Thứ Tư, 09/10/2024 05:27 SA
Cô ơi… - truyện ngắn của BÍCH NHÀN
Thứ Hai, 12/11/2018 07:00 SA

1. Tôi lại vô viện mắt Sài Gòn. Hai năm rồi, con mắt lệch trục và nhược thị khiến tôi lao đao.

 

Mới tám giờ sáng tôi cầm số thứ tự 70, khiếp chưa, vào bệnh viện mới thấy cõi tạm là mong manh bất trắc. Tôi lại hàng ghế đợi ngồi. Đang miên man nghĩ thì phải “á” một tiếng to rồi hít hà. Đỏ tím liền, một gót giày nhọn hoắt đã nện không thương tiếc lên bàn chân tội nghiệp. Chắc là bộ dạng tôi lúc ấy trông tội nghiệp lắm khi thả rơi túi xách đứng mếu máo. Cô gái xin lỗi, vẻ bối rối. Tôi mỉm cười đau khổ nói không sao. Cô áy náy khom người lướt qua tôi, tay dắt thêm một người nữa.

 

Lạ quá, tôi có cảm giác như mình đã từng gặp họ ở đâu đó, trong ký ức. Cố nhớ, vẫn không nhớ ra. Giờ mới thấy cái trí nhớ lùng bùng đứt quãng sau chấn thương sọ não đúng là một kiếp nạn. Tôi đứng nhìn từng bước đi của họ. Quen quá cái dáng đi ấy. Tôi làm sao quên được cái dáng bước khiến người ta có cảm giác lỏng lẻo, những bước chân không đều, dù có mặc chiếc áo dài với cái quần ống rộng phủ phê thì khi đi, cô vẫn bước cao bước thấp. Còn cô gái, mới nhìn thoáng qua đã thấy cái nốt ruồi Ấn Độ. Trời ơi, nhớ ra rồi, chẳng lẽ lại là... Tôi lật đật chạy tới, đứng trước mặt, hỏi bằng giọng đinh ninh để xác nhận:

 

- Bé ơi, em là người miền Trung phải không?

 

- Dạ, em ở Phú Yên.

 

- Mẹ em là cô giáo?

 

- Dạ! Đã về hưu rồi, nhưng… sao chị biết?

 

- Em là bé Mèo?

 

Cô bé đỏ mặt gật đầu còn tôi thì luống cuống, sửng sốt, ngỡ ngàng rồi bối rối xúc động. Tôi hỏi thăm, giọng đã hơi mềm:

 

- Cô ơi, mắt cô bị sao thế?

 

Cô vẫn đứng tỉnh bơ không trả lời. Tôi có cảm giác cô không nghe, không thấy. Cô ơi, em là N lớp trưởng, học trò cũ của cô nè…

 

- Dạ, mẹ em nặng tai rồi, hai mắt đang thời kỳ điều trị nên không nhìn ra người quen đâu.

 

Cô bé nói xong thì xin phép đưa mẹ vào phòng khám vì đã được gọi tên.

 

2. Đó là năm tôi học lớp 4. Cô Lan chủ nhiệm. Hồi ấy chưa có thuật ngữ bà mẹ đơn thân như bây giờ. Thời đó, không chồng mà có con là bị cạnh khóe, xiên xỏ lắm. Cô giáo thì người ta càng hà khắc, có điều ý tứ hơn, nghĩa là nói sau lưng. Sắm đôi mắt chết người, cứ nháy tưng tưng như đom đóm thì thằng nào dám lấy? Mắt mũi chớp nháng! Cô giáo thì bảnh thiệt nhưng cái mác ấy không bù lỗ được cái tướng đi khấp khểnh và đôi mắt chỉ biết nháy đâu… Làm cô giáo mà hổng chồng cũng chửa… Không ai gọi cô Lan mà gọi là cô “Nháy”.

 

Cô Lan sống với mẹ, tới khi cô vừa sinh bé Mèo thì bà cụ mất. Không ai biết tác giả của cái thai trong bụng cô, ai hỏi cô cũng chỉ cười và nói, ra đồng giẫm phải vết chân to quá nên có chửa…

 

Lúc bé còn nhỏ thì cô thuê người chăm nom để đi dạy nhưng khi bé Mèo đi đứng cứng cáp, nói năng hoạt bát thì bữa nào đi dạy cô cũng dẫn em theo (Cô dạy ở phân trường tiểu học trong làng). Em Mèo trắng trẻo, lúng luyến dễ thương nên tôi thấy mến, yêu lắm. Những lúc ra chơi tôi thường lại nói chuyện, chơi với Mèo, được mấy hôm thì cô bé cứ lẽo đẽo theo tôi, chị ơi, chị ơi… Nhà tôi sát trường nên mỗi khi em cần uống nước, rửa mặt rửa tay, tiểu tiện thì tôi đưa em về nhà (Hồi ấy trường học làm gì có công trình phụ đàng hoàng như bây giờ). Riết rồi quen, mỗi lần Mèo cần mua bánh kẹo hay tiểu tiện gì thì chạy lại chỗ tôi chứ không đòi mẹ nữa. Khi chị em đã thân thiết tới mức đó thì buổi tối tôi thường tới nhà cô, chủ yếu là để chơi với em Mèo. Nhà cô cách nhà tôi chừng bảy, tám trăm mét. Ăn cơm chiều xong là tôi tới nhà cô liền, chơi tới chừng nào em Mèo buồn ngủ thì chạy ù về. Nói chơi không cũng oan, tôi tới đó để cô kèm học luôn. Tối nào mang vở gì là do cô dặn, cô bảo phải lấp những chỗ mà tôi còn lù mù.

 

Tôi thấy hãnh diện gớm. Còn tham lam nghĩ, cô sẽ yêu thương mình hơn nếu làm tốt công việc của một nhũ mẫu. Vậy là tôi dành thời gian cho bé Mèo nhiều hơn. Cái vị thứ số 1 trong lớp luôn là ước mơ của tôi. Cũng tại chị Hai tôi năm nào cũng ràm, mày học làm sao cứ để người ta đứng nhứt vậy?

 

3. Hôm ấy đến trường, bé Mèo chưa tìm chị thì tôi đã đi tìm em (Muốn tỏ ra chu đáo với em để được cô thương mà).

 

Tôi dẫn Mèo về nhà, lấy cây sào ra gắn thêm cái móc dụ em khều ổi, khi nghe trống gõ tùng tùng tôi vẫn tỉnh bơ ăn ổi với em (Có Mèo là thần hộ mệnh, lo gì cô la). Ăn xong, khều thêm một mớ nữa bỏ vô túi rồi mới thủng thẳng dẫn em lên trường. Để bé Mèo chơi một mình trước cửa phòng học, tôi ung dung đi vào lớp như không có chuyện gì. Mới bước tới bàn, chưa kịp ngồi thì cô gọi lên làm Toán. Tôi đuỳnh huỳnh lên bảng, mặt không chút biến sắc, bụng nghĩ đằng nào cô cũng dành cho mình bài toán dễ. Mở sách ra, đọc xong đề thì tôi cũng hoa mắt luôn. Cha mẹ ơi, là một bài toán sao (bài khó). Tôi ỳ ra như những con cừu non đần độn và sợ sệt khi đứng trước con sói tàn bạo. Đứng mãi cũng không ghi ra được lời giải. Cô hỏi:

 

- Làm không được hả?

 

- Dạ, em không làm được.

 

- Lại đây… - Cô mà nói lại đây có nghĩa là lại lấy vở và vác con một về chỗ.

 

Tâm trạng của tôi lúc ấy hả? Còn phải hỏi, bất mãn, ấm ức sục sôi chớ sao. Tức…

 

Chăm em Mèo tốt thì cô sẽ cưng, sẽ bênh vực hả? Mơ đi! Tôi vẫn bị ăn gậy khi cô dò bài mà hổng biết đường làm nè. Cô thiệt là mạnh tay. Bài ấy dù có là toán sao thì cũng đâu làm khó cô học trò giỏi tôi được. Cũng tại bài toán ấy nằm trong tiết học mà bữa trước tôi dẫn em Mèo đi mua kẹo, chị em nghê nga, vô tới lớp thì đã xong phần lý thuyết rồi.

 

Sau sự kiện ăn gậy, liền mấy hôm sau tôi không tới chơi với em Mèo nữa, nếu giáp mặt cô thì tôi tỉnh bơ thực hiện chiến dịch “gặp nhau làm ngơ”.

 

4. Ba mẹ có phần ngạc nhiên khi thấy tôi không nhắc đến cô và bé Mèo nữa. Chị Hai nghĩ tôi phạm tội tày đình gì ở trường rồi nên xấu hổ không dám đến nhà cô. Tôi không giải thích gì hết mà mặt cứ lầm lầm.

 

Chiều hôm ấy, cô đến thăm nhà. Mẹ gọi tôi lên chào cô, tôi biểu tình bằng cách nằm ỳ dưới nhà. Cô nói với mẹ chuyện tôi cố tình đi chơi với em Mèo mà lơ là việc học. Cô còn cứng rắn nói vọng xuống nhà dưới: Chơi với em Mèo, cô rất cảm ơn nhưng không được phép làm ảnh hưởng đến chuyện học. Sau khi xong chuyện thì cô để lại trên bàn túm bơ to làm quà cho ba mẹ, rồi nói to: Đừng hờn nữa, mau qua nhà cô ăn bơ với em Mèo, em đang đợi á!

 

Tôi bật cái ti vi trắng đen lên coi chớ không vâng dạ. Ưu điểm của tôi là tráng mắt tráng mũi - mẹ cốc đầu nói vậy.

 

Tráng mắt tráng mũi gì, tôi còn giận, giận nhiều lắm. Tôi giữ em Mèo còn kỹ hơn em tôi ở nhà, cô không cho thêm điểm thì thôi chớ nỡ nào lại lựa đúng cái bài mình không học để kiểm tra. Có bao nhiêu đứa bụm miệng cười hả hê nhìn tôi mếu máo. Cô làm tôi bẽ mặt, cô đâu có biết từ lâu tôi vẫn vểnh cổ lên nói với mấy đứa, cô thương tao như con đẻ. Hóa ra cô chẳng như mình nghĩ! Chán!

 

Nằm nghĩ một lát thì ngủ quên hồi nào không hay. Mẹ vô lay, dậy đi, cô Lan đem bơ đã trộn đường tới cho mày nè, đừng làm dày làm mỏng nữa…

 

5. Tôi là đứa con gái lang bạt kỳ hồ. Muốn ở yên một chỗ cho an toàn nhưng không được, không tìm được công việc đúng chuyên ngành, tôi thay đổi chỗ làm xoành xoạch với hy vọng tìm được công việc khiến mình cam tâm sống chết. Khó quá, vậy là cứ chạy đi chạy về giữa quê và đất khách. Không phải, đất khách vẫn giữ chân tôi nhiều hơn. Họa hoằn lắm mới về thăm quê, lần nào cũng vậy, trước khi rẽ từ đường cái quang vào xóm, tôi đều có thói quen ngó tìm cây bơ to trước cửa nhà cô Lan. Vẫn ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ, mái ngói đã cong oằn nhưng cửa luôn khóa im ỉm. Mẹ bảo cô đã về hưu, theo con gái vô thành phố sống.

 

Tôi cũng đang định cư ở thành phố nè, mừng quá, tôi dự định nếu số phận cho được gặp cô thì tôi sẽ nói thật nhiều những điều ấp ủ.

 

Nhưng giờ gặp cô trong tình cảnh này, tôi chỉ biết ngậm ngùi gọi: Cô ơi...

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek