7/2021. Ảnh: QUỐC KHƯƠNG |
“Đường về nhà là vào tim ta”
Đâu riêng bà Phượng, rất nhiều người từng đi xa mưu sinh, gặp dịch, được đưa về hoặc tìm cách về lại quê nhà, đều không muốn rời đi nữa. Chị Lê Thị Duyên, 25 tuổi, ở xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) là một ví dụ. Chị Duyên vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân một công ty may mặc hơn bốn năm rưỡi, lương hơn 6 triệu đồng một tháng. Dịch COVID-19 ập đến, hiểm nguy cận kề, chị may mắn được quê hương đón về trên chuyến xe nghĩa tình. “Đã bao lần về quê rồi lại lưu luyến ra đi, lần này tôi quyết định ở lại hẳn. Tôi đang cố gắng tìm được việc làm, dù lương có thể thấp hơn 1-2 triệu đồng/tháng so với ở Sài Gòn, nhưng ở với gia đình, với quê hương, giá trị sống có thể còn cao hơn nhiều lần con số đó” - chị Duyên thổ lộ.
Phó Giám đốc phụ trách Sở LĐ-TB-XH tỉnh Phú Yên Đinh Khắc Đô cho hay ngoài gần 17.000 người được tỉnh Phú Yên tổ chức đón từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê giữa đại dịch, thì số người tự về gần 40.000 nữa. Thống kê mới nhất của sở này cho biết có khoảng 40% trong tổng số người về quyết định ở lại quê và có nguyện vọng được tạo điều kiện tìm việc làm, phần lớn số người còn lại đều trở lại phía Nam làm việc. “Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chúng tôi đang nỗ lực trong công tác hỗ trợ đào tạo và giới thiệu việc làm, tạo kết nối với các công ty, doanh nghiệp, nhất là các khu, cụm công nghiệp để những người ở lại quê nhà sớm có được việc làm và thu nhập ổn định” - ông Đô cho hay.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế nói rằng khi dịch đang đỉnh điểm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy vừa tập trung chỉ đạo căng sức chống dịch, vừa quyết định và quyết tâm đưa bà con đang kẹt dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê an toàn. Cho đến tận thời điểm này, Phú Yên vẫn là địa phương giữ kỷ lục về việc thực hiện những chuyến xe nghĩa tình đưa dân về quê với số lượng lớn nhất. “Ai cũng có quê hương, họ gặp nạn trở về mà quê hương không đón, không bảo bọc thì bà con biết đi về đâu. Bởi thế, cả hệ thống chính trị của Phú Yên quyết tâm, thống nhất cao trong việc đưa dân về. Ngay từ thời điểm dịch còn rất “nóng”, chúng tôi đã chỉ đạo các ngành chức năng khảo sát nhu cầu của số người về quê này xem ai muốn ở lại, ai đi sau dịch, từ đó tham mưu cho tỉnh chính sách hỗ trợ đào tạo, tìm kiếm việc làm cho bà con. Tinh thần của chúng tôi là làm sao để dân “ly nông bất ly hương”; làm ăn, sinh sống ổn định trên chính quê hương mình chắc hẳn là điều ai cũng mong muốn” - vị chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ.
“Chắc chắn là thế, chẳng ai muốn rời quê hương mình. Mỗi lần được trở về quê là niềm hạnh phúc dâng tràn, rồi mỗi lần ra đi, phải chia tay người thân và quê nhà yêu dấu để vào nơi xa làm việc là mỗi lần luyến lưu, thổn thức. Chúng tôi cũng mong lắm quê nhà mình phát triển mạnh mẽ hơn để thu hút lực lượng lao động đang xa quê mưu sinh trở về” - chị Nguyễn Thị Hoài ở xã Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa) vừa được chồng chở bằng xe máy từ TP Hồ Chí Minh về quê nhà đón tết, tâm sự vậy.
Nhớ về những dòng xe máy “di cư” hối hả suốt cả ngày đêm từ phương Nam về Trung, về Bắc trong “cơn bão” dịch COVID-19, nhìn những dòng xe máy tấp nập lại xuôi về Bắc, về Trung đón tết, mới thấu cảm được tình yêu của những người con xa quê với quê hương mình.
Chợt vang lên đâu đây bài rap Đường vềnhàthật dễ thương và giàu tình cảm của Đen Vâu và Justa Tee: “Đường về nhà là vào tim ta/ Dẫu nắng mưa gần xa/ Thất bát, vang danh/ Nhà vẫn luôn chờ ta/ Đường về nhà là vào tim ta/ Dẫu có muôn trùng qua/ Vật đổi, sao dời, nhà vẫn luôn là nhà”.
NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG