Thứ Ba, 08/10/2024 09:55 SA
Dưới trăng, thơ quyện tiếng đàn…
Thứ Tư, 20/02/2019 18:30 CH

Đêm trong veo. Trăng vằng vặc trên đỉnh núi khi “bài thơ thần” Nam quốc sơn hà vang lên, mở đầu hội thi ca lần thứ 39. Dường như những câu thơ trong bài Phú Yên - Khúc hát Nguyên tiêu của Thiên Thu đã nói hộ tình cảm của nhiều người yêu thơ:

 

Lần theo lối cũ anh về

Nguyên tiêu

Núi Nhạn

Trăng thề - cõi mơ

Nửa đời ta cứ ngẩn ngơ

Cứ đi theo mãi tiếng thơ đêm này.

 

Đông đảo người yêu thơ ca lên núi Nhạn dự Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên lần thứ 39 xuân Kỷ Hợi 2019 - Ảnh: VÕ NGUYÊN

 

“Hành hương” lên ngọn núi thơ, những người yêu thi ca gần xa lắng lòng mình trong tiếng thơ cất lên từ đêm hội.

 

Tiếng thơ vương vấn dưới trăng  

 

Chủ đề của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17 và Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên lần thứ 39 xuân Kỷ Hợi là “Hướng về biên cương Tổ quốc”. Khai thác đề tài biển đảo, nhà giáo Nguyễn Thị Hồng (huyện Đồng Xuân) có bài thơ Biển trong phố núi đầy cảm xúc. Mai Chi trẩy hội thơ với bài Xuân về từ đảo khơi, còn bé Thùy Dương có bài Gửi ba, người lính đảo.

 

Luôn nặng tình với hội thơ Nguyên tiêu nơi quê nhà, nhà thơ - nhà báo Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, đã trở về trẩy hội thơ với thi phẩm Tiếng hát trên đảo Sơn Ca. Bài thơ ra đời sau chuyến đi Trường Sa của anh cùng đoàn công tác TP Hồ Chí Minh vào năm 2012 và đã được nhạc sĩ Thế Hiển phổ nhạc.

 

Khai thác đề tài truyền thống cách mạng, cây bút Phan Kim Việt viết về Những con đường huyền thoại, những con đường mang tên Bác trên dãy Trường Sơn, trên biển Đông, “những con đường nối hai miền non sông”. Tác giả Nguyễn Công Hoan có bài Lời thơ của Bác chúc xuân.

 

“Mỗi hội thơ Nguyên tiêu mang đến những cảm xúc khác nhau. Mùa xuân thì tuần hoàn nhưng mỗi mùa xuân mang đến cho con người những cảm xúc mới, hy vọng mới. Chính những cảm xúc đó làm cho tâm hồn phong phú hơn, cuộc sống đáng yêu hơn”.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phan Đình Phùng

 

Gắn bó với Hội thơ Nguyên tiêu hơn một phần ba thế kỷ, đến nay tóc đã pha sương nhưng hồn thơ của tác giả Huỳnh Duy Hiếu (huyện Phú Hòa) vẫn luôn tươi trẻ, như bài thơ Nồng nàn mùa xuân. Khi trái tim còn trẻ trung thì tình yêu luôn là mùa xuân mới. Tác giả Vũ Nguyên, một người con Phú Yên đang sinh sống tại Khánh Hòa, viết trong bài thơ Tự tình trước mùa xuân: “Ta vượt qua bao ngày tháng gian nan/ Anh và em có già đi trước tuổi/ Nhưng tình yêu mãi là mùa xuân mới/ Ấp ủ nồng nàn sưởi ấm mỗi đêm đông”.

 

Xúc cảm trước mùa xuân, tác giả Đặng Thị Phương Loan có bài thơ đầy ắp hoài niệm Mùa xuân của tôi. Cây bút nữ quen thuộc này đã dùng những câu thơ 5 chữ mộc mạc gọi về bao mùa xuân trong ký ức.

 

Say mê thi ca, tác giả Lê Hào (giảng viên Toán Trường đại học Phú Yên) sáng tác những bài thơ có phong cách riêng, giản dị nhưng sâu sắc. Hãy đọc một đoạn trong bài thơ Hoa vàng, cỏ xanh: “Những ngọn cỏ treo bình minh trước ngõ/ Giữ lại vài giọt sương mềm/ Cho những nụ hoa mới hé/ Sương lăn qua tay/ Mùi cỏ hiền lành/ Bay qua kẽ tóc…/ Những viên sỏi từ chân người khẽ cựa/ Hồi ức đau thương trở mình/ Sau lớp mùn là nước mắt một thời hòa với đất/ Nước mắt sinh ra em/ Và đồng lúa Tuy Hòa, xứ Nẫu”. Tác giả Hoàng Nguyên Chương mang đến cho bạn yêu thi ca bài thơ dung dị Thành xưa.

 

Các nghệ sĩ đến từ Liên đoàn Nghệ thuật dân gian Chungbuk  (Hàn Quốc) biểu diễn cùng nghệ sĩ Phú Yên tại Hội thơ Nguyên tiêu - Ảnh: HIẾU HẠNH

 

Mùa xuân này, có một người ngồi nghe thiên nhiên, viết nên những vần thơ tràn ngập màu sắc, hình ảnh và đầy lạc quan: “…Nghe bầy chim én gọi/ Báo tin những ngày mai/ Nắng hồng lên rực rỡ/ Hứa hẹn đời tương lai/ Nghe bình minh thức giấc/ Cây xanh hát bên đường/ Gió xuân hòa nốt nhạc/ Ngày mới còn hơi sương…”.

 

Tác giả những câu thơ đầy ắp hình ảnh đó lại là người sống trong bóng tối từ năm 3 tuổi, sau khi mắc bệnh đậu mùa. Ông tên là Huỳnh Duy Siêng, ở huyện Phú Hòa. Ánh sáng rời bỏ ông nhưng nghị lực, niềm tin vào cuộc sống chưa bao giờ rời bỏ ông. Lúc nhỏ, Huỳnh Duy Siêng theo bạn bè cùng lứa đến trường rồi ngồi ngoài cửa lắng nghe bài giảng, sau đó ông tự học qua đài. Hơn 70 năm sống trong bóng tối, có thể nói Huỳnh Duy Siêng tựa vào thơ mà bước đi, mà yêu cuộc sống này, bài thơ Nghe thiên nhiên là một minh chứng.

 

Rất nhiều năm về trước, trên sân khấu đêm thơ Nguyên tiêu thường xuất hiện một cây bút nhí dễ thương, đọc những bài thơ trong trẻo. Đó là Phan Thị Hà Tuyên, ở TP Tuy Hòa. Qua bao mùa thơ, cây bút nhí ngày nào đã trưởng thành, tốt nghiệp cao học ngành Hải dương học. Nguyên tiêu năm nay, Hà Tuyên có bài thơ Nhớ. Anh Phan Kim Việt đã thay con gái đọc bài thơ này.

 

Trong các cây bút trẻ gửi tác phẩm tham gia hội thơ, bên cạnh Trần Lê Anh Tuấn với những bài thơ cho thấy sự tìm tòi sáng tạo còn có Đoàn Thị Phú Yên - một người con xứ nẫu xa quê, da diết nhớ quê khi Tết đến xuân về: “... Tết này con không về thăm được/ Má ơi con muốn khóc quá chừng/ Chẳng đâu thay được mùa xuân cũ/ Một mình con với nỗi tha hương... ” (Tết nhớ nhà).

 

Nhà thơ Kim Hak Seong đọc bài thơ Ước vọng tại Hội thơ Nguyên tiêu - Ảnh: PV

 

Vượt đường xa hò hẹn với thơ

 

“Lần đầu tiên tôi đến Phú Yên và cũng là lần đầu tiên dự hội thơ Nguyên tiêu, nói rất dân dã theo đúng chất Nam Bộ là một trời cảm xúc”. - Nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều

Trẩy hội thơ Nguyên tiêu năm nay, bên cạnh những cây bút thân quen còn có những gương mặt mới, như nhà thơ nữ Huỳnh Thúy Kiều, nhà báo - nhà thơ Huỳnh Dũng Nhân… Từ Cà Mau - vùng đất cực Nam của Tổ quốc, lần đầu tiên đến Phú Yên, Huỳnh Thúy Kiều tham gia hội thơ với thi phẩm Đưa em về núi Nhạn đằm thắm, sóng sánh tình.“…Đưa em về núi Nhạn tháng Giêng/ Nước sông Ba có còn đầy, đẩy đưa câu hò xứ Nẫu?/ Thời gian có chờ ai đâu mà em ngần ngại/ Nghiêng nghiêng vành nón khẽ gật đầu”. Nhà báo - nhà thơ Huỳnh Dũng Nhân, cây bút phóng sự lừng lẫy trong thập niên 90 của thế kỷ trước, đọc bài thơ Nàng tiên cá trên gành Đá Đĩa.

 

Góp phần vào sự thành công của hội thơ, phải kể đến những giọng ngâm, giọng đọc đã gắn bó với thơ và trăng Nguyên tiêu trên đỉnh núi Nhạn bao năm qua: Ngọc Hà, Phan Kim Việt, Bích Trâm, Vũ The, sau này có Thanh Huệ, Như Thân...; các nghệ sĩ cổ nhạc: Hoàng Hường, Mai Hoàng… Đặc biệt, từ phía Tây bán cầu, ông Nguyên Đạt đã trở về quê hương tham gia hội thơ Nguyên tiêu, và những người yêu thi ca ở Phú Yên “gặp lại” tiếng sáo dìu dặt, réo rắt của nghệ sĩ 75 tuổi.  

 

Cách Việt Nam 5 giờ bay, song nhiều năm qua Nguyên tiêu nào các nghệ sĩ ở Liên đoàn Nghệ thuật dân gian Chungbuk (Hàn Quốc) cũng tham dự hội thơ và mang đến những thi phẩm có sắc màu khác biệt. Năm nay, nhà thơ Jang Mun Seok đọc bài thơ có cái tên rất lạ và cái tứ độc đáo Cách yêu giá đậu tương:“Giá đậu tương chỉ có một cái đầu, nhưng cởi bỏ lớp vỏ sẽ thành hai/ Cũng không phải là hai, mà lại thành một cái rễ/ Tưởng như một, lại là hai, tưởng như hai, lại là một/ Vợ tôi bảo rằng đó chính là vợ chồng/ Tôi thêm lời rằng: Đại Hàn dân quốc bây giờ cũng vậy”. Bài thơ cô đọng đó chuyên chở khát vọng thống nhất hai miền trên bán đảo Triều Tiên. Nhà thơ Kim Hak Seong, cũng là nhà hoạt động bảo vệ môi trường tại Hàn Quốc, đọc bài thơ Ước vọng, nói về cuộc vượt sông, di cư của hàng triệu con linh dương đầu bò và ngựa vằn.

 

Những gương mặt quen thuộc của Hội thơ Nguyên tiêu hằng năm - Ảnh: PV

 

Hội thơ có thêm sắc màu thú vị, khi các nghệ sĩ Liên đoàn Nghệ thuật dân gian Chungbuk biểu diễn ca khúc dành riêng cho “tiệc thơ” Phú Yên Trăng lên rồi, đến Phú Yên nào! (thơ: Jeo Min, nhạc: Kim Kang Gon, biểu diễn: Cho Ae Ran). Rồi nữ ca sĩ Cho Ae Ran hòa giọng cùng các ca sĩ Tất Đạt, Lê Mỹ Như thể hiện ca khúc Những ngón tay đầy ý nghĩa của Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Hải. Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Quang có ca khúc Hẹn nhau về xứ Nẫu (thơ Anh Nguy), do ca sĩ Quang Thơm thể hiện. Còn Phương Thảo, Người đẹp Nguyên tiêu năm 2017 thể hiện ca khúc Tiếng hát nơi đảo xa của nhạc sĩ Thanh Bình.

 

“Tôi rất thích thơ. Nguyên tiêu năm nào gia đình tôi cũng lên núi Nhạn nghe thơ. Năm nay tôi thấy có nhiều tiết mục hay”, bà Trần Thị Ái ở Hòa Trị (huyện Phú Hòa) nhận xét. “Hội thơ năm nay có nội dung phong phú. Hy vọng đến năm 2020, kỷ niệm 40 năm Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên, khán giả sẽ được thưởng thức nhiều tiết mục hay hơn nữa”, nhà nhiếp ảnh Lê Hoàng Thanh Tùng chia sẻ.

 

Bà Na Hye Kyung, Trưởng ban Hợp tác quốc tế Liên đoàn Nghệ thuật dân gian Chungbuk, nói: “Chúng tôi cảm ơn vì đã nhận được lời mời và được đến đây, đọc thơ, biểu diễn trong đêm Nguyên tiêu như thế này. Đó là một vinh dự lớn”. Nhạc sĩ Kim Kang Gon chỉ tay lên bầu trời trong veo, nói vui bằng tiếng Việt: “Đêm nay trăng to nhất. Tôi thấy hạnh phúc”. Ca sĩ Cho Ae Ran cũng chia sẻ bằng tiếng Việt rằng chị rất vui khi được gặp lại bạn bè nghệ sĩ ở Phú Yên.

 

Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên lần thứ 39 khép lại sau những vần thơ đầy luyến lưu của tác giả Quang Ngự: “Thời gian ơi, chớ trôi mau/ Trăng ơi, chớ có về đâu vội vàng/ Bởi lòng người vốn đa mang/ Để cho ta được ngập tràn nguồn say/ Để hồn ta được cuộn bay/ Cùng hồn thơ đến nơi đầy trăng sao…”.

 

Tạm biệt những tâm hồn thơ, tạm biệt những người yêu thơ đã thắp lửa cho đêm hội thi ca và hẹn nhau vào mùa thơ Nguyên tiêu năm tới.

 

Tác nghiệp tại Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên lần thứ 39 xuân Kỷ Hợi không chỉ có các nhà báo mà còn có một… nữ doanh nhân trẻ: chị Hạnh Hiếu, chủ đầu tư Trung tâm Hội nghị - Tiệc cưới Pytopia. Chị nắm thông tin về hội thơ và “tác nghiệp” bằng điện thoại di động để có những hình ảnh “nóng hổi” khi thơ Nguyên tiêu Phú Yên vừa khai hội. Hạnh Hiếu gửi tin, ảnh đến một số báo và được đăng trên Tuổi Trẻ và Tiền Phong. Chị làm việc này với mục đích “quảng bá cho hội thơ đặc biệt  và quảng bá du lịch”.

 

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek