Giáo dục lòng hiếu kính đối với ông bà, cha mẹ là một trong những nội dung quan trọng của giáo dục trong gia đình hiện nay. Đó không chỉ là sự vâng lời, tôn trọng cha mẹ mà điều cốt lõi là thể hiện ý thức trách nhiệm của con cái trong tu dưỡng nhân cách, biết ơn, chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ, gìn giữ thanh danh của gia đình.
Bà Lê Thị Thu ở thôn Liên Trì 1, xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa, chia sẻ: Trong guồng quay hối hả của cuộc sống, tôi và các thành viên trong gia đình đều cố gắng chú trọng gìn giữ sự gắn kết thông qua việc duy trì các giá trị truyền thống. Lúc kinh tế gia đình còn khó khăn, gia đình tôi luôn chia sẻ cái khó, cái khổ cùng nhau. Con không chê cha mẹ nghèo, vợ chồng không trách móc nhau. Đặc biệt, vợ chồng tôi tập trung vào việc giáo dục cách ứng xử trong gia đình với nguyên tắc đã được bao thế hệ gìn giữ lưu truyền “trên kính dưới nhường”, con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Đây vừa là phép tắc ứng xử, vừa là giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc.
Một số nhà nghiên cứu giáo dục đã chỉ ra rằng, con cái sống có đạo đức, lễ phép, có ý thức chăm chỉ học hành để thành đạt trong xã hội, có nghề nghiệp, có cuộc sống ổn định... cũng được coi là những hình thức báo hiếu đối với cha mẹ. Lòng hiếu thảo biết ơn là phẩm chất đầu tiên cần có ở nhân cách. Người mà không biết báo hiếu, không yêu thương, biết ơn đấng sinh thành dưỡng dục mình thì khó có thể yêu thương, biết ơn người khác được. Trước khi trở thành một nhân tài hay một công dân tốt thì ngay từ thơ bé, gia đình phải dạy dỗ để mỗi đứa trẻ là một người con ngoan có tình cảm yêu thương, kính trọng ông bà, cha mẹ và biết yêu thương, giúp đỡ người không may mắn... Làm được những điều này đã là gia đình hạnh phúc.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, nhìn nhận: “Văn hóa gia đình Việt Nam lấy đạo hiếu làm trọng. Vì thế, trong gia đình truyền thống Việt Nam, con cháu phải kính trọng, vâng lời, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ. Đây là đạo lý mà con cháu phải thực hiện trong suốt cuộc đời...”.
MỸ AN