Thứ Ba, 21/01/2025 17:55 CH
Lời tâm tình của chuột nhắt
Thứ Sáu, 24/01/2020 18:47 CH

Các bạn chuột thân mến! Các bạn có biết rằng, loài chuột chúng ta có tới 1.300 loài, bao gồm nhiều họ, chi, loài bậc nhất trong thế giới loài vật. Không chỉ đa dạng về chủng loại mà loài chuột chúng ta còn có khả năng sinh sản hoành tráng bậc nhất thế giới. Một chị chuột cái có thể đẻ 6 lứa trong năm, mỗi lứa khoảng chục con. Sau khi sinh được 10 ngày, chuột con đã có đời sống tự lập. Và sau khoảng 50 ngày tuổi, lứa chuột đó đã trở thành cha mẹ.

 

MINH HỌA: HƯNG DŨNG

 

Giả sử đầu năm, có một cặp anh chị chuột “bén duyên”. Khoảng 2 tháng sau, anh chị ấy được phong chức ông nội, bà ngoại ngay. Chỉ trong một năm, anh chị chuột đó đã lên chức cụ cố tổ, với một bầy con, cháu, chắt, chít… đông trên 15.000 con. Và trong khoảng ba năm, trước khi nhắm mắt xuôi tay, anh chị đó có thể chứng kiến đám con cháu của mình đông đảo bằng dân số của một tỉnh.

 

Có hai nguyên nhân chính làm cho loài chuột phát triển nhanh: do đặc tính mắn đẻ và có nguồn thức ăn dồi dào. Chúng ta thuộc loài ăn tạp nên thứ gì cũng xơi được. Nhưng được cái này thì mất cái kia. Loài chuột cũng luôn bị đe dọa mạng sống vì chúng ta là thức ăn của rất nhiều loài khác. Kẻ thù truyền kiếp của chúng ta là mèo. Các loài mèo lớn như hổ, báo, sư tử ít quan tâm đến chuột.

 

Tuy nhiên, lúc đói, chúng cũng có thể xơi tạm chuột. Chó rừng và cáo chạy nhảy lông nhông suốt ngày để tìm chuột. Anh em nhà chồn, lửng, rái cá… cũng không tha chuột. Chúng ta cũng là thức ăn của các loài rắn, nhất là hổ mang và trăn.

 

Ban đêm, chúng ta chỉ có thể quan sát tốt những vật dưới mặt đất nhưng không thể biết được một gã chim cú vọ đang đứng lặng im trên cành cây chờ chuột. Ngay cả ban ngày, chúng ta cũng chỉ quan sát những vật ở gần và không thể phát hiện ra con đại bàng ở cách xa 1,6km. Chúng bay tới như một cơn lốc, dùng móng vuốt sắc nhọn bóp chết con mồi rồi rỉa ăn ngon lành. Dưới mặt nước, các anh chị chuột lang cũng chẳng an toàn vì họ là thức ăn béo bổ của cá sấu.

 

Con người cũng giết chuột. Trước kia, người ta xem chuột đồng là một món ăn dân dã như cua, cá, tôm, tép… Ngày nay, thịt chuột đồng có mặt ở các nhà hàng sang trọng, được chế biến thành nhiều món ngon: chuột đồng luộc ép lá chanh, chuột xào sả ớt, chuột đồng áp chảo, chuột quay lu, chuột đồng rang muối, chuột nướng, chuột khìa nước dừa, chuột nướng chao, chuột xào lăn, chuột xào lá cách… Lý do chính để con người giết chuột là bảo vệ mùa màng, đồ đạc và môi trường sống. Chúng ta không ghét loài người nhưng đôi lúc cũng làm cho họ khó chịu. Chúng ta ăn tất tần tật các loại thực phẩm do họ làm ra, từ lúc chúng còn ở ngoài đồng cho đến khi được đem về nhà kho. Chuột còn cắn phá nhà cửa, bàn ghế, tủ giường… Nhưng chúng ta làm vậy là để bào mòn răng cửa chứ không cố ý làm hại con người.

 

Loài người còn sợ chuột truyền các bệnh nguy hiểm cho họ. Có khoảng 35 loại bệnh mà chuột có thể truyền cho người. Các loại bệnh này có thể do chuột hoặc các con vật khác sống bám trên cơ thể chuột gây ra (như bọ chét, ve…). Trên thế giới đã từng có những nạn dịch lớn do loài chuột gây ra, như trận dịch hạch vào thế kỷ XIV ở châu Âu làm chết 25 triệu người, hoặc nạn dịch hạch vào thế kỷ XVII ở Anh làm chết 60.000 người…

 

Hàng năm, ngành y tế dự phòng của các quốc gia phải chi ra một khoản tiền khổng lồ cho hoạt phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Loài chuột đã tạo cho con người một gánh nặng mà thực tình, chúng ta chẳng muốn làm điều đó chút nào.

 

Nói đi thì phải nói lại, loài chuột chúng ta cũng... giúp ích cho con người. Chuột có cơ chế sinh học gần giống người. Bởi vậy, trước khi áp dụng một phát minh y học nào trên con người, các nhà khoa học thường thử nghiệm trên cơ thể chuột. Nhiều chuột bà con họ hàng của chúng ta đã hy sinh bản thân mình để phục vụ y học. Trong y học cổ truyền phương Đông, các loại thuốc và thức ăn chữa bệnh từ chuột được gọi là Lão Thử. Tùy vào cách pha chế mà thịt chuột có thể giúp con người mau lành thương tích, bổ thận, tráng dương, ích não…, từ vua chúa đến người bình dân đều dùng.

 

Loài chuột cũng cần tự hào rằng, mình đứng đầu 12 con giáp theo quan niệm phương Đông. Cứ 12 năm, chúng ta xuất hiện một lần. Những năm Tý là dịp để con người nhắc nhiều đến loài chuột. Ở Việt Nam, có tranh Đám cưới chuột rất nổi tiếng. Trong kho tàng ca dao tục ngữ có vô số những câu về loài chuột.

 

Có nhiều tác phẩm văn chương nói về chuột và ví loài chuột như bọn quan tham đục khoét của dân. Trong lĩnh vực điện ảnh, có nhiều phim hoạt hình nói về chuột, nổi tiếng nhất là Tom và Jerry do Mỹ sản xuất, dài 164 tập. Đó là một trong những bộ phim ăn khách nhất thế giới. Hàng trăm triệu khán giả truyền hình trên thế giới đã hồi hộp cầu mong điều may mắn cho một con chuột.

 

Không chỉ ghi dấu ấn trên lĩnh vực văn hóa, loài chuột của chúng ta còn có mặt trên lĩnh vực kỹ thuật. Ngày nay, máy vi tính cùng với con chuột của nó đã phổ biến khắp thế giới. Ông chủ nhà tớ dạy con trai sử dụng máy tính với những động tác: nhấp chuột, rê chuột, bấm chuột phải, ấn chuột trái… Mỗi tối, hai cha con họ mân mê con chuột nhựa để tìm kiếm phim về thế giới động vật. Còn tớ đứng nép mình vào xó tối để quan sát các hoạt động của nhà họ, và thấy có nhiều hình ảnh của loài chuột chúng ta.

 

PHẠM NGỌC HIỀN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nồng nã bánh chưng ngày Tết
Thứ Năm, 23/01/2020 14:09 CH
Có một phiên chợ tết
Thứ Năm, 23/01/2020 14:04 CH
Mứt xồn xên của má
Thứ Năm, 23/01/2020 13:59 CH
Đi chơi tết
Thứ Năm, 23/01/2020 09:00 SA
Có một phiên chợ tết
Thứ Năm, 23/01/2020 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek