Thứ Ba, 08/10/2024 09:49 SA
Tương lai – truyện ngắn của GEORG KLEIN
Thứ Hai, 25/02/2019 07:00 SA

Georg Klein, sinh năm 1953, là nhà văn nổi tiếng người Đức, được trao Giải thưởng Văn học Grimm (1999), Giải thưởng Văn học Bakhman (2000) và nhiều giải thưởng khác. Các tác phẩm chính: Tuyển tập truyện ngắn “Người Đức” (2002), các tiểu thuyết “Libidissi” (1998), “Babar Rosa. “Câu chuyện trinh thám” (2001), “Mặt trời chiếu sáng chúng ta” (2004), “Tội lỗi, Lòng tốt và Tia chớp” (2007)…

 

Loại mặt nạ như thế này ở chỗ chúng tôi chưa có; chúng nhẹ đến mức không có cảm giác gì cả, không ôm sát vào cổ nên có thể quay đầu dễ dàng, thậm chí có thể cúi nhìn được đôi ủng của mình dưới cái đệm đầu gối hình bán nguyệt màu đen. Điều quan trọng nhất là chân không bị đổ mồ hôi ngay cả khi đi trong gara tầng hầm lúc nào cũng lõng bõng nước với các ống dẫn hơi nóng và hệ thống thông gió cổ lỗ, biến tất cả thành một đám sương mù dày đặc, làm ta phải bất giác đưa tay lên lau tấm kính xe trong suốt. Những chiếc mặt nạ cổ không dễ gì quên được.

 

Chúng tôi thích chơi đùa trong các bãi đỗ xe nhiều tầng, trong các phòng nghỉ, phòng chờ, phòng ăn hay bất kỳ loại phòng nào. Vào đó, phải để ý quan sát mọi thứ, vậy mà lần nào cũng quên ai đó hay xảy ra chuyện gì đó. Mới đây, trong một rạp chiếu bóng bỏ hoang, có một con chó béc-giê đứng nhe răng ngay giữa các hàng ghế như những lớp sóng màu đỏ bất động. Dưới chân nó, trên chiếc ghế gãy bọc nhung có ba con chó con lông vàng chưa mở mắt. Lúc đó chúng tôi đang quét dọn khán phòng, và sếp của chúng tôi vẫn bình thản đi ngang qua con chó mẹ, gần đến nỗi nó phải thò đầu lên khỏi lưng ghế và nhe răng ra.

 

Quả thật, có thể xếp những con thú lớn như vậy vào loại cư dân hạng hai và nhiều khi cũng phải đặc biệt để ý đến chúng. Có lần trong tòa nhà làm việc vắng vẻ được xây dựng vào những năm phồn vinh giả tạo, chúng tôi nhìn thấy một con mèo béo múp đang cố leo lên tầng trên cùng. Đến nơi, nó liếm sạch cái đĩa nằm bên cửa và dẫn chúng tôi vào xưởng may với niềm hy vọng và tin tưởng. Ánh nắng mặt trời chiếu qua các ô cửa kính chưa bám bụi, tràn ngập khắp phòng. Những chiếc máy khâu công nghiệp được bắt cố định vào mặt bàn. Từng chồng áo may ô với biểu tượng của công ty bị làm giả trên khắp thế giới được xếp ngay ngắn trong các thùng các tông để vận chuyển. Chỉ có lớp cặn cà phê đã lên mốc xanh còn lại trong chiếc cốc nhỏ bằng giấy là xác nhận ngày làm việc cuối cùng ở đây đã kết thúc từ lâu rồi.

 

Thực tế cho thấy, cư dân hạng hai đã tận dụng những gì còn lại sau lần sử dụng đầu tiên. Đối với nó, điều quan trọng là tìm được một nơi có đủ điều kiện để tồn tại: khô ráo, ấm áp, không khí trong lành, có nước uống và ánh sáng. Những tổ nhóm có tổ chức - tức là các bầy đàn - thậm chí còn quan tâm đến cả việc phải đảm bảo điều kiện vệ sinh tối thiểu, cũng như lối thoát thân trong trường hợp bị tấn công. Nỗi lo sợ buộc nó phải sáng tạo, hay ít ra cũng phải cẩn thận. Tuần trước, chúng tôi đến khu vực thang máy xuống mỏ, trong đó có hai thang dây được kết nối với nhau rất khéo léo chạy lên chạy xuống trong khoảng không sáu tầng.

 

Hôm qua, khứu giác đã giúp chúng tôi, chuyện ấy vẫn thường xảy ra. Với loại mặt nạ mới này, chỉ cần một thao tác là có thể đóng kín hoàn toàn. Không khí hít vào sẽ được lọc sạch qua màng lọc ở dưới cằm, không có mùi cháy khét. Không chỉ vào mùa đông mà trong tất cả các mùa, chỉ cần ngửi thấy mùi khói là chúng tôi biết ngay ngôi nhà hoang đang bị các cư dân hạng hai chiếm giữ. Theo lời người thu mua phế liệu kim loại, thì ngôi trường cũ, nơi chúng tôi dự định sẽ khảo sát có bảy ngôi nhà thấp lè tè chưa bị cháy lần nào. Chúng tôi được chở đến cái sân giữa các tòa nhà bằng ô tô điện êm ru. Sơ đồ các khu nhà hiện lên rất rõ trên màn hình nhỏ ở góc trái mặt nạ. Chúng tôi xem xét kỹ hai phần ba số lớp học cũ cho đến lúc ngửi thấy mùi gỗ cháy.

 

Tôi không nghĩ là có ai đó đã nghe thấy tiếng động gì khi chúng tôi đột nhập vào tòa nhà. Đế giày của chúng tôi được chế tạo từ nhựa xốp cho phép di chuyển trên bất cứ bề mặt nào mà không phát ra tiếng động, còn micro trong mặt nạ có thể ghi nhận được cả những câu nói thầm như gió thoảng. Vậy mà chúng tôi vẫn bị phát hiện. Hai cánh cửa bật mở, và họ bước ra đứng đối mặt. Chúng tôi hạ súng xuống, nhảy về phía bức tường bên phải để tránh va chạm và cho họ cơ hội lùi về phía hành lang rộng. Sau này, khi xem lại băng ghi hình, họ có hơn hai chục người. Ngoài bốn chàng trai, số còn lại đều là phụ nữ trẻ. Tất cả đều khoác ba lô ni lông màu đen trên vai, chỉ có một người cầm trên tay. Cô gái dẫn đường cho họ ra lệnh bằng ngôn ngữ xứ Tuyếc, nhưng thiết bị không giải mã được ý nghĩa của câu nói.

 

Dạo tôi mới nhập ngũ, không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi thường bắt giữ người đi sau cùng, tức là người khóa đuôi. Hôm nay, kẻ cầm đầu được nhận diện nhờ đối chiếu băng ghi hình với các dấu hiệu hình thái học từ tài liệu lưu trữ. Hình dạng bên ngoài của những người Trung Á hầu như không thay đổi theo thời gian, chỉ cần dựa vào đôi mắt nhỏ, gò má cao, làn môi cong là có thể đoán được họ thuộc dân tộc nào từ các vùng thuộc địa. Rất có thể quan điểm này cũng lạc hậu như những câu chuyện cổ tích của bà tôi, nhưng dù sao thì ngành thống kê sẽ bổ sung thêm phương pháp này ngay trong ngày hôm sau, khi các vị khách không mời mà đến sẽ bị trục xuất.

 

Bãi đỗ xe bị bỏ hoang kể từ khi chúng tôi xuất hiện, trông cũng không đến nỗi nào. Trên chiếc bếp dã chiến, lúc thì có nồi súp đặc sôi sùng sục, lúc là món thập cẩm; làn khói bay lên cầu thang qua cái lỗ đục rất khéo trên bức tường gạch rồi tản đi, không để lại dấu vết gì. Buồng ngủ được tận dụng từ những căn phòng kích thước khác nhau, ngăn ra bằng những tấm vải gai mà cho đến giờ tôi vẫn không biết được công dụng trước kia của chúng. Sàn nhà lót những tấm nệm màu xanh có lẽ được lấy từ nhà thi đấu thể thao. Như thường lệ, sau khi tắt lửa ở bếp, chúng tôi bắt đầu lục soát căn phòng để tìm vũ khí và chất nổ vẫn thường được nhắc đến trong sách giáo khoa. Rất may là trong sinh hoạt hàng ngày, hầu như chúng tôi không bao giờ tiếp xúc với chúng.

 

Tôi bước trên những tấm nệm cứng, cúi xuống cầm lên chiếc túi ngủ bị bỏ lại và lắc lắc. Sau đó tôi nhìn quanh và hiểu ra rằng, cái trại lính tạm bợ này đã được chia thành những căn buồng lớn nhỏ khá kín đáo. Vách ngăn là những tấm bản đồ địa lý khổ lớn và những giáo cụ trực quan trong các trường tiểu học mà các thầy cô lớn tuổi, hiền từ thường kẹp dưới nách mang vào lớp, treo lên các giá đỡ. Cũng ở đây, trong phòng ngủ tập thể của các công dân hạng hai, họ treo đủ thứ trên những sợi dây căng dưới trần nhà: nào là bản đồ các quốc gia châu Phi đã bị tan rã từ lâu, hình những con chim rừng và chim đồng nội bản địa, sơ đồ tĩnh mạch và động mạch của con người được tô màu xanh -–đỏ.

 

Chui qua cái lỗ tiếp theo, tôi chạm ngay vào sự quên lãng - nó đang ngủ. Những người bị chúng tôi đánh thức, không kịp hay là không muốn gọi nó dậy. Như thường lệ, người của chúng tôi lặng lẽ tiến về phía trước với các kỹ năng tác chiến. Tiếng phun xèo xèo của bình cứu hỏa cũng không làm cho thằng bé thức giấc. Nó còn chưa đến tuổi dậy thì và có lẽ là đứa con cưng của dòng tộc. Cái mũ kéo sụp xuống má được may bằng dạ theo kiểu cổ của người Tartar hay là Mông Cổ. Logo của hãng sản xuất quần áo thể thao có hình con mãnh thú đang chồm lên được may vào mũ càng thể hiện rõ bản sắc dân tộc. Thằng bé cựa mình, thở khò khè, lật người sang bên rồi lại tiếp tục nạp không khí vào cơ thể với một sự khoan khoái không thể diễn tả bằng lời mà chỉ có những đứa trẻ đang ngủ mới làm được. Có thể thằng bé cảm nhận được những bước chân của tôi, nhưng sự lay động của tấm nệm cứng không đủ mạnh để đánh thức nó dậy.

 

Chúng tôi không có những loại giày mềm, có thể cảm nhận được những bề mặt cứng nhất nhờ cái đế rất xốp, như bông tuyết, sợi lông tơ hay mảnh giấy. Khi đó, niềm tin được kết nối với mặt đất vững chắc đến mức mỗi tế bào của cơ thể đều cảm nhận được sự bao la của mặt đất, giống như đang đi chân trần vậy. Tôi khẽ ngẩng đầu lên trong cái mặt nạ nhẹ như không, rồi ngoái đầu lại, thích thú ngắm nhìn khá lâu tấm bản đồ với các họa tiết sặc sỡ về những vùng đất các bang cũ và mới của nước Đức đương đại. Tôi khẽ chạm tay vào cái điểm tôi đang đứng trên tờ bản đồ. Rồi từ nơi sâu kín nhất của một cư dân hạng hai trẻ trung và hay mơ mộng, cùng với đôi giày của mình, tôi thận trọng tiến một bước rất dài để lọt qua cái khe hở gần nhất mà không phát ra tiếng động.

 

ĐÀO MINH HIỆP (dịch)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Âm vang trống đôi, cồng ba, chiêng năm
Chủ Nhật, 24/02/2019 13:00 CH
Tình xuân
Chủ Nhật, 24/02/2019 08:00 SA
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Thứ Sáu, 22/02/2019 07:09 SA
Xếp hạng 3 di tích cấp tỉnh
Thứ Năm, 21/02/2019 06:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek