Thứ Năm, 16/01/2025 13:08 CH
Nhà thơ Bằng Việt: Không đổi mới thì sẽ mất độc giả
Chủ Nhật, 26/07/2020 16:08 CH

Nhà thơ Bằng Việt giao lưu với những người yêu thơ trong đêm thơ nhạc Trăng tháp Nhạn. Ảnh: THÙY THẢO

Ghi dấu ấn bằng bài thơ Bếp lửa viết năm 22 tuổi, khi đang học Luật tại Ukraina, in hàng chục tập thơ và đoạt nhiều giải thưởng lớn, nhà thơ Bằng Việt luôn làm mới mình trong sáng tác để độc giả không chán thơ mình.

 

Xòe hai bàn tay ra đếm cũng không hết các đầu sách của nhà thơ Bằng Việt, từ tập thơ đầu tay, in chung với Lưu Quang Vũ vào năm 1968 Hương cây - Bếp lửa đến Những gương mặt những khoảng trời (1973), Đất sau mưa (1977), Khoảng cách giữa lời (1983), Cát sáng (1986), Bếp lửa - Khoảng trời (1988), Phía nửa mặt trăng chìm (1995)... và còn nhiều, nhiều nữa. Đó là chưa kể các tập thơ, hợp tuyển thơ dịch. Bền bỉ sáng tạo bằng năng lượng dồi dào và không ngừng đổi mới, nhà thơ Bằng Việt đã nhận nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001, giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002 và Giải thưởng văn học ASEAN năm 2003 cho tập thơ Ném câu thơ vào gió, giải Thành tựu trọn đời của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2005 cho tập Thơ trữ tình thế giới thế kỷ XX.

 

* Thưa nhà thơ Bằng Việt, ông đã in hàng chục tập thơ, đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Song nhắc đến ông, những người yêu thơ lại nghĩ ngay đến bài Bếp lửa. Tác phẩm này luôn đứng đầu trong số những bài thơ được đọc nhiều nhất, được yêu thích nhất của ông. Bếp lửa ra đời như thế nào, thưa nhà thơ?

 

- Đó là một kỷ niệm rất đẹp trong cuộc đời sáng tác của tôi. Năm đó tôi mới 22 tuổi, đang học Luật ở Ukraina. Một buổi sáng mờ sương, tôi từ ký túc xá đến trường đại học, đi qua một con đường rất dài. Không khí buổi sáng mùa đông ở Kiev làm tôi rất nhớ nhà. Và màn sương vừa dày vừa lạnh gợi nhớ khung cảnh ở quê nhà trong những năm kháng chiến chống Pháp. Lúc đó tôi mới 11-12 tuổi, đi tản cư lên vùng núi Ba Vì thuộc Hà Tây cũ. Từ nơi này đi sâu vào có một vùng đồi rất đẹp. Lúc đó, ba mẹ tôi tham gia kháng chiến, tôi sống cùng bà nội và cậu em kém tôi 2 tuổi. Ba bà cháu sống ở nơi heo hút, gần đấy có một con sông rất đẹp, đó là sông Đáy. Bên cạnh sông Đáy có một rặng vải, chim tu hú hay về ăn vải. Chim tu hú như một nhân vật chia sẻ vui buồn với ba bà cháu giữa khung cảnh heo hút.

 

Tôi luôn nhớ khung cảnh đó. Sau khi hòa bình, về Hà Nội rồi, tôi vẫn nhớ về những ngày tháng ba bà cháu sống ở vùng rừng núi heo hút. Khi sang Liên Xô học, không khí buổi sáng mùa đông ở một đất nước khác xa hoàn cảnh của ta trong những năm kháng chiến chống Pháp làm tôi ngậm ngùi nhớ lại một thời vất vả của ba bà cháu. Và tôi đã viết bài thơ Bếp lửa.

 

* Theo ông, điều gì tạo nên sức sống của một tác phẩm thơ?

 

- Theo tôi nghĩ, sức sống của một bài thơ trước tiên là ở sự chân thật. Chân thật với chính mình, chân thật với hoàn cảnh lịch sử, hoàn cảnh ra đời của bài thơ. Thứ hai là bài thơ nằm trong một dòng chảy mà nhiều người thấy trong đó có chút gì của họ. Chính vì thế bài thơ “sống” được trong lòng bạn đọc.

 

* Diện mạo thơ Bằng Việt từ khi đổi mới cho đến nay khác như thế nào so với thơ ông trong thời kỳ kháng chiến, thưa ông?

 

- Có thể nói, người làm thơ không bao giờ bằng lòng với mình và không bao giờ muốn lặp lại những gì mình đã thể hiện. Tôi luôn muốn làm thế nào để đổi mới. Nếu không đổi mới thì mình sẽ mất độc giả, mất đi sự tin yêu của bạn đọc bởi vì bạn đọc không bao giờ chấp nhận người sáng tác cứ trở đi trở lại trên con đường mòn, cứ viết lại những gì mà người ta đã viết nhiều rồi. Qua những năm sáng tác, tôi rút ra một kinh nghiệm là phải học tập các cây bút trẻ hiện nay, phải luôn đổi mới. Quan trọng nhất là đổi mới nội dung, vì nội dung tạo cho người ta cảm xúc mới, ấn tượng mới khi thưởng thức bài thơ của mình. Bên cạnh nội dung thì cũng phải chú ý đến hình thức. Tôi nghĩ người làm thơ phải có ý thức làm mới mình, luôn đổi mới để người đọc không cảm thấy nhàm chán và bản thân người viết cũng không thấy chán chính mình.

 

* Xin cảm ơn nhà thơ!

 

Nhà thơ Bằng Việt có tên đầy đủ là Nguyễn Việt Bằng, sinh năm 1941 tại Huế, nguyên quán xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Năm 1965, ông tốt nghiệp Khoa Pháp lý Trường đại học Tổng hợp Kiev, về nước làm việc tại Viện Luật học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Năm 1969, ông chuyển sang Hội Nhà văn Việt Nam. Rồi ông trở thành phóng viên ở chiến trường Bình Trị Thiên và có thời gian làm việc tại Bảo tàng truyền thống cho Binh đoàn Trường Sơn. Năm 1975, ông về làm việc tại NXB Tác Phẩm Mới.

 

Nhà thơ Bằng Việt từng là Tổng Thư ký Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Tổng Biên tập đầu tiên của báo Người Hà Nội, Tổng Biên tập tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 5, Chủ tịch Hội đồng Thơ khóa 8 của Hội Nhà văn Việt Nam.

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek