Nguyễn Công Hoan được biết đến như một cây bút bền bỉ với nhiều sáng tác. Ông đã ra mắt bạn yêu thơ 2 tập: “Gửi gió” (NXB Hội Nhà văn, 2014), “Cánh buồm chợt nhớ chợt thương” (NXB Thông tin và Truyền thông, 2016). Lần này, ông gửi đến bạn văn chương một “món mới”, đó là truyện ngắn “Hương thầm đất mỏ” (NXB Thông tin và Truyền thông, 2018) vừa mới ra mắt.
Những ngày cuối tháng 8, tôi được nghe nói về cuốn truyện viết về những người kỹ sư mỏ. Nhưng phải đến đầu mùa tựu trường, tôi mới được cầm trên tay tập truyện ấy. Đó là những câu chuyện về cuộc đời của những người kỹ sư mỏ với những sự kiện, những con người chỉ có ở vùng mỏ.
Cuốn truyện mang một cái tên mà ai nấy đọc rồi cũng đều vương vấn trong lòng: “Hương thầm đất mỏ”, như lời tâm tình đầu trang sách của tác giả: “Có được “Hương thầm đất mỏ” tôi đã phải vượt qua chặng đường hơn bốn mươi năm đi cùng đất mỏ. Ôm ấp trong suốt cả thời gian với bao nhiêu là mơ ước. Cánh cửa khung trời mở toang mênh mông quá, rộng lớn quá... mà sức mình lại vô cùng nhỏ bé... ước gì như những cánh chim bay cao, bay xa khắp mọi nẻo chân trời. Bay đến tận cùng xứ sở của ước mơ để gom hết những gì mà mình mong muốn có được về một sự hiểu biết đến tận tường đâu là “rừng vàng biển bạc” trong lòng đất và giữa biển khơi. Hoài bão, mơ ước, niềm tin đã đưa tôi về với mọi miền quê hương đất mỏ...”.
Tập truyện dày hơn 90 trang, gồm 4 truyện ngắn: “Hương thầm đất mỏ”, “Nhìn lại chính mình”, “Bà hai cúng giỗ chồng”, “Dấu chân trên cát” và hai tùy bút: “Điện Biên tiếng hát vọng về” và “Gió Sông Ba”. Như tác giả nói, “Hương thầm đất mỏ” do NXB Thông tin và Truyền thông là đứa con đầu lòng mà suốt gần 40 năm hoạt động trong ngành mỏ địa chất ông mới cho ra đời. Những câu chuyện tưởng như tản mạn của “Hương thầm đất mỏ” được tác giả gom góp từ những câu chuyện có thật, xảy ra xung quanh mình trong suốt thời gian làm anh kỹ sư mỏ địa chất.
Truyện ngắn “Hương thầm đất mỏ” nói về những cuộc đời gắn chặt với đất mỏ từ khi còn tuổi thanh xuân, từ khi chiến tranh ác liệt cho đến ngày thống nhất nước nhà. Tất cả những con người, sự việc ấy được tác giả khéo léo xâu chuỗi, kết nối bằng mạch thời gian từ quá khứ đến hiện tại. Đó là khoảng thời gian tác giả rong ruổi từ đồng bằng đến bản làng xa xôi hẻo lánh ở Lào Cai, Thái Nguyên, Cao Bằng, Thanh Hóa... Mỗi tấm bản đồ ông và đồng nghiệp làm ra giúp cho cán bộ nhân viên ngành địa chất tìm đường đi vào lòng đất để khai thác những tài nguyên quý giá.
Thời gian đó cũng chính là những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Nhiều trường học, cơ quan xí nghiệp nhà nước tạm thời đóng cửa, thanh niên, học sinh, sinh viên lên đường nhập ngũ, chỉ để lại những công trình trọng điểm. Trong những người cùng công tác, bạn bè với ông cũng có người ra trận. Những đôi trai gái tạm thời chia tay, người ở lại đất mỏ, người ra tiền tuyến. Họ để lại tình yêu nồng cháy trên đất mỏ bằng những lời hẹn ước chờ nhau đến ngày thống nhất. Suốt thời gian dài bặt vô âm tín nhưng họ vẫn giữ trọn lòng sắt son.
“Như lời ước hẹn, họ trở về gặp nhau cũng trên vùng đất mỏ. Có người đang học dở đại học, ra đi chiến đấu. Ngày thống nhất, họ về trường học tiếp, rồi trở thành những kỹ sư mỏ. Điều vui nhất của họ, đó là tình yêu đến sinh con đẻ cái trên đất mỏ. Tình yêu đó như đóa lan ngào ngạt hương bay, đó là “hương thầm đất mỏ””, tác giả Nguyễn Công Hoan chia sẻ.
Truyện ngắn “Nhìn lại chính mình” kể về những ngày chiến đấu ác liệt, sự trở về của Bảy là kỳ tích trong mưa bom bão đạn. Ấy vậy, khi trở về, Bảy lại bị cuốn vào vòng xoáy của đồng tiền, ái tình... khiến anh đánh mất cả danh dự, gia đình... Cũng lấy đề tài về sự biến chất của của con người trong xã hội mới, “Bà Hai cúng giỗ chồng” kể về kẻ hám chức quyền, lợi dụng quyền lực để rút ruột công quỹ; dần dần trở thành những con người bị xã hội lên án, vợ con, cha mẹ đều phải đau lòng.
Ông Nguyễn Đắc Tấn, hội viên CLB Thơ Diên Hồng và Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên, một người yêu sách của tác giả Nguyễn Công Hoan, nói: “Tuy đã 74 tuổi nhưng anh vẫn hết sức lạc quan, yêu đời và luôn miệt mài truyền cảm hứng sáng tác cho nhiều người yêu thích thơ, văn. Với cách viết ngắn gọn, văn phong giản dị, “Hương thầm đất mỏ” đã vẽ nên bức tranh vùng mỏ đầy ý vị. Không chỉ đơn thuần nói về tình cảm mà truyện còn đề cập đến sự hy sinh tuổi thanh xuân để “làm giàu” cho đất nước...”.
THIÊN LÝ