Thứ Hai, 13/01/2025 01:41 SA
Nhớ tàu hỏa bánh răng cưa trên cao nguyên Lâm Viên
Chủ Nhật, 15/11/2020 09:34 SA

Đầu máy tàu hỏa bánh răng cưa ở ga Đà Lạt, giờ chỉ còn là hoài niệm. Nguồn: INTERNET

Một ngày, bỗng nhớ về xứ thơ Đà Lạt, nhớ tiếng còi tàu hỏa trên cao nguyên Lâm Viên, tôi mua vé tàu từ TP Đà Lạt đi Trại Mát tìm chút dư hương, hoài niệm. Tôi không may mắn như bạn tôi khi đã mục sở thị, trải nghiệm con tàu năm xưa ở đây, chốn này. Đoàn tàu hỏa năm xưa trên cao nguyên mộng mơ đã trở lại châu Âu sau ba thế kỷ lãng du, “định cư” tại dãy Anpơ (Thụy Sĩ) trong sự nuối tiếc đến ngẩn ngơ của nhiều người từng biết đến đoàn tàu này trên cao nguyên Lâm Viên.

 

Cuối thế kỷ XIX, sau gần 50 năm chiếm cứ Đông Dương, người Pháp phát hiện cao nguyên Lâm Viên. Ở độ cao 2.000m so với mực nước biển, chốn thiên đường với khí hậu ôn đới, sương mù giăng phủ, quanh năm mát lạnh đúng là một “châu Âu của Đông Dương”. Sau một thời gian nghiên cứu, họ quyết định xây dựng chốn này làm nơi nghỉ dưỡng và phát triển như một điểm nhấn cho Viễn Đông ngày sau. Trong các đồ án xây dựng, họ đặc biệt lưu tâm, chú trọng con đường cực kỳ tốn kém và khó khăn. Đó là con đường sắt, dành cho tàu hỏa với bánh răng cưa ở giữa đầu máy. Tàu phát xuất từ ga Sông Phan đi lên Đà Lạt sau khi tách toa và đổi đầu máy chuyên dùng.

 

Việc xây dựng đồ án, khảo sát và thiết kế quy hoạch diễn ra vào khoảng năm 1897-1902. Đến năm 1902, công trình kỳ vĩ này bắt đầu thi công, vô cùng khó khăn bởi con đường phải vượt dốc hơn 12 độ, qua bao nhiêu là rừng cao núi thẳm, tốn kém và mất mát không ít nhân mạng, tiền của.

 

Năm 1932, đường tàu hỏa từ Phan Rang đi Đà Lạt hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng liên tục cho đến năm 1954 thì tạm thời gián đoạn (hồi đó đi đường bộ rất khó khăn bởi nhiều lý do, nhưng chủ yếu là xe khách chưa phát triển). Đến khoảng năm 1956, đường tàu hỏa này hoạt động trở lại cho đến năm 1972 thì dừng hẳn bởi chiến cuộc diễn biến phức tạp. Đường sắt bị đào xới và hư hỏng nặng bởi bom đạn chiến tranh. Sau khi thống nhất đất nước, năm 1977, tuyến đường sắt lên cao nguyên Lâm Viên được khôi phục và hoạt động trở lại. Nhưng đến năm 1979, vì nhiều lý do, không hội đủ điều kiện để vận hành, tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt bị khai tử. Vì các nhu cầu bức thiết khác nên hầu hết cầu và đường ray bị tháo gỡ. Thậm chí hầu hết đầu máy loại cũ đều bị rã tháo bán sắt vụn hoặc sử dụng vào mục đích khác. Đến năm 1990, người Thụy Sĩ lần theo dấu xưa và mua lại tất cả, từ đầu máy đến toa tàu. Họ vận chuyển chúng về nước - nơi đã sản xuất ra chúng - để sửa chữa, hoàn thiện trở lại, đưa khách ngoạn cảnh trên đỉnh Anpơ, với độ dốc 11 độ.

 

Những người đã từng đi trên đoàn tàu hỏa bánh răng cưa lên Đà Lạt hẳn còn lưu luyến những hình ảnh đầy ấn tượng. Bây giờ tuyến đường ấy không còn nữa, những toa xe, đầu máy tưởng như chỉ dùng để trưng bày đã được “cố nhân” mang về xứ sở họ phục hồi, trở thành phương tiện du ngoạn có một không hai.

 

PHÚ HANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek