Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2019 vừa diễn ra tại thành phố cảng Hải Phòng, tưởng nhớ công lao to lớn của Nữ tướng Lê Chân - người đã cùng Hai Bà Trưng chống lại sự xâm lược của nhà Đông Hán. Bà cũng là người có công khai hoang lập nên trang ấp An Biên xưa, TP Hải Phòng ngày nay.
Năm 40, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa. Trong các nữ tướng tham gia chỉ huy cuộc khởi nghĩa này, bà Lê Chân là vị nữ tướng xuất sắc; công lao, chiến tích của bà lưu dấu ấn sâu đậm ở nhiều địa phương. Theo thần tích, truyền thuyết và các tư liệu khác về bà Lê Chân, bà căm hận quân cướp nước đã hãm hại cha mẹ mình nên tìm thầy học binh thư, võ nghệ, kết giao với những người cùng chí hướng.
Khi võ nghệ đã tinh thông, bà cùng bạn bè tâm phúc sang đất An Dương (Hải Phòng), lúc ấy là một vùng đất bãi phù sa mới bồi. Bà chiêu dân tứ xứ khai khẩn đất hoang, lập nên xóm ấp, chiêu tập binh mã, sắm sanh vũ khí, tích trữ lương thảo, sẵn sàng khởi nghĩa.
Nghe tin ở xứ Đoài, Hai Bà Trưng cũng đang mưu nghiệp lớn, bà Lê Chân chẳng ngại đường sá cách trở tìm đến đất Mê Linh. Bà Trưng Trắc phong bà Lê Chân làm tướng, được cùng bàn luận kế sách khởi nghĩa rồi phái bà trở lại quê nhà, chiêu tập thêm binh sĩ, chuẩn bị sẵn lương thảo, chờ thời cơ hành động…
Với khí thế tiến công như vũ bão, chỉ trong 2 tháng, nghĩa quân đã chiếm được 65 thành trì, đập tan ách thống trị của nhà Đông Hán. Đất nước sạch bóng quân thù, bà Trưng Trắc được tướng sĩ, nghĩa quân tôn làm vua (Trưng Vương). Trưng Vương xét công lao ban thưởng tướng sĩ. Lê Chân khi ấy 24 tuổi, được phong là Thánh Chân công chúa, ban chức Chưởng quản binh quyền coi giữ vùng hải tần (duyên hải Đông Bắc). Nữ tướng Lê Chân đem quân trở về vùng đất An Dương khi trước, mở thêm trại, ấp và lập ra trang An Biên (lấy tên quê gốc). Bà dùng nhân công khai khẩn đất hoang dọc ven sông Tam Bạc thành đồng ruộng cấy lúa, trồng dâu xanh tốt.
Chỉ trong thời gian ngắn, trang An Biên dân cư đã đông đúc, kinh tế phát triển, nhiều người giàu có. Bà Lê Chân thường xuyên cho luyện tập trận thế, mở những lớp đấu vật, đài thi võ để nâng cao sức khỏe, khả năng chiến đấu của binh sĩ, dân chúng... Bà đã để lại cho hậu thế muôn đời tấm gương chói lọi vì nước, vì dân.
Năm nay, lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân diễn ra trong 3 ngày với nhiều hoạt động đặc sắc. Sau các nghi lễ dâng hương, cáo yết, lễ rước, lễ tạ được thực hiện theo nghi thức truyền thống, các hoạt động văn hóa nghệ thuật cũng thu hút đông đảo người dân và du khách, trong đó có chương trình chợ quê, diễn xướng chầu văn…
Tại khu vực sân Trung tâm Triển lãm mỹ thuật TP Hải Phòng, trong tiếng trống rộn ràng, chương trình cờ người được diễn ra trong không gian mở, tính cộng đồng cao. Cùng với chương trình cờ người, không gian văn hóa của lễ hội truyền thống này còn nhiều trò chơi dân gian thú vị, như: kéo co, rồng rắn lên mây, nhảy dây, bịt mắt bắt vịt, đánh chuyền… Trong khuôn khổ lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2019, võ đường Đặng Đình Hòa biểu diễn võ thuật - lân sư rồng tại sân Trung tâm Triển lãm mỹ thuật thành phố.
Chương trình văn nghệ “Duyên dáng Lê Chân” do Liên đoàn Lao động quận Lê Chân tổ chức diễn ra tại quảng trường tượng đài Nữ tướng Lê Chân, thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo nhân dân và du khách. Trong những chiếc áo dài nhiều kiểu dáng, màu sắc, được thiết kế công phu, sáng tạo, 45 nữ cán bộ, công nhân viên chức đến từ 21 đơn vị trường học, phường trên địa bàn quận Lê Chân thể hiện sự dịu dàng, duyên dáng, đằm thắm của phụ nữ Việt Nam nhưng cũng không kém phần năng động, hiện đại. Sau phần trình diễn áo dài là chương trình ca múa nhạc đặc sắc với chủ đề “Vũ khúc xuân”, ca ngợi quê hương đất nước, vẻ đẹp của mùa xuân, tình yêu đôi lứa… Chương trình nhằm tôn vinh vẻ đẹp và tài năng của phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ quận Lê Chân nói riêng, góp thêm màu sắc vào lễ hội truyền thống đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2016.
NGỌC LAN (tổng hợp)