Thứ Ba, 26/11/2024 20:19 CH
Không gia đình - “đẹp” đẹp” từ trang sách đến màn ảnh
Chủ Nhật, 27/01/2019 13:55 CH

Cảnh trong phim Không gia đình - Nguồn: kenh14.vn

Ra mắt bạn đọc cách đây hơn 140 năm và vô cùng nổi tiếng, Không gia đình (Sans famille) đã nhiều lần “bước lên” màn ảnh. Tác phẩm lừng danh của nhà văn Pháp Hector Malot vừa tái sinh lần nữa, trong bộ phim điện ảnh có nhiều khác biệt của đạo diễn Antoine Blossier.

 

Không gia đình là tiểu thuyết mà tôi say mê từ khi học cấp hai, bên cạnh cuốn Những đứa con của thuyền trưởng Grant của Jules Verne. Tôi đã thổn thức khi cậu bé Rémi đau khổ vì phải rời xa người mẹ nuôi Barberin tốt bụng, hồi hộp theo những chặng đường lang bạt kiếm sống của cậu bé cùng gánh xiếc của cụ Vitalis. Có một tâm hồn trong sáng và được người thầy tốt bụng Vitalis dạy dỗ, trải qua biết bao gian khổ, đói khát, thậm chí nguy nan, cậu bé Rémi luôn giữ được phẩm chất tốt đẹp của mình: sống ngay thẳng, tự trọng, biết thương người... Sau bao thử thách, cuối cùng Rémi tìm được gia đình thật sự của mình và sống hạnh phúc với Lise cùng hai người mẹ.

 

Từng trang sách Không gia đình (hồi đó gồm 2 tập, giấy hẩm) với Rémi và gánh xiếc rong của cụ Vitalis làm cho độc giả nhỏ tuổi say mê. Gánh xiếc đó có chú bé Mattia tình cảm, lanh lợi, chú chó Capi khôn ngoan, dũng cảm, chó Zerbino ương bướng, cô chó Dolce dịu dàng, chú khỉ Joli-Coeur tinh nghịch. Vùng nông thôn và thành thị nước Pháp, nước Anh, những nơi mà gánh xiếc đi qua, hiện lên thật sống động. Không gia đình đoạt giải thưởng của Viện Hàn lâm văn học Pháp, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và tái bản không biết bao nhiêu lần. Với một số độc giả, Không gia đình là cuốn sách hay nhất mà họ từng đọc.

 

Được đưa lên màn ảnh từ năm 1913 (phim câm), trong hơn một thế kỷ qua, tác phẩm văn học kinh điển này là nguồn cảm hứng để nhiều đạo diễn đưa lên màn ảnh rộng lẫn màn ảnh nhỏ. Ở mỗi thời kỳ, Không gia đình (bản điện ảnh) mang sắc màu, hơi thở khác nhau.

 

Cuối năm 2018, Không gia đình của đạo diễn Antoine Blossier ra mắt những người yêu điện ảnh trên thế giới. Hành trình mưu sinh cùng gánh xiếc rong và tìm gia đình của Rémi được đạo diễn thu ngắn trong hơn một giờ đồng hồ trên màn ảnh và có một số thay đổi so với tiểu thuyết song vẫn giữ nguyên tinh thần của tác phẩm. “Tôi phải thay đổi và làm việc kỹ lưỡng về vấn đề này. Nếu giữ lại tất cả thử thách và bước ngoặt như bản gốc, có lẽ bộ phim kéo dài tới 12 tiếng mất”, đạo diễn Antoine Blossier chia sẻ với báo chí. Gánh xiếc rong của nghệ sĩ già Vitalis cũng được thu gọn, chỉ còn chú chó tinh khôn Capi và chú khỉ nghịch ngợm Joli-coeur.

 

Tái sáng tạo một tác phẩm quá nổi tiếng, đạo diễn Antoine Blossier cũng đã thành công khi bộ phim chạm vào trái tim khán giả. Diễn viên nhí Maleaume Paquin, với giọng hát trong trẻo của một ca sĩ, vào vai Rémi rất “ngọt”. Diễn viên kỳ cựu Daniel Auteui đóng vai Vitalis không chê vào đâu. “Capi” và “Joli-coeur” đều là những diễn viên xiếc nên biểu diễn rất nhịp nhàng, ăn ý. Phim có bối cảnh đẹp, khuôn hình đẹp, âm nhạc thì phải nói là... tuyệt vời.

 

Trong phim có những trường đoạn không hề bi lụy nhưng vẫn làm cho khán giả xúc động, như khi Rémi hát ru con bò sữa trong đêm trước khi nó bị bán đi; lúc Rémi được thầy Vitalis bịt mắt, cất tiếng hát trong veo trên đồi hay lúc hai ông cháu cố gắng tìm nơi trú ẩn trong cơn mưa tuyết, và bài hát ru ngân lên... Ấn tượng nhất là trường đoạn nghệ sĩ già Vitalis “trở lại” với cây đàn violin. Thời điểm đó, bệnh lao đã tấn công Vitalis, còn chú khỉ Joli-coeur bị viêm phổi mà gánh xiếc sắp cạn tiền.

 

Vitalis thuê phòng ở một khách sạn sang trọng để gánh xiếc nghỉ chân và mời bác sĩ đến chữa bệnh cho chú khỉ, còn ông thì từ chối điều trị. Để có tiền trang trải chi phí, Vitalis quyết định biểu diễn trở lại, với cây đàn đã đi cùng ông trong những năm tháng lẫy lừng và được ông mang theo khi quyết rời xa, đoạn tuyệt ánh hào quang sân khấu bởi nỗi đau dai dẳng trong trái tim.

 

Được thông báo có một nghệ sĩ lừng danh biểu diễn, những người khách quý tộc có mặt trong khán phòng sang trọng, họ ngạc nhiên khi thấy một nghệ sĩ già, chạm đôi bàn tay xác xơ lên dây đàn. Nhưng từ đôi bàn tay của một người đã không còn ánh hào quang, phiêu bạt mưu sinh như một cách sám hối, tiếng đàn tuyệt đẹp ngân lên. Chính tiếng đàn, chứ không phải những thứ vật chất sang trọng, làm bừng sáng căn phòng, bừng sáng những tâm hồn đang lắng nghe nó. Tiếng đàn của một nghệ sĩ lừng danh và bất hạnh, đã chối bỏ tên tuổi mình nhưng vẫn còn đó trái tim nồng ấm yêu thương. Tiếng đàn của trái tim đã làm tôi rơi nước mắt. Xem phim, một khán giả nhận xét: “Những cảm xúc đẹp thế này rất khó tìm ở phim Việt, đặc biệt là cảm xúc âm nhạc”.

 

Diễn viên kỳ cựu Daniel Auteui nhận xét rằng đạo diễn Antoine Blossier khéo léo khi viết lại câu chuyện mà ai cũng biết rõ. “Cậu ấy thay đổi dòng chảy và cả nhịp điệu phim để nó hợp với thế kỷ XXI”, ông nói với báo chí. Còn tôi nghĩ rằng Antoine Blossier đã thành công khi tác phẩm của ông chạm vào trái tim khán giả theo cách riêng.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek