Giáo sư - nhà toán học Phan Thành Nam chia sẻ rằng mỗi khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Việt Nam, bất kể nơi nào, giáo sư đều có cảm giác đã trở về nhà.
Nhà toán học quê Phú Yên đang giảng dạy tại Đại học Ludwig-Maximilians München - một trong những trường đại học công lập lâu đời của Đức. Năm 31 tuổi, Phan Thành Nam được phong hàm giáo sư. Năm 2020, ở tuổi 35, Giáo sư Phan Thành Nam được Hội Toán học châu Âu trao giải thưởng EMS - giải thưởng danh giá chỉ trao cho những nhà toán học đang làm việc tại châu Âu. Tài năng song rất khiêm tốn, giản dị, Giáo sư Phan Thành Nam là niềm tự hào không chỉ của quê hương Phú Yên.
Dù rất bận rộn với công việc giảng dạy, nghiên cứu, nhà toán học Phan Thành Nam vẫn dành thời gian trả lời phỏng vấn của Báo Phú Yên về quê hương, về tết cổ truyền.
* Thưa giáo sư, tết cổ truyền của người Việt đang đến rất gần. Xa quê cũng đã lâu, giáo sư có thể chia sẻ những cảm xúc, cảm nhận của Giáo sư về tết cổ truyền của dân tộc?
- Tuy hơn mười năm qua tôi không có dịp ăn tết ở Việt Nam, nhưng những ký ức về tết đối với tôi vẫn rõ mồn một. Những ngày này tôi thường nhớ về những dịp đoàn tụ gia đình, gặp gỡ bạn bè, nhớ về những gương mặt thân quen, những con đường góc phố của tuổi thơ.
Tết thì có quá nhiều thứ để nói, hôm nay tôi chỉ xin nói về hoa. Tôi có ấn tượng đặc biệt với hai loại hoa dân dã là hoa lay ơn và hoa thược dược.
Ngày xưa ông bà nội tôi thường bán hoa những ngày trước tết. Tôi nhớ có những đêm ông bàchong đèn dầu ngồi bó từng chùm cành hoa lay ơn. Có sự tích rằng một ông bạo chúa bắt hai người bạn thân phải đấu sinh tử với nhau ở đấu trường La Mã, cuối cùng cả hai đã buông kiếm thà chết chứ không chịu giết nhau, qua ngày hôm sau từ chỗ họ đứng mọc lên những bông hoa lay ơn vừa hiên ngang vừa rực rỡ. Những bông hoa mang tinh thần nghĩa hiệp đó đã nuôi lớn ba tôi, trong ngày cưới mẹ tôi cũng ôm một bó hoa lay ơn, nên đối với tôi đó là loại hoa đẹp nhất.
Tôi nhớ là ba tôi đặc biệt thích hoa thược dược. Có đêm 30 tết ba tôi đi làm về muộn nhưng ông vẫn chở tôi lên chợ hoa ở chân núi Nhạn để tậu về một chậu thược dược. Lần đó hai cha con lựa trúng chậu hoa toàn búp non, mãi gần “hết mùng” mới nở theo đúng tinh thần của Mãn Giác thiền sư “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết …”.
Đối với tôi, tết gắn liền với những kỷ niệm nhẹ nhàng như vậy.
* Nhiều người vẫn nói: “Ra đi là để trở về”. Riêng với giáo sư thì sao?
- Tôi nghĩ khái niệm “đi” và “về” gắn liền với khoảng cách tương đối về một thứ gọi là nhà. Trong hành trình lớn lên của con người, khái niệm nhà thay đổi theo thời gian. Đối với tôi, lúc nhỏ thì chỉ có nhà ba mẹ mới là nhà, qua nhà hàng xóm đã là một cuộc du hành. Khi vào đại học thì Phú Yên là nhà, còn Sài Gòn là nơi đất khách. Sau này sống ở nước ngoài, mỗi khi máy bay hạ cánh tới Việt Nam, bất kể nơi nào, tôi đều có cảm giác đã trở về nhà. Có lẽ khái niệm nhà giống như những con búp bê Nga, có nhiều tầng nhiều lớp. Theo một nghĩa nào đó, ai trong chúng ta cũng “ra đi để trở về”, vì chắc chắn ai rồi cũng về với đất mẹ sau một đời rong ruổi.
Sau khi ở nước ngoài nhiều năm, ý niệm “đi” và “về” trong tôi cũng nhạt dần, chính xác hơn là tôi cố gắng làm nó nhạt đi với suy nghĩ rằng nơi mình đang làm việc cũng là nhà. Tuy vậy quê nhà Phú Yên vẫn luôn có một vị trí đặc biệt, nhiều lúc tôi phải nhờ công việc bận rộn mà bớt nhớ nhà. Có mấy câu thơ tôi viết thời sinh viên mà giờ ngẫm lại vẫn còn đúng:
Đường xa nặng bóng độc hành
Dãi dầu cát trắng biển xanh
Chẳng thành giang hồ lữ thứ
Chỉ là một chấm mong manh
Đi mãi chẳng vì không mệt
Dừng chân thấy nhớ quê hương
Có một con đường muôn thưở
Ta nợ mãi mấy dặm trường
Tôi hy vọng sắp tới mình sẽ có nhiều dịp về Việt Nam hơn, không chỉ để thăm gia đình mà còn góp sức xây dựng nền khoa học trong nước. Chẳng hạn hè này tôi có kế hoạch sẽ về làm việc ở Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán VIASM và tổ chức một lớp học ở đó cho các bạn trẻ. Tôi cũng mong muốn tổ chức những hoạt động như vậy ở nhiều nơi trên đất nước, chẳng hạn ở Phú Yên.
* Có dịp về Việt Nam đón tết cùng đại gia đình, giáo sư sẽ làm gì trong ngày đầu năm mới?
- Tôi sẽ cố gắng có mặt trước tết khoảng chục ngày, vì đó là khoảng thời gian vui nhất. Không gì thích bằng việc sáng đi tắm biển, trưa về lặt lá mai ở chân núi Chóp Chài. Tôi cũng muốn đi xem chợ hoa Tuy Hòa với gia đình. Ba mẹ tôi từng quen nhau từ một dịp chợ hoa như thế. Đối với tôi, ngày tết ở Tuy Hoà là những ngày yên bình với niềm vui trọn vẹn.
* Giáo sư mong muốn điều gì cho quê nhà Phú Yên?
- Hai năm qua là khoảng thời gian rất khó khăn cho cả nước nói chung, và đặc biệt là các tỉnh nghèo như Phú Yên. Tôi hy vọng bà con sẽ có một năm mới bình an, cuộc sống sẽ khởi sắc trở lại, và tỉnh nhà sẽ phát triển theo đúng tiềm năng to lớn của mình.
Nói cho cùng, cuộc sống là một con đường, hạnh phúc nằm ở hành trình chứ không phải đích đến. Nếu chúng ta gặp nhau đâu đó trên con đường của mình, xin hãy gửi nhau một nụ cười, như lời của thi sĩ Bùi Giáng:
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tôi mong rằng bà con ở quê nhà Phú Yên sẽ có một mùa xuân hạnh phúc, và nhiều mùa xuân hạnh phúc.
* Xin cảm ơn giáo sư!
------------------------
(*) Thơ của giáo sư - nhà toán học Phan Thành Nam
Tuy hơn mười năm qua tôi không có dịp ăn tết ở Việt Nam, nhưng những ký ức về tết đối với tôi vẫn rõ mồn một. Những ngày này tôi thường nhớ về những dịp đoàn tụ gia đình, gặp gỡ bạn bè, nhớ về những gương mặt thân quen, những con đường góc phố của tuổi thơ…
Tôi hy vọng sắp tới mình sẽ có nhiều dịp về Việt Nam hơn, không chỉ để thăm gia đình mà còn góp sức xây dựng nền khoa học trong nước. Chẳng hạn hè này tôi có kế hoạch sẽ về làm việc ở Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán VIASM và tổ chức một lớp học ở đó cho các bạn trẻ. Tôi cũng mong muốn tổ chức những hoạt động như vậy ở nhiều nơi trên đất nước, chẳng hạn ở Phú Yên.
Giáo sư – nhà toán học Phan Thành Nam |
PHƯƠNG TRÀ (thực hiện)