Thứ Hai, 30/09/2024 08:27 SA
Nam Cao yên giấc thu trong vườn lão Hạc
Thứ Bảy, 07/06/2008 09:20 SA

Với nhiều người yêu văn học, Nam Cao là nhà văn bậc thầy của đất nước. Không ít nhà văn lớn của nước ta thờ Nam Cao, trang trọng để ảnh cụ ngang với ảnh các đại văn hào thế giới. Nam Cao đã “sinh” ra một Chí Phèo quá nổi tiếng và làm cho thế hệ mai sau phải truy tìm cái làng Vũ Đại hư cấu nào đó, có Bá Kiến, Thị Nở...

 

CHẶNG ĐƯỜNG CỦA MỘT NHÀ VĂN

 

Nam-Cao-080607.jpg

Nhà văn Nam Cao

Nam Cao xuất thân trong một gia đình Công giáo bậc trung. Cha ông thi xong bậc Thành chung thì phải về nhà chữa bệnh vì thể lực yếu. Nam Cao trải qua nhiều nghề để kiếm sống, và ông đến với nghề văn cũng vì mục đích mưu sinh.

 

Năm 18 tuổi, Nam Cao vào Sài Gòn làm thư ký cho một hiệu may và bắt đầu viết truyện ngắn. Truyện của ông đã đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy và Báo Ích Hữu. Sau khi trở ra Bắc thi nốt bậc Thành chung, ông dạy học ở trường tư thục Công Thành (đường Thụy Khê - Hà Nội). Năm 1941, tập truyện đầu tay với tên Đôi lứa xứng đôi, sau đổi là Chí Phèo được NXB Đời Mới ấn hành. Tập truyện với bút danh Nam Cao đã nổi lên thành một hiện tượng.

 

Năm 1946, Nam Cao hoạt động trong Hội Văn hóa Cứu quốc. Sau đó, ông vào miền Nam với tư cách là một phóng viên. Ông đã viết truyện ngắn gửi in ở Tạp chí Tiên Phong, in lại tập truyện ngắn Chí Phèo, in tập truyện Cười… Khi ra Bắc, ông công tác ở Ty văn hóa Hà Nam, làm báo Giữ Nước và Cờ Chiến Thắng. Năm 1947, Nam Cao lên Việt Bắc và làm thư ký cho Báo Cứu Quốc. Thời gian này, ông sống với cuộc kháng chiến nhiều hơn là viết. Truyện ngắn Đôi mắt ra đời như một tuyên ngôn nghệ thuật.

 

Năm 1950, ông chuyển sang làm ở Hội Văn nghệ Việt Nam. Một năm sau đó, trong chuyến công tác tại tỉnh Ninh Bình, cả đoàn bị sa vào ổ phục kích của giặc Pháp. Chúng đã xử tử ông cùng nhiều đồng chí khác ở huyện Gia Viễn-Ninh Bình.

 

Cả đời, Nam Cao sống và viết phục vụ cho lý tưởng, niềm tin. Ông làm việc, sáng tạo không mệt mỏi, sớm hy sinh và để lại một gia tài đồ sộ là những tác phẩm văn học.

 

YÊN GIẤC THU TRONG VƯỜN LÃO HẠC

 

Đầu năm 1996, chương trình Tìm lại Nam Cao được Hiệp hội Câu lạc bộ UNESSCO Việt Nam tổ chức với quy mô chưa từng có gồm 35 đơn vị tham gia, cùng sự góp mặt của 7 nhà ngoại cảm mà Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA) đứng ra mời. Kết quả là sau gần nửa thế kỷ nằm hiu quạnh trong nấm mồ vô danh, cuối cùng Nam Cao đã về yên nghỉ vĩnh hằng nơi quê nhà.

 

mo-Nam-Cao-080607.jpg

Mộ của nhà văn Nam Cao ở xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam - Ảnh: N.V.HOAN

 

Người dân làng Đại Hoàng vẫn kể lại câu chuyện về các nhân vật nguyên mẫu và ngôi làng Vũ Đại. Dường như có sự giao thoa giữa sáng tác hư cấu và chuyện thật ngoài đời. Cụ Trần Hữu Đạt, em trai nhà văn Nam Cao cho rằng tất cả những nhân vật trong sáng tác của ông đều lấy từ những nguyên mẫu ngoài đời. Cụ Đạt nhớ ngày còn nhỏ, ở đây có một người tên là Chí Phèo, có tính cách giống y hệt tính cách của nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm. Một số người khác thì cho rằng nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm là sự kết hợp của nhiều tính cách ngoài đời. Còn nguyên mẫu nhân vật lão Hạc là trùm Ruyên, một người Công giáo mộ đạo.

 

Nhà văn Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri, sinh năm 1915 tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông nổi tiếng với truyện ngắn Chí Phèo, Lão Hạc, Đôi mắt…; các tiểu thuyết Sống mòn, Truyện người hàng xóm. Ngoài ra, Nam Cao còn làm thơ và biên soạn sách địa lý với các tác phẩm Văn Tân Địa dư các nước Châu Âu, Địa dư các nước châu Á, châu Phi, Địa dư Việt Nam. Nhà văn Nam Cao đã được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học.

Hơn nửa thế kỷ, sau khi viết truyện ngắn Lão Hạc, thì giờ Nam Cao lại yên nghỉ trong khu vườn của nhà trùm Ruyên - lão Hạc. Nhà tưởng niệm nhà văn tài danh này đã được xây dựng kiên cố. Tất cả yên bình trong khu vườn xanh chuối ngự, giống chuối quý nổi tiếng tiến vua ngày xưa.

 

Làng Đại Hoàng giờ có đ­ường nhựa, xanh xanh những hàng cây, song vẫn còn đó âm điệu rất đặc trưng là tiếng thoi đưa lách cách của khung dệt. Khu “lò gạch cũ” ngày xưa giờ mọc lên nhiều ngôi nhà khang trang. Những người yêu văn, yêu quý Nam Cao, những học giả từ khắp mọi miền đất nước vẫn về đây, thăm mộ, kính cẩn thắp nén nhang trước hương hồn người đã khuất - nhà văn liệt sĩ!

 

NGUYỄN VĂN HOAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek