Để những người yêu thích âm nhạc duy trì nhạc sống như một loại hình văn hóa giải trí thú vị mà không gây ảnh hưởng đến những người khác, một số địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp mang lại hiệu quả tích cực.
Vốn là một hình thức giải trí lành mạnh, tuy nhiên thời gian qua, việc nhiều người thường xuyên tổ chức các buổi hát nhạc sống, karaoke di động âm lượng lớn và kéo dài đã gây không ít phiền toái cho những người xung quanh. Không chỉ khu vực thành thị, các vùng nông thôn thời gian qua cũng bùng phát mạnh mẽ phong trào hát nhạc sống. Những chiếc loa nhạc sống, karaoke di động mặc nhiên hướng thẳng ra bên ngoài, mở hết công suất và kéo dài liên tục, thậm chí đến 21-22 giờ. Từ một hoạt động văn hóa lành mạnh, nhạc sống trở thành sự tra tấn về âm thanh với nhiều người. Hàng loạt vấn đề phức tạp nảy sinh từ đây.
Trước thực trạng trên, một số địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp quản lý nhạc sống; trong đó bước đầu tập trung tuyên truyền ý thức tự giác của người dân. Ông Lê Chấn Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa nói: “Tình trạng hát nhạc sống gây ảnh hưởng khu dân cư vẫn diễn ra như một vấn nạn khó giải quyết. UBND xã Hòa Quang Nam đã phải triển khai những biện pháp mạnh hơn, đó là quy định rõ thời gian người dân được tổ chức hát nhạc sống, tập trung những ngày lễ, Tết hoặc ngày hội khu dân cư.
Ngoài thời gian quy định, các cá nhân muốn tổ chức hát nhạc sống phải thông qua ý kiến Ban nhân dân thôn và được tạo điều kiện tổ chức ở nhà văn hóa thôn. Nếu các cá nhân không chấp hành quy định, tổ chức hát nhạc sống gây ảnh hưởng đến khu dân cư sẽ bị chính quyền địa phương, lực lượng công an xã, thôn, đội kiểm tra liên ngành 814 nhắc nhở và xử lý”.
Cũng như Hòa Quang Nam, xã An Chấn, huyện Tuy An cũng từng “đau đầu” với chuyện hát nhạc sống vô tội vạ của người dân. Cùng với những biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở, xã An Chấn triển khai thêm một giải pháp bước đầu mang lại hiệu quả. “Chính quyền xã phối hợp với các đoàn thể và Ban nhân dân thôn xây dựng bản quy ước đồng thuận về xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình được ký kết với từng hộ gia đình, cam kết không tổ chức hát nhạc sống tùy tiện gây ảnh hưởng khu dân cư.
Bản quy ước đồng thuận được phân thành 2 bản, quy định rõ các nội quy cần tuân thủ khi hát nhạc sống, đặc biệt có quy định việc hát nhạc sống phải dừng vào các thời điểm từ 11 giờ 30 đến 13 giờ 30 và kết thúc trước 19 giờ tối. Các gia đình tham gia ký kết nếu không tuân thủ quy định sẽ bị nêu ra trong cuộc họp toàn khu dân cư và có các hình thức kiểm điểm”, bà Nguyễn Thị Ẩm, Phó Chủ tịch UBND xã An Chấn nói.
Công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, nhất là đảm bảo an ninh trật tự khi tổ chức hát nhạc sống, karaoke di động từ tỉnh đến cơ sở luôn được đẩy mạnh như: tăng cường các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý; đẩy mạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, hội thi, hội diễn... Các ngành, các cấp đã tiếp tục đổi mới hình thức và nâng cao chất lượng tuyên truyền về việc xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, giúp nhân dân hiểu được vai trò và ý nghĩa của việc thực hiện tốt công tác này đối với bản thân, gia đình và xã hội.
Chị Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Cảnh, chia sẻ: “Tôi nghĩ thời gian tới, các cấp chính quyền, đoàn thể nên tập trung tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định về hát nhạc sống sâu rộng hơn, đến từng thôn, xóm nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người dân”.
Quản lý nhạc sống, để nhạc sống duy trì như một loại hình văn hóa giải trí lành mạnh, đó là điều mà ngành chức năng luôn quan tâm thời gian qua. Cách làm của một số địa phương trên có thể xem là những giải pháp tích cực cho bài toán này. Điểm chung dễ nhận thấy của các giải pháp này đó là nâng cao ý thức của mỗi người dân trong việc chấp hành các quy định. Nhận định về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên Nguyễn Thị Hồng Thái cho biết: “Công tác xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, trong đó tình trạng hát nhạc sống, karaoke di động là vấn đề gây nhiều bức xúc luôn được các cấp quan tâm tìm giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục. Sở VH-TT-DL, cơ quan thường trực của phong trào đã đưa ra nhiều giải pháp, tổ chức các hội thảo, hội nghị để nâng cao chất lượng, tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền”.
Sẽ rất vui nếu sau những ngày làm việc mệt nhọc, bà con có cơ hội gặp nhau và thông qua những khúc hát sẽ giúp mọi người được gần gũi, gắn bó nhau hơn. Tuy nhiên, thay cho sự gần gũi, gắn bó, tình làng nghĩa xóm sẽ bị mất đi khi những khúc hát trở thành sự tra tấn về âm thanh. Một sự chừng mực vừa phải chính là yếu tố quan trọng để người yêu âm nhạc có thể thỏa mãn niềm đam mê mà vẫn gìn giữ được sự thân tình, gắn bó giữa mọi người với nhau.
MỸ AN - HỒNG THỦY