Thứ Ba, 08/10/2024 03:28 SA
Góc nhìn đa chiều về truyện ngắn
Chủ Nhật, 07/04/2019 13:00 CH

Nhà văn Nguyễn Trí phát biểu trong buổi tọa đàm - Ảnh: YÊN LAN

Trại sáng tác Văn học 2019 đang được tạp chí Nhà văn và Tác phẩm phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên tổ chức tại Khu du lịch Sao Việt (TP Tuy Hòa). Các nhà văn đến từ 11 tỉnh, thành phố trong nước vừa có buổi tọa đàm sôi nổi và thú vị về truyện ngắn, với sự tham dự của nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Nhà văn và Tác phẩm và nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

 

Những quan niệm về truyện ngắn hay, các yếu tố làm nên truyện ngắn hay… đã được các cây bút nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam chia sẻ, thảo luận sôi nổi trong buổi tọa đàm này. Nhà văn Y Ban chia sẻ kỷ niệm không bao giờ quên trong buổi đầu đến với văn chương và gửi gắm đứa con tinh thần của mình cho tạp chí Văn nghệ Quân đội, hồi hộp chờ đợi và vỡ òa hạnh phúc khi tác phẩm được đón nhận (trước đó tác phẩm của chị bị nơi khác từ chối “Viết như tát vào mặt thế này à? Làm sao mà đăng được”). Nhà văn Y Ban nói rằng những ai theo văn chương thì đã thường trực chất nhà văn trong người, cho dù có thể họ không biết về thể loại nhưng bằng bản năng họ cứ viết ra. Chị cũng đã viết như vậy, bằng bản năng của một người cầm bút. Biên tập viên có vai trò rất quan trọng, họ “đọc được” tác phẩm và phát hiện ra tác giả. Từ thực tế của mình, nhà văn Y Ban cho rằng để có một truyện ngắn hay thì cần có sự “bắt gặp” giữa biên tập viên và nhà văn, chứ không chỉ có nhà văn, nghĩa là khi tư tưởng của nhà văn “gặp được” biên tập viên, “gặp được” tổng biên tập. Theo Y Ban, điều này là rất khó khăn.

 

Đồng quan điểm với tác giả Người đàn bà có ma lực, Bức thư gởi mẹ Âu Cơ, I am đàn bà…, nhà văn Nguyễn Trí nói rằng một nhà văn muốn thành công thì phải có biên tập viên. Ông kể về truyện ngắn đầu tiên của mình Nín lặng khóc được in trên báo Tuổi trẻ Cuối tuần. Truyện này trước đó ông đã gửi đến nhiều báo nhưng không nhận được một phản hồi nào. Tình cờ ông biết được email của nhà văn Hồ Anh Thái và nghe một vài người nói rằng ông ấy là người “đỡ đầu” khi Mạc Can bỡ ngỡ đến với văn chương… Nguyễn Trí bèn gửi tác phẩm của mình cho Hồ Anh Thái, gửi buổi sáng thì buổi chiều nhận được hồi âm, cho biết truyện này sẽ được gửi đến báo Đại biểu Nhân dân. Hôm sau Nguyễn Trí lại nhận được thư, trong đó nhà văn Hồ Anh Thái thông báo ông đã chuyển truyện cho biên tập viên Thúy Nga ở Tuổi trẻ Cuối tuần. Nguyễn Trí mừng vô cùng và thắc thỏm chờ đợi. Khi đó ông có một chiếc xe máy cũ, càng lên ga càng… chạy chậm. “Tôi đã chạy xe suốt mấy tiếng đồng hồ trên đường để cho niềm vui lắng xuống và suốt một tuần tôi chờ đợi truyện của mình được in. Khi nó được in trên báo Tuổi trẻ Cuối tuần, tôi đã mua 15 số để đi khoe với bạn bè rằng tao có truyện in rồi. Về sau Hồ Anh Thái bảo thế này: Nguyễn Trí gửi truyện cho tôi vào trong cái ô viết thư của email, khi chuyển từ ô viết thư đó qua bản word thì chữ nó hỗn loạn hết! Rất may là truyện của Nguyễn Trí có “chất”, bằng không thì sẽ không có ai quan tâm tới anh ta. Tôi rất cảm ơn Hồ Anh Thái, nếu không có ông ấy thì tôi mãi mãi chìm trong bóng tối chứ không thể bước ra để ngồi đây nói chuyện được với các anh chị. Tôi đồng cảm với Y Ban là nhà văn phải có biên tập viên thì mới tồn tại được. Và biên tập viên phải có tâm”, nhà văn Nguyễn Trí nói. Và theo ông, truyện ngắn phải có địa điểm, sự kiện, thời gian, không gian, tính triết lý và phải có dư âm, phải đọng lại điều gì đó trong lòng người đọc.

 

Khác với tác giả Bãi vàng, đá quý, trầm hương đề cao cốt truyện, nhà văn Ngô Khắc Tài có quan niệm khác. Theo ông, đặc tính của truyện ngắn ngày nay là hình ảnh này tiếp nối hình ảnh khác. Truyện ngắn hiện đại là truyện ngắn của “con mắt và lỗ tai”.

 

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ - tác giả Quyên, Vàng xưa…, cho rằng một tác phẩm văn học hay là phải “đến được” và “sống được” với nhiều bạn đọc ở hiện tại cũng như tương lai. “Nếu không có điều ấy thì hay là sự vô ích. Một truyện ngắn hay có thể là một câu chuyện xảy ra trong thực tế được những bàn tay giỏi sử dụng ngôn ngữ của một sắc tộc nào đó tạo thành sự ám ảnh, nhưng phải gây được suy nghĩ cho người đọc. Còn nếu như chúng ta chỉ kể một câu chuyện hay đã xảy ra trong thực tế thì cũng y như… anh thợ ảnh. Văn học, bên cạnh vẻ đẹp còn phải có sự đánh thức”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói.  

 

Nhà văn Văn Chinh nói rằng cốt truyện, phương pháp thể hiện thì mỗi người một kiểu; văn chương là nghệ thuật ngôn từ. Nếu bạn không có “giọng điệu” thì sẽ bị lẫn vào số đông. Nhà văn Lê Hoài Lương cho rằng nhà văn cần bộc lộ thái độ với cuộc sống. “Khi viết truyện, điều tôi lo nghĩ nhất là tôi viết nó như thế nào. Tự tôi phải thay đổi, phải khác với chính mình”, nhà văn Lê Hoài Lương nói. Điều mà nhà văn này luôn trăn trở là phải viết khác với chính mình từng viết. Nhà văn Đức Ban, Nguyễn Tham Thiện Kế… cũng có những ý kiến thú vị về truyện ngắn hay.

 

Diễn ra trong một buổi, song tọa đàm về truyện ngắn thật sự hữu ích, đặc biệt là đối với các cây bút trẻ. Bên cạnh những ý kiến bàn luận về truyện ngắn hay, các nhà văn cũng tranh luận sôi nổi về điều gì giúp truyện ngắn “sống được”, truyện ngắn của các nhà văn Việt Nam có thua kém tác phẩm của đồng nghiệp ở các nước trên thế giới… Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, tốt nhất là cứ lao vào viết, và làm sao “thôi miên” được người đọc là thành công. Có những truyện chỉ hai trang nhưng người đọc cũng cảm thấy dài, vì đọc rất chán. Vì vậy, vấn đề không phải là viết dài hay ngắn mà làm sao “thôi miên” được người đọc.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek