Làn sóng tư nhân tham gia làm phim truyền hình đang được Đài Truyền hình Việt Nam “bật đèn xanh” bằng bộ phim “Cô gái xấu xí” đang trình chiếu với nhiều khen chê khác nhau. Chính sự cởi mở này, khiến thị trường kịch bản phim truyền hình hiện đang sôi động.
Poster phim “Cô gái xấu xí” |
Câu cửa miệng của các nhà làm phim suốt thời gian qua là: “Khủng hoảng thiếu kịch bản!”. Điều này hoàn toàn đúng với những hãng phim quen hoạt động theo cung cách thời bao cấp, cứ ngồi rung đùi chờ người khác mang kịch bản đến. Từ ngày tư nhân được phép thành lập hãng phim, mọi chuyện đã khác. Chưa bao giờ giới biên kịch được chào đón và được trọng thị như hiện nay. Bên cạnh những tên tuổi như Nguyễn Mạnh Tuấn hay Nguyễn Khắc Phục… nhiều cây bút trẻ có chút say mê nghệ thuật thứ bảy cũng được mời gọi chuyển ý tưởng bay bổng lên màn bạc, màn ảnh nhỏ.
Chưa đủ khả năng hình thành công nghệ viết kịch bản như các quốc gia có nền điện ảnh phát triển trên thế giới, nhưng tính chuyên nghiệp của đội ngũ biên kịch nước ta đã được khẳng định bằng những hợp đồng có giá cả đàng hoàng. Chính sự rộng tay của các hãng phim tư nhân buộc Hãng phim truyền hình Việt Nam cũng xóa bỏ biểu giá 4 triệu đồng/tập tồn tại hơn 10 năm qua để tính tiền kịch bản theo tiêu chí thị trường. Bây giờ các hãng phim tư nhân “khoán” cho một nhà biên kịch nào đó, rồi để tự họ tổ chức “đường dây” để bảo đảm tiến độ làm phim!
Một thực tế đáng buồn là kịch bản phim truyền hình, dù được các hãng phim tư nhân rộng tay trả thù lao, chất lượng vẫn còn khiêm tốn lắm. Ngay cả “đại gia” Lasta đang nắm giữ “Giờ vàng phim Việt” trên sóng Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh cũng hứng chịu không ít tiếng bấc tiếng chì. Tại Liên hoan Phim truyền hình toàn quốc diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, NSND Khải Hưng, sau khi “kể tội” Lasta “lôi kéo” người của “nhà đài”, đã kết luận: “Nếu phim truyền hình có ba loại, thì chất lượng phim Lasta là loại 4!”. Tất nhiên, sự đôi co giữa phim truyền hình được làm bằng kinh phí nhà nước và phim truyền hình làm từ túi tiền tư nhân hoàn toàn không hay ho gì và không có lợi cho không khí sinh hoạt văn hóa đang ngày càng cởi mở hơn. Thực tế, khán giả cũng không quan tâm đến nguồn gốc từng bộ phim mà chỉ chú ý chất lượng trên màn ảnh nhỏ. Do đó, có thể nói cuộc cạnh tranh nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực sản xuất phim truyền hình khá công bằng.
Xem ra, khi tư nhân đã móc ví thì tất cả nội lực của phim truyền hình nước ta được phơi bày trọn vẹn. Không thể kêu ca thiếu tiền nữa, mà kịch bản vẫn khan hiếm như… xưa! Nếu không có phương pháp khai thác kịch bản hiệu quả thì những bộ phim truyền hình tiếp tục mang dáng dấp khập khiễng của những chắp vá tình tiết vụng về.
TUY HÒA