Lễ hội tiếp nối lễ hội đã mang lại cho người dân đất cố đô và du khách rất nhiều cảm xúc khi đến với Festival Huế 2008.
Cửa Hiển Nhơn lộng lẫy với lễ hội áo dài – Nguồn: VNN
ÁO DÀI HỘI NGỘ BÊN THÀNH CỔ RÊU PHONG
Tối 8/6, lễ hội Áo dài diễn ra tại cửa Hiển Nhơn, bên cạnh hoàng thành cổ kính rêu phong. Đây là một trong những chương trình lễ hội chính, được giới chuyên môn đánh giá là mang tính chuyên nghiệp nhất và ăn khách trong các kỳ Festival Huế. Khác với Festival 2006, với điểm nhấn và không gian quảng diễn là sông Hương thơ mộng, đôi bờ, cầu Trường Tiền lung linh sắc màu, tại Festival 2008, lễ hội Áo dài trở lại với không gian cổ kính của kinh thành xưa. Cửa Hiển Nhơn với hai tầng đắp nổi họa tiết sành sứ tuyệt đẹp, tạo nên điểm nhấn làm nền cho sự lộng lẫy, thướt tha của những tà áo dài đất Việt.
Gần 200 bộ sưu tập áo dài, với sự góp mặt của nhiều nhà thiết kế tên tuổi như Minh Hạnh, Ngân Khai, Quốc Bảo, Hồng Dung, Thu Giang, Anh Vũ... được giới thiệu xuyên suốt theo chủ đề “Dấu xưa” lấy cảm hứng từ ấn và triện của cung đình Huế. Dấu xưa gợi cảm đồng hành trên nền nhạc Việt
Những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Cung đình Huế một lần nữa được tái hiện từ những tà áo dài lụa Toàn Thịnh lộng lẫy, sang trọng, quyến rũ, kiêu sa, gợi cho người xem một hiện thực chốn cung đình xưa hoa lệ.
NỐI DÀI CHUYỆN CỔ TÍCH
Chiều hôm đó, các trục đường chính của thành phố Huế tràn ngập những câu chuyện cổ tích với các nhân vật như Thạch Sanh, Tấm, Cám, Bạch Tuyết và bảy chú lùn... Đoàn diễu hành tưng bừng đi qua các trục đường Lê Lợi, Hà Nội, kết thúc ở sân vận động thành phố Huế bằng một trận bóng đá giữa đội U15 TP Huế và đội bóng nghệ sĩ do nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện làm trưởng đoàn, gây quỹ từ thiện cho 28 em bé bị bệnh tim đang cần được phẫu thuật giúp đỡ.
Đây là một phần trong chương trình “Hành trình nối dài chuyện cổ tích” của tạp chí Chuông gió và Ban tổ chức Festival Huế nhằm khơi gợi nuôi dưỡng lòng nhân ái, tạo sân chơi cho trẻ em. Các đoàn diễu hành đến từ Câu lạc bộ Kim Chỉ Nam, các trường trung học cơ sở tại Huế, nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh Quảng Trị, TP Hồ Chí Minh, đội nhạc diễu hành Le Snob, đội mặt nạ mèo của họa sĩ Pháp Thomas Vuille đến từ Pháp.
TUYỂN “TIẾN SĨ VÕ”
Một ngày trước, người dân xứ Huế cùng du khách đến tham dự Festival Huế 2008 đã được sống trong không khí tôn nghiêm mà tràn đầy khí thế của hội thi tiến sĩ võ (Nghinh Lương Đình, TP Huế), dù khoa thi cuối cùng được tổ chức cách đây ngót 140 năm.
Được phục dựng lại gần như là nguyên vẹn, hội thi khiến nhiều người cứ ngỡ như đang sống dưới thời vua Tự Đức của triều Nguyễn xưa. Từ bảy giờ sáng, sau ba hồi trống và ba hồi chuông báo hiệu, một đoàn quân trong trang phục triều đình xưa đã chỉnh tề hai hàng xuất phát từ Kim Thủy Trì, diễu hành vòng qua đường 23 Tháng 8 rồi tiến thẳng về Nghinh Lương Đình qua cửa Quảng Đức.
Cũng trong hội thi này, nhà tổ chức tái hiện lại những màn tổng duyệt binh của vua nhà Nguyễn ngày xưa với đội hình bát quái trận. Hơn một trăm cẩm y vệ được tuyển từ các trung tâm đào tạo võ thuật của thành phố Huế đã được huy động tập luyện để chuẩn bị cho màn biểu diễn. Phần chính của hội thi là những màn biểu diễn của các võ sinh tham gia hội thi. Họ là bảy võ sư có tiếng được mời về từ các lò võ cổ truyền trong cả nước. Khán giả đã bất ngờ với kỹ năng biểu diễn võ thuật cùng các loại binh khí đa dạng: côn, quyền, đao của các thí sinh. Càng hưng phấn hơn với màn đối kháng quyết liệt, đẹp mắt như trong một hội thi thật ngày xưa.
Trong suốt 143 năm, triều Nguyễn, đã tổ chức 39 khoa thi hội tiến sĩ, nhưng chỉ có 3 khoa thi võ vào các năm: Ất Sửu 1865, Mậu Thìn 1868, Kỷ Tý 1869 đều diễn ra dưới thời vua Tự Đức và chọn được 12 vị tiến sĩ và 22 vị phó bảng. Các vị tiến sĩ võ này được khắc tên trên bia đá dựng tại sân Võ Miếu.
NGHE CỰU CHIẾN BINH MỸ CHƠI NHẠC TẠI FESTIVAL HUẾ
Chỉ một đêm lưu diễn ở Huế trong khuôn khổ Festival 2008, nhưng ban nhạc Kimo & Kimotion của nghệ sĩ da đen người Mỹ Williams Kimotion - cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt
The Paumalu Symphony, bản giao hưởng gắn liền với tên tuổi của Kimotion từ hơn 30 năm nay, một lần nữa lại hòa ca trên sân khấu Huế, làm lay động tâm hồn biết bao người. Tình yêu, ký ức chiến tranh khốc liệt và khát vọng hòa bình luôn thắm thiết, lắng đọng trong từng ca từ, giai điệu của saxophone, trumpet, trombone, guitar, keyboard, violin, cello; hay nhịp trống jazz, lời dẫn chuyện giàu xúc cảm của Kimotion.
Âm nhạc của Wililams không chỉ là cảm xúc trào dâng của rock, jazz, giao hưởng hay cổ điển, mà còn pha quyện hết sức nhuần nhuyễn âm hưởng các thể loại, nhạc cụ của nhiều dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đó là âm nhạc đưa con người lại gần với nhau hơn, khép lại quá khứ đau thương, không phân biệt sắc tộc, màu da, biên giới và ngôn ngữ. Williams Kimotion tâm sự: “Tôi muốn âm nhạc của mình dẫn lối vào mọi con tim, với nhịp đập rung động làm bừng lên nụ cười…”.
YÊN LAN (tổng hợp)