Không chỉ xây dựng cho mình một mái ấm hạnh phúc, nhiều người có uy tín trong cộng đồng như: Trưởng thôn, Chi hội trưởng Phụ nữ, Nông dân, Ban công tác Mặt trận và những người dân mẫu mực, nhiệt huyết với công tác xã hội còn góp sức trong việc tuyên truyền, vận động bà con xây dựng nếp sống văn hóa ở cộng đồng dân cư.
Chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng
Từ lâu, bà Nguyễn Thị Chính (SN 1951) ở thôn Hội Cư, xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa) được nhiều người biết đến với hình ảnh một cán bộ y tế thôn trên chiếc xe đạp cũ len lỏi khắp các ngõ ngách để tuyên truyền, vận động các gia đình không sinh con thứ ba, nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới trong các gia đình. Qua đó, nhiều cặp vợ chồng đã thay đổi nhận thức và ngày càng thực hiện tốt hơn công tác kế hoạch hóa gia đình. Hiện tại, toàn xã có 2.741 hộ, tính đến thời điểm cuối năm 2018 chỉ có 5 cặp vợ chồng sinh con thứ ba.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng, Trưởng Ban chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh, thời gian tới, Ban chỉ đạo cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và nâng cao trách nhiệm của các ban ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, ban chỉ đạo các cấp để tham mưu, chỉ đạo thực hiện phong trào từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao. Đặc biệt, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác thi đua, khen thưởng nhằm nhân rộng các cá nhân, tập thể tiên tiến, xuất sắc… |
Gia đình chị Châu Thị Bơ (38 tuổi) ở tổ 4/2, thôn Hội Cư sinh con một bề trai, thỉnh thoảng vẫn được bà Chính đến hỏi thăm chia sẻ và tâm sự. Đặc biệt là khi gia đình chị nhen nhóm ý định sinh con thứ ba thì hầu như ngày nào vị khách “không mời mà đến” này cũng tới gõ cửa. Sự xuất hiện thường xuyên của bà Chính khiến chị Bơ cảm thấy không thoải mái.
“Tôi sinh hai đứa con trai, cả hai vợ chồng tính sinh thêm để có nếp, có tẻ cho nên lúc đầu vợ chồng tôi không muốn tiếp nhận những gì cô Chính nói. Nhưng qua các buổi sinh hoạt, thấy lời khuyên của cô vô cùng hữu ích, hai vợ chồng tôi đã thay đổi suy nghĩ và quyết tâm cố gắng nuôi dạy các con học hành đến nơi đến chốn, chăm lo gia đình yên ấm”, chị Bơ chia sẻ.
Còn đối với chị Võ Thị Quý ở khu phố 4, thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) không chỉ là Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, chị còn là tấm gương trong công tác giải quyết các vụ bạo lực gia đình, tư vấn cho các thành viên gia đình giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trên cơ sở có lý, có tình nhằm giữ gìn tình đoàn kết, thương yêu, chia sẻ giữa các thành viên gia đình để cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc.
“Người dân cũng chủ động thông tin khi phát hiện nguy cơ xảy ra bạo lực. Do vậy, những thành viên trong nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình có thể nắm bắt nhanh chóng tình hình; từ đó dễ dàng tiếp cận, thuyết phục các bên hòa giải. Hoặc hễ nắm được thông tin gia đình nào có vấn đề, ngay lập tức các thành viên trong nhóm đều có mặt kịp thời để ngăn ngừa bạo lực xảy ra”, chị Võ Thị Quý cho biết.
Ở xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân), Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Suối Cối 2 La O Kín lại lấy những kinh nghiệm trong sản xuất trồng trọt và chăn nuôi đã học hỏi được truyền đạt lại cho những người xung quanh. Với những ai chí thú làm ăn nhưng khó khăn về nguồn vốn ban đầu, ông sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ người dân vay vốn.
“Với những việc làm thiết thực đó, người dân đã dần thay đổi cách sống, có ý thức xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng dân cư. Kết quả năm qua, thôn Suối Cối 2 có 65% gia đình đạt Gia đình văn hóa”, ông La O Kín vui vẻ nói.
Lực lượng nòng cốt xây dựng nếp sống văn hóa
Thông qua các hoạt động, nội dung tuyên truyền phong phú và đa dạng, các cán bộ cơ sở đã góp phần quan trọng vào công tác xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng, kịp thời đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống, trong đó có chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới...
Ông Nguyễn Thiện Tình, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sơn Hòa, cho biết: “Hiện tại, các thành viên trong 15 CLB “Gia đình phát triển bền vững” và mô hình CLB Phòng, chống bạo lực gia đình... trên địa bàn huyện đều là những người có uy tín trong cộng đồng như: Trưởng thôn, Chi hội trưởng Phụ nữ, Nông dân, Ban công tác Mặt trận... Họ đã góp phần vào việc thúc đẩy phong trào xây dựng Gia đình văn hóa trên địa bàn ngày càng phát triển. Đến nay, tỉ lệ hộ gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa trên địa bàn huyện đạt trên 89%, tăng 7,5% so với năm 2012”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, đánh giá cao vai trò và những đóng góp của các cán bộ cơ sở trong phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, Khu dân cư văn hóa. Song để phong trào phát triển mạnh hơn nữa, đòi hỏi mỗi người dân phải có trách nhiệm đóng góp, cùng chung tay xây dựng, phát triển nếp sống văn minh, hiện đại.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 234.000/253.000 hộ được công nhận Gia đình văn hóa, đạt 92,5%. Toàn tỉnh cũng thành lập được 275 CLB Gia đình phát triển bền vững tại 73 xã, phường, thị trấn triển khai mô hình; 35 nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình tại 6 xã.
THIÊN LÝ - NGUYỄN TÚ