Thứ Ba, 08/10/2024 03:27 SA
Mẹ và ba – truyện ngắn của BÍCH NHÀN
Chủ Nhật, 31/03/2019 13:00 CH

Minh họa: Internet

Ông ngoại mất lúc mẹ tôi còn nằm trong bụng. Chưa no ngày ấm tháng, bà ngoại đành đoạn bỏ con tái giá, mẹ tôi được bà cố góa bụa già nua đem về cưu mang.

 

Nứt mắt đã lang bạt kiếm ăn. Mười chín tuổi lấy một chàng trai cũng cảnh mồ côi, không tấc đất cắm dùi. Vợ chồng côi cút, phần lo trốn bom đạn, phần lăn lộn đồng ngoài đồng trong, phần mỗi năm sinh một mụn con dù hình dung được cảnh nhà nghèo con đông. Vậy là chị em tôi tuổi nào việc nấy, đứa lớn chăm đứa nhỏ, mẹ làm thợ đụng, gì cũng làm miễn được trả công.

 

Tôi không thể nào quên cái giọng to vang của bà Chín Lớn, hồi tôi còn nhỏ xíu, mỗi lần đi làm với mẹ, hễ gặp bà thì đằng nào cũng chắp hít khen: “Ta nói gỗ này là gỗ lim, không mối mọt nào ăn được. Trời ơi, nhường bớt cho thiên hạ chớ giỏi chi mà giỏi dữ, làm lở núi lở non”.

 

Vâng. Mẹ tôi giỏi lắm, làm bất kể ngày đêm, mưa nắng. Tin không, chín đứa con, có chửa cũng làm, làm tới chừng đau bụng thì về nhà sinh - riêng tôi đẻ rớt ngoài bờ ruộng nên có tên cúng cơm là Rớt. Một điều giỏi nữa là chín đứa con nhưng mỗi lần sinh con, mẹ nằm cữ hai tháng rồi lăn ra đồng liền chứ không có ai nuôi nấng chăm nom gì. Mẹ bảo tự nấu tự giặt, ba tôi chỉ vào buồng cưng con rồi ra chứ không thể phụ mẹ được một chuyện nhỏ nào. Nếu hôm mẹ mệt thì đằng nào ba cũng cho ăn cơm sống, canh lạt, còn thảm hơn bị bỏ đói.

 

Mẹ có thể làm tất tật công việc của một nhà nông như cày bừa, gieo sạ, bón phân, cấy dặm, nhổ cỏ… Những việc nặng tưởng chỉ dành cho đàn ông như vào rừng kiếm củi đốt than, cộ cây làm nhà, dựng lều, đánh tranh lợp nhà…, mẹ làm được hết, làm giỏi là đằng khác. Nhưng không phải gặp việc mới làm, mẹ tìm việc để làm. Hết việc to tới việc nhỏ, chân ngoài đồng tay trong nhà, mẹ làm như thể ngày mai sẽ chẳng còn việc để làm, chủ trương của mẹ là làm ráng hơn ăn ráng.

 

À, nói tới chuyện ăn mới nhớ. Bữa ăn của mẹ thương lắm. Chuyện làm tôi nhớ hơn cả là bữa ăn có tới hai nồi cơm. Cơm mẹ đẹp, bé muốn ăn!... Em Út cứ khóc, đòi ăn cùng mẹ. Ăn một miếng, bé càng khóc to hơn vì cợm, khó nhai. Cơm của mẹ độn bắp, sắn đương nhiên đẹp vì đủ màu nhưng không ngon rồi. Các con ăn cơm trắng với rau muống luộc, mẹ cũng món rau luộc nhưng là lưỡi long (một dạng xương rồng mọc ngoài hàng rào, giống bàn chải nhưng không có gai). Tới bây giờ, anh tôi vẫn cứ nhớ kỷ niệm về trái chuối chát. Anh kể, hồi đó, tới bữa cơm, mẹ hay cầm trái chuối chát chấm mắm đục, ăn một miếng cơm, cắn một miếng chuối trong khi mấy anh em thì ăn cơm cá. Anh hỏi mẹ, sao không ăn cá? Mẹ bảo, ăn chuối chát chấm mắm ngon hơn. Anh chạy lại, giật trên tay mẹ, cắn một miếng, ôi, nó đắng chát, nhả ra không kịp.

 

Còn ba, ba tôi điển trai, tướng tá thư sinh và nổi tiếng hiền lành. Hiền quá mức cho phép - lời phán của bà Chín Lớn. Tôi lớn lên, chưa bao giờ chứng kiến cảnh ba mẹ hục hặc hay bùng nổ tới mức đánh đấm. Chén bát trong rá còn khua nhưng nhà tôi không có chuyện ba mẹ quát tháo to tiếng (như những cặp vợ chồng khác). Đương nhiên cũng có mâu thuẫn nhưng chỉ trong nhà biết. Không phải gia đình mẫu hệ nhưng mọi chuyện mẹ quyết hết. Ba tôi không quyết đoán lại chẳng lý trí, làm gì cũng theo phương châm “nhỡ xảy ra sự gì” nên hay bàn trớt, nhưng được tính hiền nên muốn làm gì mà mẹ không đồng ý là nín khe.

 

Từ hồi còn nhỏ xíu tôi đã mặc định trong đầu mẹ hung dữ, ăn hiếp chồng và thần tượng sự hiền lành của ba. Tôi còn mơ lớn lên sẽ lấy một người như ba làm chồng cho lành. Lành lắm. Chuyện tầm phào “to còi” tranh hơn nhưng đụng tới quyền lợi thì sẵn sàng nhận thiệt. Cái kiểu người ta mượn một triệu trả năm trăm không có lý do vẫn nhận rồi nói, thôi kệ, người ta không trả mình làm gì được. Không phải một đôi lần mà chính xác là luôn luôn như thế. Tôi nghĩ hiền nhưng người ta bảo đàn ông như vậy là nhút nhát, bạc nhược, sợ va chạm - tôi vẫn tin mình đúng.

 

Đó là ngoài xã hội, còn về nhà mọi chuyện đã có mẹ nên ba chỉ biết tới bữa thì ăn, tới giờ thì ngủ. Mẹ đi làm bán sống bán chết nhưng bóp miệng bóp bụng vẫn thiếu. Vậy mà ba không để ý chuyện tiền nong cơm áo, lúc nào cũng bảo có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít, thời giờ có ai chết đói đâu mà sợ.

 

Mẹ kể chuyện thời còn làm ăn hợp tác xã, đi đạp lúa đêm cho hợp tác, lén hốt mấy bụm lúa bỏ dưới đáy thúng, phủ ít rơm đội về. Có nhiêu vậy mà ba rằn rực, càu nhàu mắng mỏ suốt đêm. Mẹ bị tội làm ăn không thiệt, lấy trộm của công. Không phải một đêm mà những đêm sau, ba cứ lườm lườm dặn, cấm đụng vô đồ hợp tác xã. Hành xử quang minh, một hột lúa cũng không dám lấy, đó là ưu điểm nhưng mẹ khổ vì tính hiền lành minh bạch đó. Ba cứ tàng tàng, “sáng cắp ô đi tối cắp về”, được không mừng, mất không lo. Giải tán hợp tác xã về làm nông. Nông dân nhưng ba ra đồng nắng lưng thì về, mặc kệ mẹ một mình giữa đồng ăn cơm mắm. Đến nỗi, mẹ mót lúa trắng đêm giữa sân kho ba vẫn say sưa ngủ. Mẹ chảy nước mắt kể, làm tới mức đổ bệnh nhưng nếu ba đi đâu về thấy nhà cửa không gọn gàng, cơm nước chưa lên khuôn sẽ to họng hét: Bệnh gì bệnh miết, rồi lấy ai lo chuyện nhà? Đó là nỗi khổ của người đàn bà vớ phải ông chồng vô duyên với chuyện chợ búa cơm nước. Nghe qua chẳng có gì nghiêm trọng nhưng đó thực sự là vấn đề. Đời nó vậy, có những chuyện nhỏ nhặt cứ tưởng không biết cũng chẳng sao nhưng đụng vào mới thấy khó. Mẹ nằm một chỗ, tôi - cô bé tám tuổi phải qua bác Bốn hàng xóm nhờ nấu cơm giùm. Còn nếu mẹ đi vắng một ngày thì ngày đó ba sẵn sàng nhịn đói nên đi đâu mẹ cũng lo cơm nước đầy đủ cho ba mới ra khỏi nhà, đi nhanh về nhanh, cứ phải quáng quàng vì nỗi lo chồng bị bỏ đói.

 

* * *

 

Một bầy con về già thành vợ chồng son.

 

So với mẹ thì ba có tuổi già phong lưu. Già nhưng mắt tỏ nên thích coi ti vi, đọc báo. Ngày nào cũng tuần hoàn sáng chiều đi bộ, sẩm tối tới nhà bạn già nói tào lao, chưa kể chủ nhật còn hẹn hò với mấy bạn già kêu loa kẹo kéo về hát. Mẹ bảy mươi, đến lò bánh tráng mua sỉ rồi vô Vạn Giã bán. Mùa mưa không đi buôn được thì tranh thủ làm thêm. Cô Lâm xóm trên chồng mới chết, các con ở xa không dám ngủ, tối tối mẹ đạp xe đi ngủ mướn. Mỗi đêm kiếm được mười ngàn.

 

Lần trước về thăm ba mẹ, từ ngoài ngõ đã nghe những tiếng chì chiết đinh tai: Cái thứ tui trời nuôi chứ chồng con không ai ngó ngàng, tanh tách tanh tách làm, bảy mươi tuổi chưa có một buổi ngồi nhà coi ti vi, hôm qua ông không thấy tui bệnh bỏ cơm hả? Vợ chồng mà bệnh đau chẳng nhờ được chuyện nhỏ nhặt nào, phải trẻ được mười năm tui làm đơn ly dị cho rồi, ông cứ trớt trớ kiểu này trước sau tui cũng bỏ nhà… Tui chịu hết nổi rồi!

 

Bước vào nhà, tôi thấy ba vẫn nhìn ti vi. Ba tôi là vậy, hiền lành nhưng cái tội lười biếng, vô tâm làm mẹ một đời cực khổ lại trở thành “trọng tội”. Mẹ chì chiết, ba vẫn ngồi im, lúc giận quá thì nói: Tui như vậy hồi giờ chứ mới hôm qua đâu, sao mà giờ đem ra mắng? Tôi can: Thôi mẹ, tính ba vậy xưa giờ, mình yêu mình chịu, duyên nợ trói buộc chín đứa con, giờ già cả lại nói chuyện ly dị nghe nó… Mẹ cắt lời hét: Yêu đương gì, tao mồ côi mồ cút, gặp ổng mô côi mồ cút rồi ráp nhau mà sống. Tao nghĩ lấy chồng có chỗ đỡ đần chứ tao mà biết lấy chồng mà thân chết thân sống vầy thì…

 

Chị em tôi họp bàn chuyện mẹ bảy hai, ba tám mươi mà đòi ly dị. Mấy anh chị nói mẹ chịu hết nổi mới vậy, dồn nén một đời, nếu được thì cứ để mẹ đi Sài Gòn theo mong muốn, chắc tình hình sẽ đỡ căng.

 

Bàn bạc xong các con ai về nhà nấy. Được hai ngày sau, mẹ chưa kịp đi Sài Gòn thì có tin mẹ nhập viện.

 

Mẹ gan thép vậy mà nhập viện thì chắc là bất khả kháng rồi. Tôi sấp ngửa chạy ào vô viện. Mẹ tôi nằm đó, còm cõi, võ vàng. Căn bệnh xuất huyết đường ruột đã làm cơ thể người đàn bà lực điền suy sụp thê thảm.

 

Trên giường bệnh, mắt mẹ cứ lơ mơ rồi nhắm nghiền, người hầm hập sốt. Lúc tỉnh táo nhất, cầm tay tôi mẹ dặn: Ba bây hậu đậu lòng thòng, ở một mình sẽ đói khát, mẹ chết nhắm mắt không đành. Tụi bây không cần khóc lóc, ma chay tuần tự cho mẹ, mẹ xuôi tay… thì đem… ba về… chăm. Càng nói càng yếu, nói xong rồi thở mạnh, rồi về trời, trên mi mắt vẫn còn dấu nước mắt.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek