Sau mấy ngày mưa, bầu trời như được lau sạch óng. Nắng nhảy nhót trên hàng vạn thọ xanh mượt từ cổng vô tới hàng ba, nhảy nhót trên dây phơi phất phơ mấy cái áo mòn vai, xâm kim lỗ chỗ.
Lùa xong chén cơm nguội, anh Bảy khép cửa, chụp lên đầu cái nón cời rồi vác cuốc, rảo bước ra ruộng, nghĩ bụng trong buổi sáng phải đánh luống cho xong.
Nắng hăm hở tràn khắp mặt ruộng đã được làm đất kỹ càng, bầy chìa vôi đậu ở đâu đó cất tiếng hót. Anh Bảy vừa đánh luống vừa góp chuyện với mấy người trong xóm đang cặm cụi trên các đám ruộng xung quanh. Buổi sáng thiệt dễ chịu cho tới khi một người đàn ông xuất hiện phía xa xa - nơi có người đàn bà đang cắm cúi trên ruộng bông. Không biết có phải tại nhìn ngược nắng hay tại cái dáng quen quen của người đàn ông mà mắt anh Bảy tối sầm. Đúng lúc lòng chực trào lên đợt sóng thì cái điện thoại cựa quậy trong túi. Thằng con đang học năm cuối gọi về.
- Ba đang làm gì đó?
- Tao đánh luống cho xong rồi xuống giống bông.
- Ủa, con tưởng cây đâm lá rồi chớ.
- À, đó là bông đỏ, xuống giống trước. Bông vàng xuống sau.
- Hồi trước ba nói đầu năm có bình bông đỏ trong nhà cho hanh thông, may mắn. Nay bông vàng được giá hơn hở ba?
- Không. Tao không ưa màu đỏ. Nhìn nhức mắt.
Mấy câu sau, anh Bảy nói to, chừng như để cho người đàn bà đang cặm cụi trên đám đất xa xa nghe thấy. Từ phía sông, một đợt gió lùa tới.
Chắc tại cái áo đã mòn, rách lỗ chỗ nên anh Bảy thấy lạnh. Nắng tháng mười nhưng nhức vàng.
- Ba, con được nhận học bổng.
- Vậy hở? Chừng nào dzìa ăn tết?
Tâm trí vẫn chưa dứt khỏi người đàn ông, anh Bảy hỏi câu nọ xọ câu kia. Cách anh mấy trăm cây số, thằng con làm sao biết được những chuyện rối rắm trong lòng người lớn. Nó cười:
- Hơn hai tháng nữa mới tới tết mà ba. Hăm tám con dzìa.
Hồi trước, mỗi khi tết rập rờn trên những hàng vạn thọ ở xóm Sông, ruộng bông nhà anh Bảy cũng bắt đầu đổi sắc. Trên những cành cong cong như lưỡi kiếm, từng nụ lay ơn cựa quậy, mỉm cười. Một vài bông sốt sắng xòe cánh mỏng tang, đỏ rực rỡ dưới nắng vàng cuối Chạp. Ở những ruộng bông khác, lay ơn vàng, lay ơn trắng, boóc đô cũng rục rịch đón tết. Thương lái từ các nơi đổ về, cả xóm rạo rực không ngủ trong mùa thu hoạch lớn nhất năm.
Hồi đó, áo rách có người vá, anh Bảy không thấy lạnh vì những đợt gió từ phía sông. Nhưng nhiều khi trong lòng anh như có cái chà tre kéo qua kéo lại. Đó là lúc đám bạn nhậu kể chuyện hồi trước vợ anh đem lòng thương Tư Râu ở xóm trên. Tại Tư Râu có bà mẹ bị lình xình, lúc mưa lúc nắng, gia đình sợ di truyền cái máu điên nên cấm cản, thành ra mới tới lượt thằng cha Bảy. Hồi đó, người-chưa-phải-vợ-anh Bảy thương Tư Râu quá nên bỏ nhà đi, bị cha tìm đánh một trận thừa sống thiếu chết, bắt về. Thành ra mới tới lượt thằng cha Bảy.
Chuyện tình trắc trở dở dang đó trở đi trở lại trên bàn nhậu, khi mùi rượu gạo pha cồn mỗi lúc một nồng nặc và ai nấy đã la đà. Gặp nhau lai rai miết, chuyện trên trời dưới đất rồi cũng cạn, quanh đi quẩn lại chỉ thấy chuyện tình lâm ly và kịch tính từ hồi nẳm của chị Bảy là hay nhứt. Và nó càng lâm ly hơn khi được thêm mắm muối hành tiêu, tùy theo trí tưởng tượng và sự rảnh rang của mỗi người trong cuộc nhậu.
Khi anh Bảy chân đăm đá chân chiêu bước lên thềm thì câu chuyện người đàn bà giờ là vợ anh bỏ nhà theo trai từ hồi nảo hồi nào đã chật ních trong cái đầu ong ong, nóng rực bởi rượu gạo pha cồn. Chị Bảy không hề hay biết, cằn nhằn “Bộ không nhớ bị tăng xông hay sao mà nhậu miết”. Vậy là cục tức có cớ bung ra. Gặp cái thúng, anh co chân đá cái thúng. Thấy bình trà, anh chụp quăng về phía chị Bảy cho chừa cái tật nói dai. Sau này chị rút kinh nghiệm, im re náu trong phòng mỗi khi nghe mùi rượu lấn vô nhà.
Anh Bảy lại nổi xung. Làm vợ mà không lo lắng cho chồng, biết chồng đi nhậu về cũng không thèm ló mặt ra săn sóc. Mày chê tao, hay là đang nghĩ tới thằng nào? Những câu hỏi bung búa xua quanh chị Bảy. Ai cũng nói cha này bình thường hiền như cục đất, nhưng hễ rượu vô là thành người khác. Khổ, càng về sau rượu vô càng đều hơn nên những vết bầm thường xuyên xuất hiện trên khuôn mặt héo mòn của chị Bảy.
Người đàn bà từng bỏ nhà theo trai không dám than thở với ai, lẳng lặng lấy dầu xức lên những vết bầm, lẳng lặng giấu nước mắt vào lòng. Là bởi mỗi khi thấy mẹ khóc, đứa con chạy lại ôm chặt mẹ và cũng khóc hu hu.
Cứ tưởng chị Bảy sẽ nhẫn nại nghe điệp khúc hồi đó theo trai và nhẫn nại xức dầu cho tới khi răng long đầu bạc. Giáp tết năm đó, khi xóm Sông rộn rịp bước chân thương lái bên những đám lay ơn đỏ lay ơn vàng bung nụ thì thằng con chạy ra ruộng bông:
- Má ơi, người ta tới bắt heo.
- Ủa, heo ngày mốt mới bắt mà!
Người đàn bà bước thấp bước cao chạy về, đúng lúc con heo sau cùng bị ba người đàn ông lạ hoắc hè nhau tống vô rọ.
- Mấy người làm gì đó? Sao bắt heo nhà tui? - Người đàn bà la thất thanh.
- Tụi tui tới lấy tiền của tụi tui.
- Tiền gì? Tiền ở đâu mà lấy?
- Hỏi chồng bà thì biết!
Người đàn bà hớt hải chạy vô nhà, vấp vào đám khói ken đặc. Anh Bảy đang ngồi thu lu trên ghế, liên tục rít thuốc.
- Ông…? Người đàn bà thốt lên đúng một tiếng thì nghẹn lại. Khuôn mặt anh Bảy đã là câu trả lời.
- Ông cũng biết là mấy con heo đó tui nuôi để đóng tiền học cho thằng nhỏ. Rồi còn khoản nợ hơn chục triệu đồng. Sao ông…? - Người đàn bà nghẹn giọng.
Anh Bảy vẫn ngồi thu lu trên ghế, rít thuốc. Khói u ám phủ lên khuôn mặt.
Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng người đàn bà lớn tiếng với chồng. Ăn tết xong, thằng con trở lại trường. Chị Bảy đưa con tới bến xe. Trở về, chị nhét quần áo đầy cái túi xách cũ, khóa cửa, giấu chìa khóa dưới chậu bông sứ như mọi bữa rồi đi về phía có ngôi nhà của cha mẹ mình. Cũng đâu xa xôi gì, ở ngay đầu xóm. Má chị không nói không rằng, lẳng lặng lấy ống tay áo lau nước mắt. Trên bàn, phía sau bình bông vạn thọ, cha chị nhìn con gái trở về, đôi mắt buồn thiệt buồn.
Dân xóm Sông chắc lưỡi hít hà. Bà này ngó vậy mà cứng thiệt. Đàn ông mười người thì hết tám, không nhậu nhẹt cũng cá độ đá banh. Có người vừa như hũ hèm vừa cá độ tưng bừng, nợ nần liểng xiểng. Như anh Bảy thì nhằm nhò gì, lâu lâu mới dính độ một lần. Lần này giọt nước tràn ly, chắc vậy.
Sau khi vợ dứt áo ra đi, anh Bảy bỏ rượu, bỏ cá độ. Ruộng bông nhà anh cũng không còn sắc đỏ. Anh nói với thằng con khi nó về thăm: “Bông đỏ trồng lâu hơn bông vàng, công cán nhiều hơn, bắt mệt”. Thằng con buột miệng: “Bên nhà má con vẫn trồng bông đỏ. Má nói…”.
Kể tới đây thì thằng con xì tóp. Nó sực nhớ rằng giờ đây, những gì liên quan đến má đều làm cho ba nó bực bội trong lòng, nhứt là từ khi bác Tư hay qua nhà giúp chuyện nọ chuyện kia, ra ruộng phụ làm đất, nhổ cỏ cho đám bông lay ơn của má. Vợ bác Tư đi đã mấy năm do bệnh nan y, giờ bác chỉ còn hai đứa con đang học ở Sài Gòn.
Đánh luống sắp xong, đột nhiên anh Bảy thấy đau thắt ngực. Như có tảng đá đè lên, không thở được nữa, anh chỉ kịp kêu mấy tiếng rồi sụp xuống như cây chuối bị phạt ngang gốc.
Từ mấy đám ruộng gần đó người ta xúm lại, nghĩ anh bị trúng gió bèn lấy dầu xoa bóp tay chân, tính cõng tới nhà bà Hai cắt lể. May mà Tư Râu chạy tới. Người đàn ông có bà mẹ bị lình xình, ai cũng sợ di truyền cái máu điên, kiên quyết kêu taxi đưa anh Bảy vô bệnh viện. Biết ổng bị gì mà cắt lể, chậm trễ lỡ nguy tới tính mạng thì sao?
Anh Bảy được chữa trị kịp thời nên giữ được mạng sống. Gió máy gì đâu. Có một cục máu đông xuất hiện trong mạch máu nuôi trái tim ảnh, làm cho máu không lưu thông được nữa, trái tim xém chút thì ngừng đập. Nghe bác sĩ giải thích, mới biết thì ra cũng như cây bông cần nước, trái tim cần có máu nuôi. Trái tim anh Bảy được cứu, cũng nhờ đưa tới bệnh viện kịp thời.
Thằng con nghe tin cha bệnh, lật đật mua vé tàu về ngay. Mang nguyên cái ba lô chạy vô bệnh viện, nó thấy má xách tới một cà mèn cháo nóng hổi. Bà mẹ ấn cái muỗng vô tay thằng con, biểu ép ổng ăn cho mau lại sức, nhà đơn chiếc. Thằng con múc từng muỗng cháo đút cho cha mà thấy ấm trong lòng.
Tư Râu tới thăm, nói yên tâm, bà con trong xóm giúp xuống giống bông xong xuôi rồi. Anh Bảy nhìn thằng cha mà mình từng ghét cay ghét đắng, lấp dấp nói cảm ơn. Tư Râu gạt đi “Ơn nghĩa gì! Giúp được thì giúp lúc hoạn nạn khó khăn, vậy mới là người trong làng trong xóm”. Má thằng con nói năm nay trời coi bộ êm, chắc được mùa bông. Tư Râu nói cũng chưa biết. Mình thương đất thương cây, ráng làm kiếm tiền nuôi con ăn học.
Thằng con nghe người lớn nói chuyện, nghĩ mình lớn lên trên đất này, cũng thương đất thương cây. Học xong thì về đây, kiếm việc làm, chạy qua chạy lại hai nhà hủ hỉ với ba má. Rồi cũng tranh thủ trồng bông bán tết. Đầu năm có bình bông tươi thắm, người xóm Sông tin rằng mọi sự sẽ hanh thông.