Thứ Sáu, 04/10/2024 16:23 CH
Văn hóa ứng xử trên không gian mạng
Thứ Năm, 24/06/2021 17:44 CH

Người tham gia mạng xã hội cần ứng xử khéo léo và văn hóa. Ảnh: THIÊN LÝ

Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã mang lại cho đời sống những thành quả không thể phủ nhận. Tuy nhiên, bên cạnh các tác động tích cực, môi trường mạng cũng làm cho con người giảm tương tác trực tiếp với nhau, không ít cá nhân trở thành “anh hùng bàn phím”, dẫn đến nhiều hệ lụy.

 

Việc ứng xử một cách khéo léo, có văn hóa trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là trên không gian mạng sẽ giúp con người vươn tới chân, thiện, mỹ, không ngừng hoàn thiện bản thân để xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ.

 

Mặt trái của mạng xã hội

 

Gần đây, một số facebooker livestream bới móc đời tư của người khác, đụng chạm đến phẩm giá của nhiều người. Thậm chí có buổi livestream thu hút hơn nửa triệu người xem cùng lúc, lập kỷ lục lượt người xem livestream trên mạng xã hội.

 

Theo một nghiên cứu, tâm lý chung của những người dùng mạng xã hội là thích hướng về những thông tin nóng, mới hơn là xem nguồn gốc chúng đến từ đâu, có chính xác hay không. Điều này gây hậu quả rất khó lường bởi một livestream tức thời có thể “đánh sập” hình ảnh, sự nghiệp của cá nhân khác.

 

Hay những người đam mê bóng đá Việt khó có thể quên cảnh tượng hàng nghìn facebooker người Việt đã vào trang cá nhân của trọng tài người Iraq là ông Ali Sabah Adday Al-Qaysi, người bắt chính trận đấu giữa UAE và Việt Nam, để mạt sát, chửi rủa bằng những lời lẽ hết sức thiếu văn hóa ngay sau khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên. Bởi họ cho rằng, trọng tài người Iraq này đã bỏ qua quả phạt đền do lỗi hậu vệ UAE kéo ngã Công Phượng trong vòng cấm. Và rằng, nếu trọng tài cho đội Việt Nam được hưởng quả phạt đền ở pha phạm lỗi đó thì tỉ số sẽ là 3-3, đội tuyển nước ta sẽ vào thẳng vòng loại thứ 3 với tư cách nhất bảng.

 

Theo dõi bóng đá thường xuyên, anh Nguyễn Văn Minh ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa) nói: “Phàn nàn về lỗi nhận định của trọng tài là chuyện bình thường. Ngay cả ông Park Hang-seo, huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam cũng từng nổi nóng với trọng tài và bị nhận thẻ phạt. Nhưng tôi không thể chấp nhận được việc phản ứng bằng lời lẽ kém văn hóa của một số người trên mạng như vậy!”.

 

Quản lý văn hóa ứng xử trên không gian mạng

 

Trước hiện tượng một số người lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như livestream, chia sẻ hình ảnh, video clip, trao đổi theo nhóm (group chat)... để đăng tải nội dung vi phạm pháp luật vào thời gian gần đây; đặc biệt, trước cơn sốt livestream có nội dung tiêu cực trên mạng xã hội, Bộ TT-TT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý các vi phạm.

 

Vừa qua, Bộ TT-TT cũng đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, trong đó nhấn mạnh cá nhân, tổ chức không đăng tải thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, quảng cáo trái phép... Các quy tắc ứng xử chung được đưa ra như tôn trọng, tuân thủ pháp luật; quy tắc lành mạnh phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; quy tắc an toàn, bảo mật thông tin; quy tắc trách nhiệm. Cá nhân, tổ chức khi tham gia mạng xã hội không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, không tung tin giả, sai sự thật, không quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... Cơ quan nhà nước được khuyến khích nên có phản hồi những ý kiến trên mạng xã hội liên quan tới chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan, tổ chức mình.

 

Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ mạng phải tuân thủ nhiều nguyên tắc, trong đó có nguyên tắc ban hành và công khai các biện pháp phát hiện, thông báo và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn, loại bỏ các nội dung thông tin vi phạm bản quyền, vi phạm pháp luật; có biện pháp để bảo đảm sự an toàn và phát triển lành mạnh của trẻ em, trẻ vị thành niên trên mạng xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam.

 

Chị Đặng Thị Hà ở phường 7 (TP Tuy Hòa) bày tỏ: “Tôi nghĩ, nội dung Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội gồm những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội rất cần thiết và phù hợp với tình hình hiện nay. Đây cũng là cơ sở để xử lý nghiêm minh đối với hành vi vi phạm trên môi trường mạng”.

 

THIÊN LÝ 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek