Thứ Hai, 23/12/2024 05:15 SA
Nhà văn Văn Chinh: Đừng nói thay nhân vật!
Chủ Nhật, 12/05/2019 13:00 CH

Nhà văn Văn Chinh - Nguồn: TTVH

“Văn chương phải luôn có chỗ cho lòng nhân ái”, nhà văn Văn Chinh - tác giả Mùa sương, Góa chồng một thế kỷ, Đa cực và điểm đến… nhấn mạnh điều đó khi tôi rụt rè trao đổi với ông về văn chương. Thâm trầm và sâu sắc, nhà văn Văn Chinh chia sẻ cảm nhận của ông về những người viết trẻ và trăn trở của ông về ngôn ngữ nhân vật trong các tác phẩm văn học hiện nay.

 

Theo nhà văn Văn Chinh, các cây bút trẻ có sự tươi non, đó là điều vô cùng quan trọng trong văn chương nghệ thuật. Cứ hình dung một cô gái xinh xắn 16, 17 tuổi lần đầu tiên lên sân khấu hát, hồi hộp, căng thẳng nên hát lỗi một vài nốt nhạc hoặc quên lời và xấu hổ, đỏ bừng mặt rồi chạy đi. Văn Chinh nói việc hát gãy ấy rất chi là đáng yêu. Những người viết trẻ cũng vậy.

 

Khác với các cây bút thuộc thế hệ trước, những người viết trẻ không quan tâm đến những vấn đề rắc rối quá của cuộc sống. Nói cách khác, họ chỉ mới viết chung quanh thế giới của riêng họ, khu vực thân thuộc của họ. Các nhà văn lớn tuổi thấy đám trẻ đang rì rầm nói chuyện với nhau, chẳng biết họ nói với nhau cái gì. Đến khi nghe được những điều bọn trẻ nói, thì thấy cách nghĩ cách nói, cách yêu, cách ghét của lớp trẻ khác với thời của mình.

 

Viết chung quanh thế giới riêng của mình là cái hay nhưng cũng là nhược điểm của các cây bút trẻ. Nhà văn Văn Chinh ví von: “Trong hội trường, có diễn giả nói nhỏ nhưng vì họ nói rất hay nên cả hội trường im phăng phắc lắng nghe. Và có những người nói cũng hay nhưng trơn tuột và ở đâu cũng nói giống nhau thì người ta không nghe, bởi vì người ta quan tâm đến cái lớn, đến những vấn đề bức xúc của xã hội. Nếu anh không nói được điều đó thì người ta sẽ không biết đến anh”.

 

Khi mới đến với văn chương, nhà văn quê ở Thái Bình đọc ở đâu đấy câu rất hay về chủ đề của tác phẩm, đại ý là: Chủ đề của truyện không chạy lăng xăng trên sân bóng mà nó theo khán giả từ sân bóng về nhà. Cho nên người viết đừng “phơi” hết chủ đề mà hãy để cho độc giả suy ngẫm.

 

Trong buổi tọa đàm về truyện ngắn tại Trại sáng tác Văn học 2019, nhà văn Y Ban nói rằng lớp trẻ bây giờ có rất nhiều thuận lợi trong việc công bố tác phẩm, nhưng nhiều người viết khá là sống sít. Khi tôi nhắc lại ý kiến đó, nhà văn Văn Chinh gật đầu: “Viết sống sít thì cũng có, nhưng không phải là “điểm nổi bật” đâu. Anh chưa thấu đáo, chưa hiểu được đời đến tận cùng thì viết “sống” thôi. Nhưng làm sao có thể đòi hỏi những người trẻ phải thấu lẽ đời như người già, đúng không?”.

 

Người trẻ viết, họ chỉ quan tâm đến thế giới riêng của mình. Người đọc lớn tuổi nhận ra, à bây giờ bọn trẻ có cách nói khác. Ngôn ngữ phát triển hàng ngày. Mấy tháng trước, 200.000 đồng chỉ là 200.000 đồng, bây giờ thì nó chứa đựng ý nghĩa khác, và đã thành cách nói phổ biến. “Nghệ thuật của ngôn từ là gì? Là anh biến ngôn ngữ của anh, từ tác phẩm “bật” ra ngoài xã hội, thành ngôn ngữ của đời sống. Nhưng ngôn ngữ đó từ đâu? Từ đời sống”, nhà văn Văn Chinh nói.

 

Văn Chinh hào hứng nói về ngôn ngữ nhân vật, ngôn ngữ tác giả trong tác phẩm văn học. Còn trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Trí thì có cả ngôn ngữ của bạn đọc. Nhà văn Văn Chinh thích thú với điều ấy. Ông nói rằng ngôn ngữ nhân vật, ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ bạn đọc đan xen nhau; người viết làm thế nào để không sống sượng; người đọc đọc lên, vẫn hiểu đây là nhân vật nói, kia là bạn đọc hỏi…

 

Theo Văn Chinh, điều cần nói nhất chính là ngôn ngữ của nhân vật. “Phần lớn nhà văn hiện nay mắc cái lỗi là nói thay nhân vật; nhân vật trở thành “mặt nạ”, là phát ngôn viên cho tư tưởng của nhà văn. Điều đó rất sống sượng. Ngôn ngữ nó không “chín”, không nuột nà vì đó là ngôn ngữ của nhà văn, mà nhân vật trở thành người nhắc vở sau cánh gà sân khấu. 95% nhà văn Việt Nam hiện nay viết thoại theo kiểu ấy”, nhà văn Văn Chinh trăn trở

 

Nhà văn Văn Chinh sinh năm 1948, là học viên khóa 2 Trường Viết văn Nguyễn Du. Ông có các tập truyện: Đá mưa, Dòng sông mùa lũ qua; các tiểu thuyết: Lần đối thoại thứ hai, Mùa sương. Góa chồng một thế kỷ, Hoa hồng cát; các tiểu luận phê bình: Mùa màng văn học mấy năm qua, Đa cực và điểm đến… Năm 2012, cuốn Đa cực và điểm đến đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam dành cho sách lý luận phê bình.

 

Nhà văn Văn Chinh là thành viên Hội đồng Văn xuôi, Thư ký tòa soạn tạp chí Nhà văn và Tác phẩm (Hội Nhà văn Việt Nam).

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek