Cuối tuần qua, Chi hội Sân khấu (Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Yên) đã tổ chức 2 đêm giao lưu văn nghệ “Đưa sân khấu vào học đường” tại các trường THCS Lương Tấn Thịnh (xã Hòa Hiệp Trung), và Trần Hưng Đạo (xã Hòa Vinh) của huyện Đông Hòa.
Trích đoạn cải lương “Chuyện tình Lan và Điệp” tại đêm văn nghệ - Ảnh: H.CHƯƠNG |
Đây là một cố gắng rất đáng hoan nghênh của chi hội nhằm “hâm nóng” và giới thiệu đến học sinh, người dân một số loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc đang có nguy cơ mai một…
Tối 29/2, sân trường THCS Trần Hưng Đạo ken chật người. Không chỉ có học sinh cấp 1, cấp 2 của xã, học sinh các trường THPT Nguyễn Văn Linh, Lê Trung Kiên mà đông đảo người dân xã Hòa Vinh cùng các xã lân cận trong huyện cũng nô nức đến với đêm văn nghệ “Đưa sân khấu vào học đường”. Ban tổ chức đã chuẩn bị một chương trình biểu diễn công phu và phong phú với các thể loại vọng cổ, bài chòi, cải lương, dân ca kịch. Nếu như bài vọng cổ “Đài hoa dâng Bác” ca ngợi công ơn trời biển của người cha già dân tộc do nghệ sĩ Tuấn Hùng thể hiện rất “mùi” mà không kém phần sâu lắng được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt, thì các tiết mục bài chòi “Dáng đứng Phú Yên” (nghệ sĩ Kim Cúc), trích đoạn cải lương “Chuyện tình Lan và Điệp” (các nghệ sĩ Tuấn Hùng, Tường Viên, Phi Loan) lại thu hút sự chú ý của người xem bởi lối diễn xuất tự nhiên mà sinh động với các giọng ca ngọt ngào. Đặc biệt, vở dân ca kịch bài chòi khu 5 “Lời cầu xin muộn màng” với các chi tiết gần gũi trong đời thường qua sự tham gia biểu diễn khá tròn vai của các nghệ sĩ Bình Thảng, Vũ The, Ngọc Duy, Ngọc Quang, Ái Phi là một lời cảnh báo thiết thực đối với những ai không chấp hành tốt các quy định pháp luật về an toàn giao thông - một vấn đề rất cấp bách trong cuộc sống hiện nay. Bên cạnh đó, các tiết mục ca múa trẻ trung, sôi động rộn ràng nhịp sống học đường của học sinh hai trường Lương Tấn Thịnh và Trần Hưng Đạo được “trình làng” đã góp phần làm cho không khí đêm “tân cổ giao duyên” thêm cuốn hút…
Một điểm nhấn quan trọng của đêm văn nghệ là phần giới thiệu các kiến thức sân khấu của nghệ sĩ Phạm Ngọc Sơn, Hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt
Khi được hỏi cảm tưởng, ông Nguyễn Ba, người dân thôn Phú Hiệp, xã Hòa Hiệp Trung, vui vẻ bày tỏ: “Hôm trước đoàn về biểu diễn sát bên nhà nhưng tôi có việc bận ở Tuy An nên không về kịp. Tối nay rảnh nên rủ anh bạn đi xem. Cứ tưởng lớp già như chúng tôi mới mê ca nhạc truyền thống, ai dè bọn trẻ cũng rất quan tâm”. Còn Vân, học sinh trường THPT Lê Trung Kiên thì tâm đắc: “Xem các cô, các chú biểu diễn, rồi nghe bác Sơn nói chuyện về sân khấu truyền thống, em mới biết sự phong phú, đặc sắc của nền văn nghệ dân tộc. Học trò bọn em thích nhạc hiphop nhưng cũng đâu có quên vọng cổ, cải lương!”
Ông Đỗ Đình Tây, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Đông Hòa cho biết: Khi nghe Chi hội Sân khấu thông báo về việc tổ chức hoạt động này, chúng tôi rất vui và cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất. Còn Ban giám hiệu và các thầy cô hai trường cũng đã phối hợp rất tốt. Đây là một việc làm thiết thực góp phần đưa văn hóa về cơ sở, góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong thời kỳ quê hương, đất nước hội nhập. Theo Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu Phú Yên Lê Văn Hiếu, năm nay, đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức 6 đêm “Đưa sân khấu vào học đường” ở các địa phương trong tỉnh.
BÔNG LAU