Thứ Hai, 30/09/2024 12:24 CH
Thần đồng thơ Việt ở đâu?
Chủ Nhật, 01/06/2008 14:00 CH

Vẫn biết thần đồng là một dạng báu vật hiếm có và rất khó lặp lại. Thế nhưng, với một dân tộc có truyền thống thi ca như Việt Nam, nếu không dám mong chờ sự xuất hiện của thần đồng thơ thì không thể nào mơ ước sự xuất hiện của một thần đồng công nghệ thông tin. Chúng ta đã từng hân hoan chào đón thần đồng thơ và khấp khởi vui mừng lấp lóe vài dấu hiệu thần đồng thơ, vậy mà vài năm gần đây càng ngày càng mờ mịt chân dung thần đồng thơ. Giải quyết băn khoăn này cũng ít nhiều lý giải được đời sống thi ca hôm nay.

 

Tran-Dang-Khoa080531.jpg

Thần đồng thơ Trần Đăng Khoa năm 10 tuổi

 

Trong quá khứ, Trần Đăng Khoa là một thần đồng thơ, không ai có thể phủ nhận. Từ vùng chiêm trũng bồi lở sông Kinh Thầy, tiếng thơ trong trẻo đích thực của Trần Đăng Khoa vang lên như một niềm sửng sốt bất tận. “Ngoài thềm rơi chiếc lá đa/Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” và “Trăng ơi, từ đâu đến?/ Hay từ một sân chơi. Trăng bay như quả bóng/Đứa nào đá lên trời” là những dòng chảy tuổi nhỏ nông thôn tươi mát và hồn nhiên, mà chỉ trẻ con có tài thơ mới làm được.

 

Sau Trần Đăng Khoa, làng thơ Việt Nam lại có thêm Khánh Chi. Khác hẳn Trần Đăng Khoa, kiểu thơ thần đồng Khánh Chi đậm màu thành thị hơn với không ít câu thơ trí tuệ, như: “Cây lúa hai tay bới tóc/Làm cả buổi chiều xôn xao” và “Nước như rắn uốn mình lấp lánh/Gió thổi làm nghiêng hai bờ/Cánh buồm như đám mây nhỏ/Chở truyện cổ tích mà bay”.

 

Thử hỏi, lúc Trần Đăng Khoa và Khánh Chi vung vẩy những câu thơ thần đồng thì không khí sinh hoạt văn chương của Việt Nam như thế nào? Bố mẹ của Trần Đăng Khoa cặm cụi ruộng cày, còn nhà thơ Trúc Chi - cha của Khánh Chi quyết liệt ngăn cản con mình dấn thân vào thi ca. Trần Đăng Khoa và Khánh Chi tiếp tục nảy nở tài năng bằng sự trân trọng và hồi hộp đúng mức của xã hội nói chung và của giới cầm bút nói riêng. Phẩm chất thi ca nhờ vậy đã được bảo tồn nguyên vẹn trong tâm hồn Trần Đăng Khoa và Khánh Chi.

 

Thập niên 80 của thế kỷ XX, vợ chồng nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ hoan hỉ công bố tập thơ Cái chuông vú của con gái Hoàng Dạ Thi. “Tương truyền” những bài thơ được làm khi Hoàng Dạ Thi khoảng 3,4 tuổi, nghĩa là cô bé chưa biết chữ và chỉ nói ra để đấng sinh thành ghi lại. Đấy là thứ thơ trời cho để khuyến khích một trò chơi, nên từ ngày tập thơ được in giấy trắng mực đen thì hồn thơ của Hoàng Dạ Thi cũng hư vô. Câu chuyện Cái chuông vú bỗng trở thành một bí mật cùng với chân dung mờ ảo của thần đồng Hoàng Dạ Thi. Bây giờ Hoàng Dạ Thi đã sang Mỹ định cư, nên không còn ai muốn lý giải Cái chuông vú nữa. Công chúng thi ca đành hụt hẫng tiếc rẻ một thần đồng thơ.

 

Dành nhiều thời gian để nghĩ ngợi một cách nghiêm túc, tôi cho rằng, từ trường hợp Hoàng Dạ Thi trở về trước, sự thành hay bại của một thần đồng thơ đều do thiên mệnh. Môi trường lành mạnh của thi ca Việt Nam khi đó đã tự nguyện tuân thủ quy luật kiến tạo thần đồng thơ một cách lương thiện. Chỉ từ lúc cô bé HPL in liên tục ba tập thơ Hoa phượng, Tiếng trống trường và Quê hương, công nghệ lăng-xê trong thi ca đã mở màn. Ở vị trí quyền lực một tờ báo ăn nên làm ra, người cha của HPL đã quá nôn nóng vun đắp sự nổi tiếng của con gái. Vì vậy, ngoài chuyện bỏ tiền in thơ xoành xoạch cho HPL, người cha có tấm lòng thương con vượt khỏi khuôn khổ kiềm chế, đã huy động giáo sư tên tuổi viết bài ca ngợi, rồi huy động nhạc sĩ phổ nhạc, rồi huy động người dịch sang tiếng Pháp, tiếng Anh…

 

Tôi cẩn thận tìm đọc cả ba tập thơ của HPL xuất bản cho đến năm 14 tuổi, thì thú thật không tài nào phân biệt được đâu là thơ trẻ con và đâu là thơ người lớn. Không lẽ thần đồng thì đa dạng như vậy ư? Xin thưa, nếu thần đồng viết được câu “Chùa như tay chắp niệm trời/ Cây luôn che chở Phật ngồi anh linh” thì chắc chắn không thể viết bài thơ Phấn đấu cực kỳ ngây ngô như sau: “Muốn trở thành người tốt/ Cần làm tốt ba điều/Thứ nhất không gian dối/ Thứ hai tốt mọi người/ Thứ ba phải ngoan ngoãn/ Mới trở thành con người/ Nếu không thì thất bại/ Hoặc mọi người chê bai”.

 

Chính vì hiện tượng HPL đánh dấu kỹ nghệ marketing của người Việt đã thoát khỏi cơn ngái ngủ, mà từ đó công chúng bắt đầu nghi ngờ khả năng thực sự của thần đồng thơ Việt. Sự nghi ngờ không phải không có căn cứ, vì hễ bố hoặc mẹ làm thơ thì con cái một sớm mai đẹp trời nào đó cũng được tôn xưng… thần đồng thơ. Dẫu rằng có yếu tố di truyền, nhưng sự phấn khích tột độ của người lớn mà khiến hồn thơ mới ướm vào trái tim trẻ con bỗng sợ hãi vù bay mất. Mặt khác, không thể không nhắc đến một thực tế, những bài thơ thiếu nhi chả hay ho gì nếu ký tên người lớn thì sẽ… khó in hơn ký tên trẻ con. Thôi thì, với sự “khai giác” kinh tế thị trường, cứ lấy tài năng bố mẹ làm phúc lộc cho con cái! Và cái gì đến cũng đến, sự thất thoát đạo đức thi ca đã kéo theo hậu quả tổn thất niềm tin độc giả. Dù sau HPL có vài gương mặt khác theo tôi rất đáng hy vọng như Phan Tuy An hay Đặng Chân Nhân, nhưng công chúng đã không còn hào hứng.

 

Một khi thần đồng thơ không còn cơ hội xuất hiện thì tài năng thơ tầm cỡ cũng giống như giấc mơ xa vời. Một khi sự toan tính ma mãnh ngự trị thì nàng thơ đành tan biến. Tôi chưa bao giờ tuyệt vọng về tình yêu thơ ca của người Việt, nhưng nếu muốn có thần đồng thơ trước mắt và có một nền thơ phát triển ngày mai, thì ngay hôm nay phải thẳng thắn thừa nhận một thực trạng: chúng ta đang khủng hoảng thừa những người PR thơ khôn khéo nhưng lại khủng hoảng thiếu những nhà phê bình thơ chân chính!

 

TUY HÒA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek