Thứ Ba, 08/10/2024 21:15 CH
Một ngày cuối năm – truyện ngắn của NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
Thứ Hai, 21/01/2019 07:00 SA

Một mẹ bốn con. Ngôi nhà dột nát. Chị kể từ nhỏ phải ăn cơm độn củ sung củ ráy, đội bụi đội đất mà lớn. Nghèo hơn cả sự nghèo nhưng mẹ quyết cái đầu phải có chữ. Chị học hành sáng dạ, đậu tú tài, dư điểm vào Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang nhưng ngày có giấy nhập học cũng là lúc mẹ đột ngột lìa đời. Không còn nước mắt để rịn ra nữa. Gấp sách vở, chị trở thành trụ cột cho mấy em.

 

Ban đầu ra soi thu mua rau củ đem ra chợ bán. Công việc nhẹ nhưng lỏng chỏng, đồng được đồng mất, có hôm lời một thì cũng có bữa lỗ tới… ba. Phải kiếm cái gì khá hơn chứ cả nhà chỉ dòm vào thúng rau thì đói xạc họng mất. Từ ngày chuyển qua mua ve chai, mọi người gọi chị là “bà nhôm nhựa”.

 

“Bà nhôm nhựa” khởi nghiệp năm hai mươi thì năm nay đã gần năm mươi. Con gái đang học lớp 7, tôi kinh ngạc vì thua chị mười lăm tuổi nhưng con trai tôi cũng đang học lớp 7, chị bảo lấy chồng muộn mằn, cũng may mót được con nhỏ. Rồi chị kể các em học chữ, học nghề xong lần lượt thành gia thất. Nhìn lại mình đã “trâu quá lứa mạ quá thì” nên nhắm mắt ưng đại theo mai mối. Chị ngậm ngùi nói như thanh minh, như an ủi, thân rẻ như đồ nhôm nhựa có đứa nào chịu lượm đã mừng, quyền đâu mà lựa chọn.

 

Chồng chị hồi trẻ làm nghề chăn vịt thuê. Tôi chưa có cơ hội diện kiến nhưng nghe chị bảo tội, chụp ảnh cưới, đứng nhón chân mới qua cổ vợ. Đẹt, còn được bà mụ khuyến mãi thêm cặp giò yếu ớt que tăm, đi lỏng lẻo như người bị tật. Chắc đặc biệt vậy mới tới phiên mình - chị cười như mếu. Lấy vợ, anh chuyển từ chăn vịt thuê sang làm ruộng, nuôi bò kiêm trông nhà, coi con. Chị bảo chồng chị khổ hơn, hết đồng tới nhà, chị chỉ việc đi rồi về ngủ. Công việc của chị là 4 giờ dậy đón xe từ đồng lên núi rồi đạp xe khắp các hóc hẻm, cứ thấy chỗ nào có nhà là tới rao “Ai nhôm nhựa hông?”. Đúng là nghèo thành hèn, đang đi trên đường mà thấy đồ nhôm nhựa bên lề là sà xuống như con chim đói thấy sâu. Công việc này cũng hên xui. Hôm được tổ đãi thì ôi thôi là nhiều. Có bữa đạp rạc chân cũng chỉ lượm được vài lon nước ngọt bên đường. Kệ, dù gì cũng đỡ hơn bán rau.

 

Tôi và chị là bạn hàng của chuyến xe số 1, Phú Yên - Đắk Lắk. Chúng tôi hai người không quen, nghề nghiệp khác biệt, tuổi tác, chỗ ở chênh nhau quá xa nhưng đứng chờ xe riết rồi thành “cặp bài trùng”. Chúng tôi đứng đón chuyến xe đầu và thường gặp nhau trên chuyến xe buýt cuối ngày. Người của những chuyến xe không gọi tên, họ gọi cô giáo và bà nhôm nhựa, thấy cô giáo thì hỏi bà nhôm nhựa đâu và ngược lại.

 

Không phải một mà rất nhiều lần chị an ủi tôi:

 

- Chị đi mua nhôm nhựa phải đi sớm về khuya đã đành. Em đi dạy cũng khổ.

 

Tôi cười:

 

- Dạ. Cơm, áo, gạo, tiền là nỗi khổ dai dẳng...

 

Tôi nói vậy vì không biết “đỡ” sao trước câu chia sẻ của chị. Thực tình, tôi đi dạy xa, nếu cực cũng là so với giáo viên chứ làm sao dám than thở với chị được. Đi dạy bằng xe buýt chỉ sợ nhất mùa mưa thôi. Mặc áo mưa thùng thình vì sau lưng phải mang chiếc ba lô to tướng đựng lỉnh kỉnh sổ sách. Lại thêm tay xách cái túi bự chảng, trong túi là áo mưa, bộ đồ công sở, đôi giày, chiếc ô thu gọn. Tin không, có hôm tôi mặc quần lửng đi đón xe. Người ta vẫn bảo nghề giáo nhàn đấy thôi. Đi dạy thì có tiết đi, không tiết thì được nghỉ, chưa kể chủ nhật và mùa hè. Nhưng chị đi ròng rã, ngày nắng cũng như ngày mưa, cảm mạo thường thường cũng đi tuốt. Đó là chưa nói vượt 50km lên thị trấn mua nhôm nhựa nhưng tối về lơ cơ còn bị chồng cho ăn mắng, ăn tát. Da mặt chị nám, sần lên mảng mảng, sáng nào gặp tôi cũng than, chết cái mặt chị rồi, chỉ muốn đeo luôn cái khẩu trang chứ không dám gỡ nó ra. Tối chị bôi kem chống nám, ban ngày đi làm thoa chút kem chống nắng lên. Chị bảo bà nhôm nhựa bôi kem thì thiệt lố bịch. Tôi nói không sao, làm đẹp là quyền của phụ nữ. Rồi chị kể cũng làm như tôi vẽ, chồng chị nổi điên đập đổ từa lưa rồi hét: Mày đi mua nhôm nhựa chứ đi làm cái giống gì mà sáng dậy ngồi bôi bôi trét trét. Tôi nghe thì hiểu được ít nhiều tính khí của đức lang quân kia nên không dám bày vẽ gì thêm, chỉ dặn nhớ mang khẩu trang cho kỹ.

 

Sáng nay tôi đi sớm, từ xa, trong ánh sáng nhập nhoạng của lớp sương muối, của đèn xe, tôi đã thấy cái dáng mảnh mai đeo chiếc túi bên hông. Tôi còn chưa kịp lại gần chị đã hối hả kể:

 

- Trời ơi, nhớ lại chuyện hôm qua giờ vẫn còn run nè.

 

- Chuyện gì vậy chị?

 

- Hôm qua mua được nhiều lắm nhưng rốt cuộc về tay không.

 

- ???

 

- Chị bị người ta lấy trộm hàng.

 

- Lấy trộm đồ nhôm nhựa?

 

- Ừ. Chui vô cái nhà vừa bị cháy, mua được quá nhiều đồ. Chị dồn vào bốn cái bao to đem về vựa bỏ, chiều chở thêm một bao nữa về thì thấy mất sạch. Nghĩ mình cũng xấu bụng, ban đầu chị nghi mấy chị cùng đi mua với mình nhưng may quá, trước cửa có cái camera của quán cà phê. Chị biết ai lấy rồi. Sợ chút chết.

 

- Sao sợ?

 

- Chị biết thằng này. Từng vô nhà nó mua đồ nhiều lần mà. Nó khoảng ba lăm tuổi, trước cũng khá giả, giờ ở nhà coi con cho vợ đi làm ở xưởng hạt điều. Khổ. Nó bị nghiện nên chị sợ chớ sao.

 

- Sợ gì?

 

- Mình đã biết nó là thủ phạm, mà nó cũng biết mình đơn chiếc ở chỗ lạ nước lạ cái, lỡ nó chặn đường làm ẩu để bịt miệng thì chết.

 

- Không đến mức đó đâu. Chắc thèm thuốc mà không có tiền nên “mượn” đỡ mấy bao hàng của chị.

 

- Chị cũng nghĩ vậy nhưng cứ sợ. Vì hôm qua, sau khi biết nó là thủ phạm, chị hoảng quá, đi báo công an thị trấn rồi. Chị sợ biết mình đi tố cáo, nó điên lên làm chuyện dại.

 

- Sáng nay chị tính…

 

- Tính sao?

 

- Giờ chị sẽ đi thẳng tới nhà nó. Thương lượng cho xong chuyện chứ để công an họ vào thì gay.

 

Ngày hôm đó đi dạy nhưng cứ nhong nhóng hết buổi để được gặp chị trên chuyến xe buýt cuối ngày. Vừa thấy tôi, chị liền kể:

 

- Chị lên nhà nhưng nó chối. Nó đứng nói chuyện với mình mà ngáp liên tù tì, ớn thiệt. Nó bảo đi mua nhôm nhựa là cái nghề mạt hạng rồi, nó không cho thêm thứ khố rách áo ôm như chị thì thôi chứ mặt mũi nào mà lấy mấy bao nhôm nhựa.

 

- Chị nói có bằng chứng, nếu em thương chị khố rách thì gửi lại chị tiền mấy bao hàng đó, chị sẽ coi như không có chuyện gì. Nghe tới đấy, nó biết là không thể chối nữa nên bảo chị đứng đợi, nó sẽ gửi lại tiền. Chị đứng chờ, chờ mãi…

 

- Kết quả?

 

- Nó vào nhà, hai vợ chồng đại chiến. Chị đứng ngoài cửa nổi da gà. Con vợ nó ôm con khóc bù lu bù loa rồi kể tội chồng xì ke ma túy, nợ nần, đòi chết đòi sống. Chị thấy tình hình căng quá nên bỏ đi…

 

- Đi đâu mà nói lấp lửng dị?

- Chị đi thẳng tới báo với công an có sự nhầm lẫn.

 

- Chị có bằng chứng mà. Nếu làm cứng thì buộc nó phải trả cho chị thôi. Mình khổ quá mà.

 

- Thôi em, lì xì cho con nó ăn Tết đi. Thấy cảnh nó còn khổ hơn mình.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek