“Nếu phóng sự của anh Huỳnh Dũng Nhân là sự dấn thân thì thơ chính là sự giải tỏa. Chất phóng sự lúc ẩn lúc hiện trong thơ Huỳnh Dũng Nhân”, nhà thơ - nhà báo Phan Hoàng cảm nhận về tác phẩm của đàn anh, trong buổi giao lưu ấm áp tình cảm tại Tuy Hòa.
Lên núi Nhạn nghe thơ dưới ánh trăng xuân, những người yêu thi ca ở xứ “hoa vàng cỏ xanh” nhận ra một vị khách lần đầu tiên tham dự “tiệc thơ” Nguyên tiêu. Đó là người đàn ông nhỏ nhắn, nói giọng Bắc, đọc bài thơ Nàng tiên cá trên gành Đá Đĩa. Ông chính là nhà báo - nhà thơ Huỳnh Dũng Nhân, một cây bút phóng sự nổi tiếng.
Tham dự buổi giao lưu ấm áp tình cảm tại Trung tâm Hội nghị - Tiệc cưới Pytopia (TP Tuy Hòa) sau đó, một số văn nghệ sĩ, nhà báo, sinh viên đã hiểu thêm về những hành trình “Đi, yêu và viết” của một cây bút lừng lẫy, người tự nhận “Tôi tham cả cuộc đời”. Cũng bởi “tham” nên sau khi rời nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh, Tổng Biên tập tạp chí Nghề báo để nghỉ hưu theo chế độ, Huỳnh Dũng Nhân vẫn mê mải viết. Tết rồi, ông viết đến 25 bài cho các báo. Đây là con số mà những cây bút trẻ cũng phải giật mình.
“Vào đầu thập niên 90, khi tôi bước vào làng báo thì anh Huỳnh Dũng Nhân đã nổi tiếng. Anh có những phóng sự được rất nhiều bạn đọc yêu thích trên báo Lao động - tờ báo được nhiều tầng lớp bạn đọc, đặc biệt là trí thức, tìm đọc. Tôi cho rằng đến đầu thế kỷ XXI, Huỳnh Dũng Nhân vẫn là một cây bút phóng sự xuất sắc trong làng báo Việt Nam. Bên cạnh làm báo, Huỳnh Dũng Nhân còn lặng lẽ làm thơ. Anh tham gia công tác quản lý báo chí lẫn văn chương. Anh là người rất đa năng”, nhà thơ - nhà báo Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh “phác thảo” về đàn anh Huỳnh Dũng Nhân.
Hàng chục năm đã trôi qua, song nhiều nhà báo và độc giả mê báo chí vẫn nhớ những phóng sự đời thường đầy lôi cuốn, đậm chất văn chương và có nhiều chi tiết độc đáo của Huỳnh Dũng Nhân: Tôi đi bán tôi, Vượt cạn thời dịch vụ, Con đường bia bọt, Tôi là đà điểu Củ Chi, Ăn tết trong rừng chó sói… Tác giả nhớ lại: “Hồi đó, hầu như tuần nào tôi cũng có phóng sự trên báo Lao động. Phóng sự khi đó hãy còn mới mẻ, chưa có nhiều người viết. Tôi đi liên tục, đi khắp nơi và tôi hùng hục viết”. “Gia tài” của cây bút lẫy lừng này là 6 tuyển tập phóng sự: Ăn Tết trong rừng chó sói, Ký sự xuyên Việt, Tôi đi bán tôi, Những người đi trong gió, Kính thưa ôsin và Từ hầm lò Mông Dương đến nóc nhà thế giới Tây Tạng.
Theo nhà thơ - nhà báo Phan Hoàng, phóng sự của nhiều cây bút khác chỉ mang tính thời sự, độc giả đọc rồi quên, còn với phóng sự của Huỳnh Dũng Nhân, người ta có thể đọc lại. Đấy là nét đặc biệt của phóng sự Huỳnh Dũng Nhân: thấm đẫm chất văn chương, vô cùng lôi cuốn. Và nếu phóng sự là sự dấn thân của ông thì thơ chính là sự giải tỏa. Chất phóng sự lúc ẩn lúc hiện trong thơ của một cây bút luôn yêu cái đẹp.
Nhà thơ Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ rằng năm 13 tuổi, ông có bài thơ đầu tiên, sau chuyến đi Quảng Ninh và được đăng báo. Bây giờ, ở tuổi 65, ông thấy mình vẫn chưa… chuyên nghiệp trên con đường thi ca.
Sau Dã quỳ tím và Tự tình với facebook, nhà báo - nhà thơ Huỳnh Dũng Nhân vừa ra mắt bạn đọc tập thơ thứ ba Ký ức chao nghiêng. “Tôi bây giờ sống bằng ký ức; ký ức của tôi lại chao nghiêng, vương vấn chuyện này chuyện kia… Nguyên tắc của tôi là sống đàng hoàng, viết những cái đàng hoàng. Cũng như phóng sự, tản văn và thơ của tôi có tính tích cực, nhân văn”, nhà thơ Huỳnh Dũng Nhân nói.
Ký ức chao nghiêng gồm 40 bài thơ, mà theo nhà thơ Phan Hoàng là “có những câu vừa hư ảo vừa khiến người đọc trăn trở”. Trong Ký ức chao nghiêng có những bài viết về Phú Yên, rất tình:
“Nắng có màu gì hả em
Mà đêm cũng cứ hồng lên cuối biển
Nắng tỏa sáng nụ cười những chuyến tàu muộn màng cập bến
Anh xòe tay hứng tia nắng bình minh
Có phải đại dương có màu nắng thủy tinh
Nắng trong mắt em có màu xanh của ngọc
Nắng qua vườn tuổi heo may nặng nhọc
Mình ươm cho nhau những giọt nắng muộn màng…”
(Màu nắng)
“…Em gót chân hồng bước qua đây
Mặc cho núi Nhạn ngóng đêm ngày
Cánh đồng lúa ấy thêm mùa mới
Anh là rất cũ cánh cò bay…”
(Biển bờ xa nhớ)
“Trong một lần xuyên Việt bằng xe máy từ Sài Gòn ra Hà Nội, tôi đi qua Phú Yên và viết về cánh đồng Tuy Hòa. Sau đó, Phú Yên tiếp tục để lại ấn tượng khi tôi đưa sinh viên đến gành Đá Đĩa. Khi đứng trên gành Đá Đĩa nhìn ra biển, tôi thấy một cái thuyền thúng rất nhỏ trên mặt biển, có cảm giác như đang chờ đang đợi điều gì khi hoàng hôn đã tắt rồi. Và tôi hình dung rằng chàng trai chèo thuyền thúng đang đợi nàng tiên cá. Trong một lần vội về với biển, nàng tiên cá để quên những vây ngọc trên gành. Những vây ngọc xếp lớp, tạo nên gành đá tuyệt đẹp. Từ cảm xúc đó, tôi đã làm bài thơ Nàng tiên cá trên gành Đá Đĩa mà tôi đọc trong đêm thơ Nguyên tiêu”, nhà thơ chia sẻ về tình cảm mà ông dành cho mảnh đất Phú Yên.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân sinh ra tại Thanh Hóa, sống ở Hà Nội cho đến ngày đất nước thống nhất thì chuyển vào TP Hồ Chí Minh. Cha ông là nhà báo gạo cội Huỳnh Hùng Lý, người Bến Tre; mẹ ông, bà Lê Thị Lý, là người Rạch Giá, cũng từng công tác trong ngành Báo chí. Huỳnh Dũng Nhân tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn Trường đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh và Khoa Báo chí Trường Tuyên huấn Trung ương Hà Nội (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh). Ông là thành viên trong một gia đình có 3 thế hệ với 9 người làm báo. Không chỉ nổi tiếng trong nghề báo, ông có khoảng 20 năm giảng dạy tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh, tham gia đào tạo nhiều nhà báo. |
YÊN LAN