Chủ Nhật, 12/01/2025 21:58 CH
Lễ hội dân gian góp phần phát triển du lịch địa phương
Thứ Hai, 16/11/2020 07:00 SA

Đông đảo người dân và du khách xem hát Bài chòi tại TP Tuy Hòa. Ảnh: THIÊN LÝ

Thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Phú Yên xác định rõ chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa (đặc biệt là lễ hội dân gian) trên địa bàn. Theo đó, tỉnh nỗ lực phát huy giá trị lễ hội dân gian gắn với việc định hình sản phẩm du lịch văn hóa địa phương nhằm tạo nên sự khác biệt của Phú Yên trong chuỗi liên kết, phát triển du lịch với các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều lễ hội dân gian được tổ chức trong năm như: Lễ hội cầu ngư, hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng, lễ hội cầu mưa, lễ bỏ mả của người Ê Đê, lễ hội bài chòi... Tất cả lễ hội này ngày càng lan tỏa rộng rãi và mang nhiều ý nghĩa đối với đời sống vật chất và tinh thần của con người Phú Yên.

 

Giá trị hiện thực

 

Lễ hội dân gian là một loại hình lễ hội, do con người sáng tạo phục vụ lợi ích cho cả cộng đồng, cho những người cư trú trên cùng một địa bàn, chung một tín ngưỡng, hay cùng một phương thức sản xuất, một không gian sinh tồn để cộng mệnh, cộng cam, cộng sinh.

 

Ở Phú Yên, lễ hội dân gian được xem như một hình thức sinh hoạt văn hóa của con người nơi đây, ẩn mình trong các lễ hội dân gian là hình ảnh con người Phú Yên chịu thương, chịu khó với mong muốn thiên nhiên ưu đãi cho hoạt động sản xuất, hay là hình ảnh phảng phất của niềm vui sau mùa thu hoạch... Lễ hội dân gian mang đến nhiều giá trị về mặt vật chất và tinh thần, gắn kết với đời sống sinh hoạt, phát triển hiện nay của con người. Điều này thể hiện cụ thể thông qua ba giá trị cơ bản.

 

Lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Sơn Hòa, thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương xem, cổ vũ. Ảnh: PV

 

Lễ hội dân gian xuất hiện từ nhu cầu của cuộc sống cộng đồng dân cư, phản ánh những tư duy ước vọng của con người, gắn liền với bản chất của một đất nước nông nghiệp lúa nước. Xuất phát từ nguồn gốc này mà lễ hội dân gian là dịp biểu dương sức mạnh của cộng đồng, tạo sự kết dính của một cộng đồng người lại với nhau trong quá trình sản xuất, chiến đấu với tự nhiên, với giặc ngoại xâm. Giá trị này luôn được lưu giữ trong các lễ hội dân gian hiện nay, giá trị của nó càng được nâng lên trong xã hội hiện đại, khi mà con người ngày càng muốn khẳng định cái tôi của mình.

 

Không chỉ riêng lễ hội dân gian mà bất kỳ lễ hội nào cũng đều hướng về cội nguồn. Lễ hội dân gian được tổ chức hàng năm, gắn liền với từng vùng đất, từng giai đoạn lịch sử giúp con người nhớ về cội nguồn, về dân tộc, về dòng tộc, về văn hóa... Điều này làm cho lễ hội dân gian ở từng vùng mang nét đặc sắc riêng, giá trị nhân văn khác nhau. Sự khác nhau này được quy định bởi lịch sử, phong tục, tập quán, tính cách của con người tại vùng đất đó.

 

Thêm vào đó, lễ hội dân gian thường được tổ chức vào các thời điểm sau thu hoạch, đầu mùa sản xuất, đầu năm, vào lúc nông nhàn, thời tiết ôn hòa. Lễ hội phản ánh ước vọng, tôn thờ sự phồn thịnh, sự vui tươi cho cuộc sống, trong đó còn bao gồm cả niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng. Điều này tạo nên giá trị về sự thỏa mãn trong đời sống tâm linh của con người khi tham gia lễ hội dân gian.

 

Xã hội hiện đại luôn tấp nập, vội vàng với máy móc, kỹ thuật, với những con số, làm cho đời sống con người trở nên căng thẳng, khô cứng. Thông qua các lễ hội dân gian, con người như được tắm mình trong văn hóa dân tộc, đồng thời giải tỏa những nỗi lo, những băn khoăn khi cuộc sống hiện đại đặt ra mà con người chưa tìm được cách giải thích.

 

Ba giá trị cơ bản của lễ hội dân gian vừa phân tích ở trên đã tạo nên những giá trị hiện thực của lễ hội dân gian trong đời sống hiện nay. Hàng năm, lễ hội dân gian trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Phú Yên nói riêng đều được tổ chức tại địa điểm và thời gian cụ thể trong năm. Đây là dịp để con người thụ hưởng những thành quả lao động của mình làm ra, để con người tự thưởng cho mình những giá trị văn hóa, vui chơi sau những ngày lao động mệt nhọc; đồng thời tiếp thêm sức mạnh để chuẩn bị tiếp cho một năm làm việc, lao động vui vẻ với những mong ước giản dị là cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

 

Yếu tố kích thích du lịch phát triển

 

Thông thường, tổ chức lễ hội dân gian thường kéo theo các hoạt động buôn bán, họp chợ… để trưng bày các sản phẩm gắn với đặc điểm của lễ hội, của địa phương, dân cư. Tất cả những hoạt động này xuất phát từ nhu cầu của con người, không chỉ có sự tham gia của người dân địa phương mà còn thu hút người dân mọi miền đất nước và trên thế giới. Với đặc điểm này, công tác tổ chức và hoạt động lễ hội dân gian gắn với phát triển du lịch cần thực hiện tốt.

 

Lễ hội xoay trâu tại xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân. Ảnh: LÊ MINH

 

Cụ thể, công tác tuyên truyền về việc thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội dân gian cần tiếp tục được đẩy mạnh. Tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội. Tuyên truyền, giới thiệu nguồn gốc của các lễ hội dân gian, các di tích, nhân vật gắn liền với các lễ hội dân gian để từ đó có cái nhìn đúng về những giá trị văn hóa mang lại cho con người, nâng cao trách nhiệm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.

 

Bên cạnh đó cần có sự chỉ đạo cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, ngành về công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian. Bất kỳ lễ hội dân gian nào cũng bao gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Do vậy cần phải có sự chuẩn bị chu đáo về phần lễ và phần hội phù hợp với văn hóa truyền thống dân tộc. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa về tổ chức lễ hội phù hợp với địa phương và các quy định về tổ chức lễ hội dân gian.

 

Với chiến lược phát triển bền vững, lễ hội dân gian phát triển song hành cùng phát triển du lịch nên cần quản lý chặt chẽ phần lễ nhằm đảm bảo giá trị truyền thống của lễ hội; trong phần hội cần kết hợp việc tổ chức trò chơi với nhiều nhu cầu cụ thể để thu hút khách du lịch và người tham quan. Ngoài ra, việc tổ chức lễ hội dân gian kết hợp với các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống với quảng bá du lịch, giới thiệu về mảnh đất, con người Phú Yên là điều cần thiết. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là vẫn phải đảm bảo giá trị văn hóa, nếp sống văn minh gắn liền với truyền thống ở mỗi địa phương diễn ra lễ hội.

 

Ngoài ra, khi tổ chức lễ hội cần nghiên cứu kỹ nội dung của lễ hội để tránh những biểu hiện không phù hợp, phản cảm trong lễ hội. Trong quá trình chuẩn bị, tổ chức lễ hội cần có những quy hoạch cụ thể để sắp xếp, bố trí khu dịch vụ đảm bảo thuận tiện, không gây cản trở, ùn tắc giao thông; niêm yết giá, bán đúng giá, không chèo kéo khách, không ép giá. Đồng thời tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, đây là một trong những tiêu chí thu hút khách du lịch trên địa bàn tỉnh.

 

Lễ hội dân gian là tài nguyên du lịch nhân văn. Việc tổ chức các lễ hội dân gian kết hợp với phát triển du lịch là mô hình đang được thực hiện hiệu quả không chỉ đối với Phú Yên mà còn trên cả nước. Bởi vậy, việc xây dựng, quản lý, tổ chức lễ hội dân gian sao cho hiệu quả, tạo nên yếu tố kích thích sự phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh là điều cần thiết. Trong thời gian tới, hoạt động này sẽ càng phát triển mạnh mẽ, đem lại hiệu quả về mặt vật chất và tinh thần cho con người Phú Yên.

 

ThS ĐÀO LOAN CUNG

(Trường Chính trị tỉnh Phú Yên)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek