Năm nay trời dứt mưa sớm, nhưng lạnh cuối mùa thì buốt hơn mọi năm. Người lớn tuổi ai cũng mặc lớp trong lớp ngoài, mũ len, khăn quàng, đầu kín cổ. Vậy mà hôm về quê thăm má, thấy má lui cui trước sân, tưới nước, chăm sóc đám vạn thọ má trồng chuẩn bị Tết, lòng mình se lại. Má vẫn vậy, con cái góp ý hoài không nghe.
Minh họa: HƯNG DŨNG |
Má cứ bảo việc nhẹ nhàng mà, má làm cho vui, các con không phải lo. Thôi thì việc rò rau, liếp cũng được, nhưng trời lạnh vầy má cứ… Mình cầm tay má, phủi mấy vệt đất, mấy hạt nước như sương mỏng dính trên áo, đưa má vào nhà. Nói dứt mưa là dứt mưa lớn, chứ đầu tháng Chạp còn mưa bấc lây rây, mưa hoa cà, hoa bí, phơn phớt cái gió lạnh nữa, má thật là!
Vào nhà, mình chưa kịp bỏ túi xách, cái mùi thơm lựng tràn vào mũi, tràn vào ký ức. Mùi của bột nếp ủ với đường má đã trộn trên mâm dậy mùi ngậy ngậy, cả cái mùi mông mốc nữa, mình cúi xuống hít lấy hít để, mà nghe mùi Tết chạy khắp huyết quản. Má bảo, mai má sẽ dện cốm và in bánh gửi mỗi đứa một ít để cúng rằm tháng Chạp, cúng đưa ông Táo chầu trời và đặt lên bàn thờ ông bà gia tiên đến. Mình nhìn bộ khuôn dện cốm bằng gỗ và mấy cái khuôn bánh in kiểu tròn, kiểu vuông bằng đồng của nội để lại, đã ngả màu theo thời gian má giữ như gia bảo, niềm thương dâng trào. Má lúc nào cũng lo xa, chu đáo.
Còn gần tháng nữa mà mùi Tết, không gian Tết đã tràn ngập ngôi nhà chứa chan kỷ niệm của mình; ngoài sân mấy chậu hồng rực rỡ, cái mùi hăng hăng thơm thơm của đám vạn thọ nhu nhú búp, bên chái dưa leo đung đưa hoa vàng đơm nụ, mùi rau xanh cải ngò, tần ô và đàn bướm lượn quanh… Bức tranh Tết và mùi Tết đã dâng đầy từ trong nhà ra đến ngõ nhà mình rồi. Mình đưa điện thoại lên chụp chụp, quay quay mấy kiểu, chia sẻ lên mạng, bạn bè trầm trồ, khen má, chúc mình. Hạnh phúc lắm.
Cha về miền mây trắng đã ba cái Tết rồi, má có yếu đi, nhưng so với tuổi 86 Tết này, má vẫn còn cứng cáp. Má nói nhờ phước đức ông bà và có cha phù hộ. Hôm rồi, về ở lại với má, đêm nằm nghe má kể chuyện Tết ngày xưa trong ngôi nhà anh em mình sinh ra và lớn lên, cảm thấy ấm áp khó tả.
Má kể cái Tết năm Tây lên cầu Máng lúc má còn nhỏ, cho đến cái Tết năm Đại Hàn đổ bộ, rồi Tết năm Mậu Thân, có năm mới mùng 1 Tết là đã gánh gồng tản cư, rồi những cái Tết yên bình nhưng cuộc sống quá khó khăn… Những chuyện má kể mình đã thuộc lòng mà sao vẫn thích nghe, giọng của má hòa với tiếng chim kéo vải miệt mài dệt tiếng trong đêm báo mùa xuân đến, ru mình ngủ lúc nào không hay.
Lúc mình còn bé, Tết là cả sự mong chờ, háo hức. Cái lũ nhỏ bọn mình cứ nhìn hàng vạn thọ nhú bông là bấm đốt ngón tay tính từng ngày mong đến Tết. Tết được ăn ngon, được mặc quần áo mới, được đi chơi thỏa thích, không gì vui thích bằng Tết.
Bọn mình đâu biết, để có những cái Tết đầy đủ, má đã chuẩn bị từ 6 tháng trước, từ lứa heo thả nuôi bán Tết, rồi lứa gà, bầy vịt. Áo quần, mũ mới, giày dép xông xênh của các con là tiền ở đó. Còn rổ rau, quả bí, khóm dưa, trái cà má tảo tần ra chợ những ngày giáp Tết để trên quang gánh của má lúc trở về nặng trĩu ký nếp, cân đường, chục trứng, mớ gừng, bánh trái, đèn hoa, gia vị… Phải nói tất cả cái Tết đều từ sự sắp xếp, lo liệu của má.
Những ngày cận Tết, trong khi cha lo tảo mộ ông bà, quét mạng nhện, lau chùi nhà cửa, chỉnh trang bàn thờ tiên tổ thì má càng bận hơn với hàng tá việc cần sự tỉ mỉ, khéo tay; này bánh thuẫn vàng tươi hoa cúc; bánh men dậy màu dáng hình hoa bưởi; kia rim gừng nguyên củ nồng cay; mứt bí trắng tinh thanh ngọt; mứt đu đủ kiểu bông trang, kiểu hoa thược dược tươi màu…
Còn những hộp cốm to quá khổ, cha gọi vui là cốm táp - lô và bánh in, gần như là món Tết truyền thống của nhà mình, bởi không có Tết nào mà thiếu vắng cốm trên bàn thờ, bàn khách. Những năm khó khăn, đến khuya má còn mang cốm đi rang. Nằm nghe tiếng “bùm” xóm trước, xóm sau, mình tưởng tượng những hạt gạo nếp nở bung trắng nõn và hương cốm vương đầy tóc má. Có cái Tết, cốm nặng đầy đầu gánh theo người chạy tránh bom đạn.
Giờ ngồi nhớ lại, những ngày giáp Tết hồi ấy, gian bếp nhà nào nhà nấy bộn bề, trước sân những nia, giần, sàng đều trưng dụng hong khô rim mứt, ngõ quê thơm lừng mùi Tết. Má và các cô, dì hàng xóm í ới rộn ràng, còn làm thêm cái việc truyền dạy cho mấy đứa con gái mới lớn có chút “kỹ năng bánh trái” sau về nhà chồng. Ai cũng hiểu, bánh mứt ngoài việc để ăn, chưng dọn, trang trí bàn khách cho đẹp trong ba ngày Tết, còn nói lên sự khéo tay, chút nữ công gia chánh của những người phụ nữ ở quê cả đời chỉ biết sống cho chồng cho con.
Nỗi nhớ mình lại dừng lâu hơn ở những chiều 30 Tết, dù bận rộn đến đâu má cũng dành thời gian cho nồi bánh tét, bánh chưng mà khi vớt đòn bánh chưa kịp mở nuộc lạt, chưa kịp lột lá là đã thấy mùi thơm quấn quýt! Còn bọn nhỏ mình, vui khỏi phải nói khi chờ đợi những cái bánh chưng nhỏ xíu, xinh xắn do má cố tình để dư nếp, dư đậu thịt, gói tặng riêng cho mỗi đứa con; cái niềm vui tư hữu này lắm lúc cũng làm phiền má, khi mấy đứa con yêu bánh quá, ôm bánh vào lòng mà ngủ, rồi đè bẹp, sáng ra mùi bánh chưng dậy giường dậy chiếu…
Đang miên man về những kỷ niệm trước ngõ mùa xuân, mình bỗng nhớ mấy câu thơ: Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều/ Mẹ tôi lo liệu đã trăm chiều…/Xong ba ngày Tết mẹ tôi lại/ Đầu tắt mặt tối nuôi chồng con! Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Bính đã nói lên điều mình nghĩ tự khi nào. Mình giờ là người của ngày xưa rồi, nhưng mỗi lần tết đến là trong lòng khua vang một miền ký ức, trong đó có hình ảnh của má mình và cả má của các con mình nữa, lung linh, lung linh…
Mình nghĩ, cho đến ngàn sau, Tết mãi luôn là niềm vui, là hạnh phúc cho từng mái ấm, khi có bàn tay má.
CAO HỮU NHẠC