Đồng thời với việc sớm khôi phục miếu cổ Lang Liêu ở Đất Tổ, các địa phương trên cả nước cũng nên xây dựng đền thờ ông, nhất là trong tình hình đạo đức xuống cấp như hiện nay, nhằm giáo dục tinh thần đạo nghĩa và ý thức trách nhiệm cho thế hệ trẻ…
1. Tôi nhớ cách đây hơn mười năm, trên mạng xuất hiện một đoạn phim ghi lại hình ảnh một ông con trai lực lưỡng tung những nắm đấm trời giáng vào người mẹ già tóp teo chống gậy tre ngã dúi dụi. Gần một năm sau đó, lại xuất hiện thông tin về những người con thành đạt là kỹ sư, luật sư, tiến sĩ đánh đuổi bà mẹ nghèo góa bụa từng mua gánh bán bưng nuôi họ ăn học ra khỏi ngôi nhà chính mình.
“Ôi những tiến sĩ, kỹ sư, luật sư học vấn tới chân răng
bước ra từ gánh thóc mồ côi lướt giông đội bão
bước ra từ gánh bánh rán tảo tần còng mình bụi khói
bước ra từ người mẹ nghèo quắt queo mù chữ động kinh
có khi nào trong giấc mơ các ngươi rùng mình nghe con khẽ hỏi:
bao giờ con lớn giống mẹ giống cha?”
Những hình ảnh phản cảm trên gây phẫn nộ dư luận một thời, tưởng là bài học đạo lý đau đớn không thể lặp lại trong mỗi gia đình và cho cả xã hội. Thế nhưng gần đây, những tin tức đau buồn tương tự lại xuất hiện ngày càng nhiều. Con cái trốn học ăn chơi trác táng, gây tai nạn, thua cờ bạc, cá độ bóng đá bị xiết nợ nhà cửa, cha mẹ phải ra đường. Bất hiếu hơn, có những người con còn đánh đập, xua đuổi, chém chết cha mẹ. Vì sao vậy? Nhiều chuyên gia tâm lý, giáo dục, đạo đức đã đăng đàn lý giải nhưng chẳng mấy thuyết phục về hiện tượng đáng buồn này. Trái tim Lang Liêu đã không còn đập trong lồng ngực những người con quên mất đạo nghĩa!
2. Thuở còn thơ mỗi tối khi ngọn đèn dầu được thắp lên dưới mái nhà tranh, chúng tôi thường được nghe người lớn đọc truyện thơ nôm, kể chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa trong đó có chuyện bánh chưng bánh dầy. Lớn lên đi học, chúng tôi tiếp tục được đọc và nghe thầy cô giáo giảng giải sâu hơn về tấm lòng hiếu nghĩa của hoàng tử Lang Liêu. Cũng vì vậy mà sau này mỗi lần về đất Tổ dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng, bao giờ trong tâm tưởng tôi cũng nhớ về Lang Liêu - Hùng Chiêu Vương.
Bánh chưng bánh dầy - Ảnh: PHAN HOÀNG |
Từ truyền thuyết và Ngọc phả Hùng Vương cho biết, Lang Liêu là con thứ của Vua Hùng thứ 6 Hùng Huy Vương, sống tại làng Dữu Lâu của kinh đô Phong Châu xưa, nay là phường Dữu Lâu, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Vị hoàng tử này thông minh, hiếu thuận, siêng năng làm lụng ruộng nương, sống gần gũi hòa đồng với nhân dân.
Khi tuổi đã cao, nhân dịp lễ mừng thọ của mình, Hùng Huy Vương muốn chọn người kế vị ngôi báu nên ra lệnh cho tất cả các hoàng tử mỗi người dâng lên một mâm cỗ để làm lễ vật tuyển chọn. Các hoàng tử đua nhau lên rừng xuống biển tìm kiếm những sản vật ngon lạ quý hiếm. Là hoàng tử nghèo nhất, không có điều kiện đi xa, với bản tính hiếu nghĩa, Lang Liêu chọn gạo nếp thơm, đậu xanh, thịt lợn và lá dong do mình cấy trồng đem giã gói làm bánh. Bánh chưng hình vuông, bánh dầy hình tròn tượng trưng cho “trời tròn đất vuông” theo quan niệm của con người thời bấy giờ và triết lý “âm dương ngũ hành”.
Mặc dù không cao lương mỹ vị như mâm cỗ lễ vật của các vị hoàng tử khác, nhưng bánh của hoàng tử Lang Liêu lại được vua cha chọn vì “bánh thì ngon, ý thì hay, tâm đức thì trong sáng”. Và trên hết là tấm lòng hiếu thảo của người con đối với cha và sự gắn bó, nâng niu sản vật gần gũi từ lao động lương thiện chính mình. Đức hiếu sinh cùng sự tích bánh chưng, bánh dầy của Lang Liêu từ ấy được truyền tụng từ đời này sang đời khác, trở thành một nét văn hóa truyền thống sinh động trong đời sống tinh thần lẫn vật chất người Việt. Tục gói bánh chưng ngày Tết được trao truyền và các hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dầy được tổ chức vào dịp giỗ Tổ ở đền Hùng đã lan tỏa nhiều nơi thành sinh hoạt có ý nghĩa.
Hoàng tử Lang Liêu sau khi được vua cha Hùng Huy Vương truyền ngôi, trở thành vị Vua Hùng thứ 7, đế hiệu Hùng Chiêu Vương. Đức độ và anh minh, chăm lo chính sự, lấy nhân nghĩa làm gốc trị vì thiên hạ nên nhà vua được trăm họ hết lòng thần phục, yêu quý. Hùng Chiêu Vương cũng thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh cúng tế trời đất, dâng hương tổ tiên, cầu xin mưa thuận gió hòa cho mùa màng tươi tốt, nhân dân ấm no, đất nước thịnh vượng. Nhà vua còn cùng vợ là bà Lăng Thị Tiêu lãnh đạo, chỉ huy quân dân Văn Lang đánh thắng đội quân xâm lược nhà Ân từ phương Bắc giữ yên bờ cõi.
3. Sau khi Lang Liêu - Hùng Chiêu Vương băng hà, nhân dân làng Dữu Lâu mà ông gắn bó đã dựng miếu thờ ghi nhớ công đức, gọi là “Dữu Lâu Vũ Miếu”. Ban đầu miếu làm hoang sơ, tường đất, mái lá cọ, cho tới thập niên 1800 dưới thời nhà Nguyễn mới xây miếu lại bề thế hơn gồm 3 gian, tường gạch, mái ngói âm dương, bên trong có tầng gác gỗ đặt ban thờ, long ngai, bài vị và các đồ tế khí…
Mới đây, trong không khí mùa xuân về thăm Đất Tổ, chúng tôi dự định tìm đến làng Dữu Lâu xưa dâng hương miếu Lang Liêu, nhưng một bạn văn người Việt Trì cho biết ngôi miếu này không còn. Từ đầu thập niên 1960, do có chủ trương xây dựng Trường cấp I - II Dữu Lâu nên chính quyền địa phương cho tháo dỡ miếu cổ và san bằng khu vực. Vật liệu từ ngôi miếu cổ đem xây dựng nhà kho chứa lúa hợp tác xã. Bài vị Lang Liêu được nhân dân rước về thờ chung với Tản Viên Sơn Thánh và Cao Sơn Quý Minh tại đình làng Dữu Lâu.
Cùng với đất nước, kinh đô Phong Châu xưa đã có nhiều đổi mới trong mấy mươi năm qua. Người dân Đất Tổ luôn mong muốn chính quyền khôi phục lại ngôi miếu Lang Liêu - Hùng Chiêu Vương trên vị trí cũ ở Dữu Lâu để có nơi thờ tự một vị vua có công với nước, một hoàng tử sống gần dân, một người con hiếu thảo, một tấm gương sáng cho hậu thế. Đó có lẽ cũng là nguyện vọng của nhân dân cả nước hướng về cội nguồn và giáo dục con cái về đạo nghĩa của Lang Liêu.
Anh bạn nhà văn cho biết cuối năm 2018, tại TP Việt Trì đã diễn ra “Hội thảo: Cơ sở khoa học và thực tiễn để khôi phục đền thờ Lang Liêu - Hùng Chiêu Vương” do Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam phối hợp với tỉnh Phú Thọ tổ chức. Hội thảo khẳng định sự cần thiết khôi phục đền thờ Lang Liêu tại làng Dữu Lâu xưa, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân, bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, khai thác giá trị đời sống tâm linh phục vụ phát triển kinh tế du lịch. Chắc chắn đền thờ Lang Liêu sẽ là một trong những điểm đến thu hút của Đất Tổ trong hệ thống các di tích gắn với tín ngưỡng thời đại Hùng Vương.
Đó là một tin vui. Thời gian qua nhiều nơi xây chùa to tượng phật lớn kỷ lục, trong khi những nhân vật có công với nước gần gũi với đời sống tinh thần người Việt lại ít được quan tâm tôn thờ. Đồng thời với việc sớm khôi phục miếu Lang Liêu ở Đất Tổ, tôi nghĩ các địa phương trên cả nước cũng nên xây dựng đền thờ ông. Đền thờ Lang Liêu không chỉ là điểm văn hóa tâm linh mà cần trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng thường xuyên nhằm giáo dục tinh thần đạo nghĩa và ý thức trách nhiệm làm con làm người của thế hệ trẻ thông qua một hình tượng nhân văn độc đáo trong cội nguồn dân tộc.
PHAN HOÀNG