Thứ Năm, 16/01/2025 13:02 CH
Hành trình “gieo” lời ca, tiếng hát
Thứ Ba, 28/07/2020 13:00 CH

Chuyến đi cùng Đội Tuyên truyền lưu động (TTLĐ) thuộc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh (VH-ĐA) tỉnh về với vùng đất giàu truyền thống cách mạng An Định (huyện Tuy An) đã đem đến cho tôi nhiều xúc cảm. Bởi những khó khăn, vất vả với nghề mà các anh, các chị đã và đang trải qua đều vì mục đích đem đến thật nhiều thông tin bổ ích, thiết thực cho người dân.

 

Vừa đến điểm biểu diễn, các thành viên Đội TTLĐ nhanh chóng bắt tay vào việc lắp đặt sân khấu. Mỗi người một việc, người khiêng vác, người dựng sân khấu, người chỉnh âm thanh, người nối đường dây điện... Ai nấy đều hồ hởi chuẩn bị cho đêm diễn.

 

Một tiết mục của Đội TTLĐ tại xã An Định (huyện Tuy An). Ảnh: THIÊN LÝ

 

Rộn ràng đêm diễn

 

Không khí vùng quê nhộn nhịp hẳn lên khi loa truyền thanh của xã thông báo chương trình TTLĐ tới từng ngõ ngách: “Tối nay vào lúc 19 giờ 30 tại UBND xã An Định, Đội TTLĐ của tỉnh về phục vụ bà con chương trình ca, múa, nhạc, kịch nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7. Mời bà con đến xem”. Tiếng loa của đài truyền thanh xã thu hút sự chú ý, tò mò của bà con. Mọi người truyền tai nhau và ai cũng tranh thủ làm xong việc sớm để tối đến xem chương trình.

 

Sau khi công tác chuẩn bị đã “hòm hòm”, cả đội xuống trung tâm thị trấn Chí Thạnh ăn vội bữa cơm chiều vì mọi người còn phải tranh thủ về lại nơi biểu diễn để trang điểm, chuẩn bị trang phục cho các tiết mục văn nghệ, tiểu phẩm... phục vụ bà con.

 

Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc sân khấu lên đèn, người dân đến xem ngày một đông, mỗi người tìm một vị trí tốt nhất có thể để thưởng thức chương trình do Đội TTLĐ biểu diễn. Những ca khúc ý nghĩa, sâu lắng về một thời đạn bom khói lửa, tình đồng chí, đồng đội, sự tri ân của Đảng và Nhà nước với các Mẹ Việt Nam anh hùng như: Mẹ và Tổ quốc, Hoàng Sa - Trường Sa, Đồng đội ơi... vang lên, khiến nhiều người xúc động.

 

Bà Phan Thị Sự ở thôn Định Trung 2, chia sẻ: “Từ chiều, tôi đã nghe loa truyền thanh của xã thông báo có chương trình biểu diễn của Đội TTLĐ Trung tâm VH-ĐA tỉnh về biểu diễn miễn phí cho nhân dân nên tôi nhắc mấy đứa cháu tranh thủ ăn cơm chiều sớm để tối cùng đi xem. Nghe vậy, mấy đứa nhỏ rất háo hức. Chương trình hay, xúc động lắm! Giờ được nghe lại các bài hát về các chiến sĩ là cảm xúc về thời đạn bom khói lửa lại ùa về”.

 

Theo đuổi đam mê

 

Có thâm niên theo Đội TTLĐ 30 năm, anh Vũ Phi Cảng, phụ trách Đội TTLĐ, cho hay: Đi biểu diễn ở vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn là đặc thù của Đội TTLĐ. Theo quy định, mỗi năm Đội TTLĐ có 2/3 thời gian tập luyện và thời gian còn lại tăng cường biểu diễn lưu động về cơ sở. Ngày trước, đường sá chưa bê tông, nhiều cung đường hiểm trở, khó đi. Máy móc, âm thanh cũng đâu có nhẹ nhàng như bây giờ. Để phục vụ một buổi biểu diễn, đoàn phải khiêng theo máy móc nặng mấy chục ký cộng thêm máy phát điện và nhiều thiết bị khác. “Giờ đây, mỗi người chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có cả thế giới thu nhỏ trong tay, muốn xem chương trình nghệ thuật lớn, nhỏ gì cũng có. Thế nhưng các buổi biểu diễn của Đội TTLĐ vẫn được nhiều người từ cụ già đến em nhỏ đón xem vì được tận mắt thấy những con người bằng xương bằng thịt biểu diễn, có sự giao lưu, đồng cảm với nhau. Đó là điều khiến những người làm TTLĐ như chúng tôi ấm lòng”, anh Cảng nói.

 

Đông đảo khán giả xem chương trình TTLĐ “Uống nước nhớ nguồn” tại một xã miền núi. Ảnh: CTV

 

Chị Nguyễn Thị Cẩm Liên, công chức Văn hóa - Xã hội xã An Định, cho biết: “Mặc dù hiện nay, nhà nào cũng có ti vi nhưng mọi người rất thích đi xem biểu diễn thực tế. Mỗi khi Đội TTLĐ về phục vụ, bà con rất vui. Nhiều ca khúc, tiểu phẩm đã tác động sâu sắc đến tâm hồn, tình cảm của người dân. Xem xong, mọi người có thêm hiểu biết, ý thức về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, giữ gìn văn hóa, môi trường sống lành mạnh hơn”.

 

Các chương trình biểu diễn thường được tổ chức vào buổi tối, vì vậy, anh em trong Đội TTLĐ thường phải về khuya. Hơn nữa, anh chị em trong đội nhiều người không biên chế, chỉ là cộng tác viên, nhưng đều tranh thủ thu xếp việc nhà ổn thỏa để vừa hoàn thành tốt công việc của đội vừa đảm bảo hoàn thành tốt trách nhiệm với gia đình, nhất là nữ. Chị Nguyễn Thị Trúc Linh, thành viên Đội TTLĐ tâm sự: “Chồng tôi công tác trong quân đội. Vì tính chất công việc đặc thù nên anh ấy thường xuyên ở đơn vị. Vì vậy, sau khi dọn dẹp nhà cửa, cơm nước tươm tất, tôi gửi con cái cho ông bà nội, ngoại chăm sóc để yên tâm đi diễn”.

 

Nỗ lực đổi mới

 

Theo ông Lê Trung Hiền, Giám đốc Trung tâm VH-ĐA tỉnh, từ tháng 5/2020, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Phú Yên và Trung tâm Văn hóa tỉnh hợp nhất thành Trung tâm VH-ĐA tỉnh. Theo đó, trung tâm đã chủ động kết hợp Đội TTLĐ và Đội Chiếu phim lưu động xây dựng những chương trình văn hóa, văn nghệ, chiếu phim, phục vụ tuyên truyền đến các xã vùng xa, vùng sâu, xã ven biển và phục vụ công nhân, người lao động. Theo đó, các đội đã không ngừng cải tiến, đổi mới hình thức để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Trong các buổi tuyên truyền, Đội TTLĐ mời các địa phương cùng tham gia, các tiết mục văn nghệ được sắp xếp đan xen nhằm tạo không khí vui tươi, hứng khởi cho mọi người. Ngoài ra, đội cũng cân nhắc lựa chọn những ca khúc, tiểu phẩm hài hòa giữa yếu tố chính trị và thẩm mỹ, giải trí với lời thoại hóm hỉnh, gần gũi với cuộc sống đời thường, nhằm mang lại hiệu quả tuyên truyền cao. “Chúng tôi mong muốn những đổi mới trong hoạt động biểu diễn tuyên truyền lưu động hiện nay sẽ mang lại hiệu quả cao. Việc nhanh chóng đưa thông tin về cơ sở thông qua hình thức sân khấu hóa góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và đẩy lùi các văn hóa phẩm xấu, định hướng thẩm mỹ cho công chúng”, ông Hiền nói.

 

Không chỉ lấy phương châm hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chính, các thôn buôn vùng sâu, vùng xa, xã ven biển và vùng đặc biệt khó khăn là địa chỉ phục vụ, Trung tâm VH-ĐA tỉnh còn không ngừng đổi mới chương trình biểu diễn nghệ thuật. Anh Vũ Phi Cảng cho biết: “Mỗi chương trình đều được Đội TTLĐ dàn dựng mới, có chủ đề, chủ điểm. Bên cạnh các ca khúc theo chủ đề, chúng tôi còn bố trí thêm các ca khúc ca ngợi về quê hương đổi mới, đặc biệt là tiểu phẩm kịch - điểm nhấn của chương trình”.

 

Buổi biểu diễn phục vụ người dân xã An Định của Đội TTLĐ Trung tâm VH-ĐA tỉnh cũng là chương trình khép lại kế hoạch tuyên truyền lưu động đợt 2/2020 với chủ đề “Uống nước nhớ nguồn” nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2020) theo sự chỉ đạo và định hướng tuyên truyền của Sở VH-TT-DL. 

 

Để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới nhân dân, thời gian tới, Trung tâm VH-ĐA tỉnh tiếp tục xây dựng chương trình văn nghệ phục vụ cơ sở, đặc biệt biểu diễn phục vụ nhân dân các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa và các chương trình văn nghệ tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của tỉnh, nhất là tuyên truyền về đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

 

Giám đốc Trung tâm VH-ĐA tỉnh Lê Trung Hiền

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek