Ngày còn mẹ, cứ mỗi mùng một tết con cháu trong gia đình (dù đã ra riêng) luôn có lệ tập trung về “nhà lớn” thăm mẹ, sẵn anh em họp mặt đầu năm. Lâu dần thành truyền thống. Tôi con út sống với mẹ, đương nhiên có nghĩa vụ lo chuẩn bị bữa cỗ khai xuân cho cả nhà. Vất vả, bởi tôi làm nghề kinh doanh - dịch vụ, cuối năm là dịp hái ra tiền nên đâu dễ nghỉ sớm. Có năm 30 tết dọn dẹp cửa hàng xong về nhà đã 7, 8 giờ đêm. Chui vô bếp, vợ chồng loay hoay vừa soạn mâm cúng tất niên vừa chuẩn bị thịt thà rau củ cho cuộc đại sum họp sáng mai xong cũng vừa lúc giao thừa.
Vất vả tối mặt vậy mà vui. Hình dung cảnh ngày mai cả nhà tề tựu quanh mâm cỗ cúng đầu năm, hàn huyên rôm rả không vui mới lạ. Một năm dài cách xa có biết bao nhiêu chuyện để hàn huyên. Thi nhau nói. Cướp cả lời nhau do sợ mất phần. Người đông nhưng ngày xuân ngắn ngủi; anh em ở gần lâu lâu còn gặp - chứ như chị Ba, anh Năm nhà trên phố cách hàng trăm cây số, làm ăn biền biệt suốt năm, chỉ tết mới có dịp tề tựu…
Không chỉ các con vui, chính xác, mẹ mới là người vui nhất. Tuổi già sức yếu không đi xa được, quanh năm thui thủi vào ra trong căn nhà cổ vắng người giờ hóa rộng rinh. Vợ chồng tôi mải làm. Lũ con đi học. Anh em xa thi thoảng tạt về cũng chỉ kịp dúi cho mẹ chút tiền, quà bánh, hỏi thăm vài câu xong vội vàng đi. Con cái còn trẻ, muốn khá phải lo chuyện làm ăn; mẹ biết vậy nhưng vẫn cứ buồn. Buồn thì mong ngóng cho mau tới các dịp giỗ chạp, đặc biệt là tết. Ngày ấy con cháu tập trung đông đủ nhất, quà cáp nhiều nhất, ngồi chơi cùng mẹ lâu nhất… N cái nhất ấy đủ để mẹ trẻ ra vài tuổi, ăn uống ngon hơn, ngủ giấc sâu hơn. Tuổi già lắm chuyện hóa trẻ thơ; đừng ai lý luận cao đạo kiểu “người già không cần quà cáp” với lý do già ăn uống có bao nhiêu, tiền bạc để làm gì và vân vân. Chuyện ấy chỉ nhìn mẹ tôi đủ hiểu. Ngày thường, con mang quà cáp, tiền bạc về mẹ luôn miệng phàn nàn: bày chi cho tốn kém! Nhưng chỉ cần nhìn thấy mắt mẹ sáng lên, các cơ mặt bình thường chùng nhăn giờ giãn hẳn ra là đủ hiểu mẹ đang vui. Vui chưa hẳn vì được uống được ăn nhưng vì được con cái quan tâm. Họp mặt đầu năm thôi khỏi nói: niềm vui ấy nơi mẹ đương nhiên phải nhân ba nhân tư, mà không, nhân… chín nhân mười! Mẹ vui thì các con vui. Các con vui thì các cháu vui. Niềm vui cứ tỏa lan theo hiệu ứng dây chuyền bùng vỡ không cần kiềm chế trong ngày họp mặt đầu năm. Lũ nhỏ đương nhiên khỏi nói: ngày tết đầu tiên được ăn ngon mặc đẹp, được nhận tiền mừng tuổi, được chơi bời thả ga trong không khí đại gia đình ấm áp thân thương là chuyện cứ tưởng… trong mơ. Tết - lỡ có nghịch ngợm quá đà chút cũng không sao. Đầu năm, người lớn nào chẳng dịu dàng, nương tay hết mức với thế hệ măng non! Một ngày vui đáng nhớ để nhiều cái tết năm sau chúng cứ nhăm nhăm ngóng chờ cho mau tới ngày mùng một tết đặng về ngoại/nội họp mặt đầu năm. Háo hức ngóng từng ngày…
*
Mẹ mất.
Không còn “cây đại thụ” sừng sững hàng năm quy tụ cháu con về nguồn, truyền thống họp mặt đầu xuân của đại gia đình một thời gian phải tạm dừng vì những lý do riêng tư tế nhị. Tôi - người quản thủ từ đường (tức nhà của mẹ) - mỗi dịp tết về ít vất vả hơn nhưng cũng… buồn hơn. Cảm giác những sợi dây níu kéo tình thân cứ ngày một lỏng lẻo, chông chênh. May, khi thế hệ chúng tôi già đi, bắt đầu trạng thái lực bất tòng tâm thì những đứa cháu bé thơ ngày nào đã đủ trưởng thành, đủ khôn ngoan cho một quyết định: khôi phục ngày họp mặt đầu xuân truyền thống! Tôi nghe mừng muốn khóc, nhưng vẫn phập phồng - liệu không biết đám trẻ người non dạ chúng có đủ nghiêm túc, bền chí bền tâm để duy trì? Địa chỉ vẫn là “nhà lớn”. Kinh phí năm đầu do tôi tài trợ. Nhưng từ năm sau, tới hẹn, các cháu tế nhị tự mang về đồ ăn thức uống, chung tay lo cỗ bàn sum họp đầu xuân. Ăn uống chuyện trò, vui chơi tự do nguyên một ngày đầu năm mới. Vui nổ trời, bởi nhân sự họp mặt đầu năm trong gia đình giờ toàn lớp trẻ, không có sự tham dự của các bậc cha chú, ngoại trừ… tôi. Không sao, tôi là ông chú/cậu trẻ nhất nhà, lại cũng chịu chơi nhất nhà nên đủ sức hết mình cùng niềm vui con cháu! Ăn chơi thư giãn, nói chuyện vui không nặng đầu chính sự; vậy nên sợi dây máu mủ ruột rà ngày càng bền chặt hơn sau những lần gặp gỡ đầu năm. Nhiều năm rồi, lũ cháu con không nghe đứa nào tính bỏ cuộc chơi mà dường như chúng còn ngày càng hào hứng…
Có điều lịch họp mặt đầu năm đại gia đình tôi giờ được ấn định khác xưa một chút: mùng hai thay vì mùng một tết. Cái ngày - theo truyền thống - dành cho các cháu thực thi việc lễ nghĩa với cha mẹ, ông bà, tổ tiên…
Y NGUYÊN