Thứ Tư, 09/10/2024 13:25 CH
Nhớ tiếng kẻng trường xưa
Chủ Nhật, 09/09/2018 07:00 SA

Ngày nay hầu hết trường phổ thông các cấp đều lấy tiếng trống để làm hiệu lệnh hoạt động (vào lớp, giải lao, thể dục giữa giờ, tan trường...). Thời chúng tôi, hầu hết các trường đều dùng tiếng kẻng làm hiệu lệnh sinh hoạt.

 

Sáng nay đưa cháu nội đi học, chợt nghe tiếng trống trường tiểu học đầu thôn vang vọng, bỗng da diết nhớ tiếng kẻng ngày xưa một thời gắn với tuổi học trò của mình. Chắc rằng học sinh bây giờ chỉ biết tiếng trống trường, không thể hình dung tiếng kẻng ở trường học ngày xưa như thế nào!?

 

Kẻng của trường tiểu học ở quê tôi ngày ấy được tận dụng từ “mâm xe” ô tô và treo ở cuối dãy phòng lớp 5, do chú “cai trường” trông coi. Nhiều buổi học, tôi và vài đứa bạn tranh thủ đến trường thật sớm gặp chú “cai trường” để đến giờ vào lớp xin được đánh vài tiếng kẻng cho đã cái tay... nhưng chúng tôi phải chơi trò “bao tiếng xùm” chọn đứa thắng mới được đánh.

 

Chuyển lên học lớp 6 ở Trường cấp 2-3 Ngô Gia Tự, lại gặp và nghe tiếng kẻng. Trường cấp 2-3 Ngô Gia Tự thời đó rộng nên chiếc kẻng được tận dụng từ thanh dầm của đường sắt tàu hỏa, dài hơn một thước, treo ở bên hông (đầu hồi) phòng giáo viên. Chiếc kẻng cũng được nhà trường giao cho chú năm cai trường trông giữ và đánh kẻng.

 

Ngày tựu trường lớp 6 năm xưa, chúng tôi lớ ngớ giữa sân trường rộng lớn. Khi nghe tiếng kẻng vang lên, từng nhóm học sinh chộn rộn tìm phòng học và sau một tiết học lại nghe tiếng kẻng giải lao, tôi liền nói với đứa bạn cùng xóm ngồi cạnh bên “Học cấp 2 có khác hơn trường tiểu học làng mình hé?”.

 

Lên cấp 3, tôi theo học ở một ngôi trường miền núi ở Nông trường Sơn Thành. Một ngôi trường nội trú trăm phần trăm, mọi hoạt động của nhà trường đều thực hiện bằng tiếng kẻng.

 

Kẻng tập thể dục buổi sáng, kẻng giờ lên lớp, kẻng giải lao, kẻng đi lao động, kẻng học đêm, kẻng giờ đi ngủ... Cái kẻng của trường cấp 3 Sơn Thành, được tận dụng từ lưỡi cày chảo bị bể một mảng, treo ở giữa sân trường, hàng tuần phân công một lớp trực kẻng.

 

Chính những tiếng kẻng ở trường nội trú đã tạo cho chúng tôi thói quen nền nếp và tác phong nhanh nhẹn trước những mốc thời gian trong ngày. Quen với tiếng kẻng đến nỗi có đêm chợt bật dậy vì mớ ngủ nghe tiếng kẻng tập thể dục buổi sáng.

 

Có một dịp trưa hè, bãi tranh gần bìa rừng sau trường bỗng phát cháy và tức thời tiếng kẻng: “beng, beng...beng - beng, beng... beng” vang lên do ca trực kịp thời đánh báo động, tức thì cả thầy và trò ùa ra bìa rừng dập đám cháy, bảo vệ ngôi trường.

 

Cùng với bảng đen, phấn trắng, tiếng kẻng và lời giảng của thầy cô giáo đã đong đầy trong chúng tôi với bao ước mơ tuổi học trò và cũng ắp đầy kỷ niệm.

 

Khi là học sinh cấp 3 Sơn Thành, những buổi học gần trưa, bụng đói cồn cào, chúng tôi ai cũng chăm chăm hướng mắt về nhà ăn và chiếc kẻng ngoài sân trường, chỉ mong sao tiếng kẻng tan học sớm cất lên...

 

Khi màn đêm buông xuống, tiếng kẻng báo hiệu mọi người đi ngủ, mang theo những giấc mơ về một tương lai hạnh phúc.

 

Ngày nay, tiếng kẻng trường thay bằng tiếng trống và vẫn đều đặn ngân vang. Ngôi trường nội trú nơi núi rừng năm xưa nay đã chuyển xuống đồng bằng xây dựng khang trang.

 

Trong tôi, tiếng kẻng trường vẫn như còn vang vọng, nhắc nhở chúng tôi hãy sống tốt với nhau.

 

HOÀNG HÀ THẾ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek