Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người cao tuổi là của quý vô giá của dân tộc, của Nhà nước”, ngoài việc tạo điều kiện tốt nhất cho người cao tuổi được sống vui, sống khỏe, sống có ích, thì đời sống văn hóa tinh thần, đặc biệt là phát triển văn hóa đọc cho đối tượng này cũng luôn được xã hội quan tâm trong những năm qua.
Điều 44 về quyền của người sử dụng thư viện đặc thù Luật Thư viện nêu rõ: “Người sử dụng thư viện là người cao tuổi (NCT) hoặc người khuyết tật mà không thể tới thư viện được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin tại nhà thông qua dịch vụ thư viện lưu động hoặc gửi qua bưu chính, không gian mạng khi có yêu cầu phù hợp với hoạt động của thư viện”.
Đáp ứng nhu cầu đọc sách của NCT
Theo bà Phạm Thị Kim Anh, Giám đốc Thư viện tỉnh, Vụ Thư viện rất khuyến khích các thư viện trên cả nước có những hoạt động khuyến đọc, phục vụ tận nhà cho NCT. Với điều kiện hoạt động thực tế của thư viện trong thời gian qua, Thư viện tỉnh đã tổ chức phục vụ sách tại nhà thường xuyên và miễn phí khi gia hạn thẻ cho NCT.
Được phục vụ sách tại nhà hơn 3 năm nay, cụ Trần Ngọc, cán bộ nghỉ hưu ở phường 5 (TP Tuy Hòa), chia sẻ: “Tôi rất yêu sách, nhất là các cuốn sách viết về lịch sử. Nhưng giờ tuổi cao, sức yếu nên việc đến thư viện đọc sách là không thể. Chính vì vậy, việc thư viện phục vụ sách tại nhà đã tạo điều kiện cho những NCT như tôi được tiếp tục tìm hiểu thông tin qua sách, báo, tài liệu tham khảo... Trung bình, cứ 3 tuần nhân viên của Thư viện tỉnh mang sách đến tận nhà một lần. Mỗi lần, tôi đọc từ 2-3 cuốn sách”.
Mới đây, Thư viện tỉnh đã phối hợp với Hội NCT xây dựng kế hoạch phục vụ NCT trong hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hai bên đã xây dựng và mở rộng thêm nội dung: thư viện các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch phục vụ tài liệu cho NCT trên địa bàn. Thư viện tỉnh cũng tăng cường công tác bổ sung tài liệu, xây dựng các bộ sưu tập, sản phẩm thư mục chuyên đề, thư mục thông báo sách mới hướng đến NCT; tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ sách, báo, tạp chí tại nhà; hướng dẫn tìm kiếm và sử dụng nguồn tài nguyên thông tin có tại thư viện dành cho đối tượng là NCT; thực hiện các quy định về miễn phụ phí khi gia hạn thẻ, giá dịch vụ thư viện và số bản sách khi mượn về nhà cho bạn đọc NCT. Ngoài ra, Thư viện tỉnh còn phối hợp với Hội NCT tổ chức tọa đàm, trưng bày, triển lãm tài liệu nhân Ngày truyền thống NCT Việt Nam (6/6) và Ngày Quốc tế NCT (1/10) và các vấn đề NCT quan tâm; bố trí không gian phòng đọc, tiện ích phù hợp với NCT; thành lập các tủ sách tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh và tại chi hội NCT các huyện, thị xã; luân chuyển sách phục vụ NCT; hướng dẫn NCT tham gia quản lý và phục vụ tài liệu tại các phòng đọc, tủ sách được thành lập.
Hoạt động bổ ích
Theo bà Phạm Thị Kim Anh, kế hoạch phục vụ NCT trong hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh do Thư viện tỉnh phối hợp với Hội NCT góp phần thực hiện có hiệu quả các chính sách chăm sóc đối với NCT, phát huy vai trò NCT trong việc tuyên truyền, vận động con cháu chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo điều kiện cho NCT tham gia vào việc đọc sách để sống vui, sống khỏe, sống có ích và nhân rộng văn hóa đọc trong gia đình, trong cộng đồng dân cư. Đây là hoạt động thực hiện công văn của Bộ VH-TT-DL về việc tăng cường hoạt động phục vụ NCT trong các thư viện công cộng và kế hoạch của UBND tỉnh về việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động trong kế hoạch này bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và các quy định hiện hành, phát huy tối đa nguồn lực hiện có của cơ quan và tình hình thực tiễn tại đơn vị trong việc triển khai thực hiện kế hoạch.
Ông Hoàng Chương ở phường 7, TP Tuy Hòa, bày tỏ: “Vì điều kiện sức khỏe không cho phép nên hiện nay, số lượng NCT đến thư viện đọc hay mượn sách về nhà rất ít. Vì vậy, phương thức phục vụ tận nhà là cách làm hay nhằm đáp ứng nhu cầu đọc của NCT”. Tuy nhiên, theo ông Chương, thư viện cần có hình thức tuyên truyền, động viên để NCT ham đọc sách hơn nữa. Về khuyến khích, có thể tổ chức các cuộc thi liên quan đến đọc sách để NCT tham gia, qua đó, hình thành văn hóa đọc.
“Tới đây, Thư viện tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp phục vụ tài liệu cho NCT trong hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh; tổ chức nguồn tài nguyên thông tin, xây dựng các bộ sưu tập, sản phẩm thư mục; trưng bày, triển lãm, phục vụ khi tổ chức sự kiện phục vụ bạn đọc cho đối tượng là NCT; tổ chức xây dựng các tủ sách và luân chuyển tài liệu về phục vụ cho NCT...”, Giám đốc Thư viện tỉnh Phạm Thị Kim Anh cho biết thêm.
Các cấp hội cần phổ biến nội dung kế hoạch phối hợp phục vụ tài liệu cho NCT đến các hội cơ sở để công tác phục vụ sách của thư viện đạt kết quả, chất lượng. Đồng thời tổng hợp yêu cầu thông tin của các hội viên, thông báo thời gian địa điểm tổ chức các hoạt động để Thư viện tỉnh thực hiện tốt việc tổ chức đọc sách theo yêu cầu của Hội NCT.
Trưởng Ban đại diện Hội NCT tỉnh Nguyễn Trung Thành |
THIÊN LÝ