Thứ Sáu, 29/11/2024 23:30 CH
Chất thơ trong Nghe nắng qua thềm
Thứ Ba, 28/08/2018 16:00 CH

Nghe nắng qua thềm là tập văn xuôi thứ tư của nhà báo Phương Trà, sau các tập Nơi hai dòng sông đi qua (2005), Giấc mơ ban ngày (2009), Ngược gió (2013). Tập Nghe nắng qua thềm gồm có 25 tản văn và hai truyện ngắn (phụ bản). Trong tác phẩm này, Phương Trà vẫn tiếp tục dòng chảy trữ tình vốn đã định hình trong văn xuôi của chị.

 

Đọc tập tản văn Nghe nắng qua thềm, ta thấy cuộc sống thật đẹp đẽ, thơ mộng. Ở đâu cũng có những người tốt. Đó là những thầy cô giáo yêu thương học trò, những thầy thuốc tận tâm với bệnh nhân… Hoặc là những cử chỉ, lời nói thân thương của những người không quen biết, như người đàn ông giao hàng, cô gái trên xe buýt, những người Hà Nội thanh lịch mà tác giả gặp trong những chuyến ra Bắc… Nhưng tác giả khắc họa rõ nét hơn cả là những người thân trong gia đình: nội, ngoại, cha, mẹ, chồng, con… Có thể thấy tình cảm gia đình ấm áp trong các tản văn: Cuối năm nhóm bếp, Khu vườn chợ quê và cái chum của nội, Hội đua thuyền ngày ấy, Lọ dưa món màu đen, Mênh mang mây trắng cuối trời, Ngày bão ở quê

 

Bìa tập tản văn Nghe nắng qua thềm - Ảnh: QUỲNH NHƯ

 

Trong Chiều cuối năm nhớ tiếng còi tàu, tác giả miêu tả những kỷ niệm trong gia đình mình thời còn sống ở huyện Tuy An. Hai chị em ra đồng đón mẹ vào chiều cuối năm: “Thế là tiếng còi tàu cất lên, loang ra trong chiều (…) tiếng xình xịch xình xịch tan trên lao xao sóng lúa, hai đứa vẫn dõi mắt bên mép ruộng. Đó là buổi chiều 29 Tết. Má nói má sẽ về. Phải má đó không, cái dáng nhỏ nhoi ở tít xa trên đồng? Rồi cái nón trắng rõ dần trên nền xanh xôn xao của lúa. Rồi hai chị em nhận ra dáng người đang đi trên bờ cỏ kia thân thuộc biết bao!”. Đọc đoạn văn trên, ta liên tưởng đến truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Vẫn khung cảnh cánh đồng, hai đứa trẻ chờ tàu, vẫn giọng văn đầy chất thơ. Nhưng bối cảnh hai câu chuyện rất khác xa về không gian và thời gian.

 

Mẹ của tác giả đã dành nhiều thời gian, công sức nuôi dạy con, yêu thương con hết mực. Rồi đến khi được làm mẹ, tác giả cũng dành tình cảm yêu thương tha thiết như vậy cho con mình. Phương Trà viết văn để thầm thì tâm sự với con gái nhỏ: “Con yêu thương!/ Nhiều đêm khi con ngủ say, mẹ ngắm rất lâu khuôn mặt thiên thần, khẽ chạm vào đôi má hồng bầu bĩnh, khẽ hôn đôi bàn chân xinh. Và mẹ thì thầm cảm ơn con đã đến với mẹ (…) Mẹ đã tựa vào ánh mắt, tiếng cười trong veo và những câu nói ngọng nghịu của con để đứng lên sau bao mệt mỏi và cả những sóng gió. Vì mẹ đã có con rồi” (Viết cho mặt trời của mẹ). Người mẹ trẻ không hề than phiền mệt mỏi vì nuôi con vất vả mà ngược lại, nhờ có con mà mẹ khỏe, vui hơn. Tình cảm gia đình đã sưởi ấm trái tim mỗi người, giúp cho họ có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

 

Miền quê Phú Yên trong văn Phương Trà không chỉ có vẻ đẹp tình người mà còn có cả vẻ đẹp thiên nhiên. Tác giả đã thổi hồn vào cảnh vật, khiến cho cảnh vật cũng có hành động và tính cách như con người: “Sau Tết Trung thu là mùa mưa xộc đến. Ồn ào và hăm hở, mưa thỏa thuê cứ như đã đợi chờ lâu lắm (…) Ở quê! Lá và hoa bông giề đã theo những gánh rau đi vào trong phố. Những bông hoa tím và giòn, vương đầy đất (…) nó sẽ biến một nồi canh rau tập tàng bình thường trở nên thơm phức (…) Những con ếch, con nhái vẫn thảng thốt kêu khi đêm về, ồn ào hùa vào tiếng chim gõ kiến kiên trì và thong thả” (Mưa).

 

Trong khung cảnh thiên nhiên, có cả bóng dáng của sinh hoạt con người: rau tập tàng nấu bông giề, khoai lang vùi tro nóng, bầy cá rô quẫy động trong “cái ao do bom khoét trong vườn đã đầy nước”… Một cuộc sống đầy chất thơ nhưng vẫn phảng phất bóng dáng của hiện thực khắc nghiệt.

 

Phương Trà từng có tuổi thơ tươi đẹp ở làng quê Tuy An nhưng hiện đang sinh sống ở TP Tuy Hòa. Bởi vậy, sáng tác của chị cũng “nửa phố, nửa quê”. Miền quê chỉ là ký ức, còn thành phố mới là thực tại. Đây là khung cảnh vừa hiện thực vừa lãng mạn của phố phường: “Tuy Hòa hiếm có những tán cây to nên đường sá trông cứ thênh thang. Mùa nắng, nắng chan chát. Mùa mưa, mưa sầm sập. Rồi bão tới, phũ phàng nhổ đi những gốc cổ thụ (…) Thư thả mà đi, để nhận ra rằng khá lâu, muồng hoàng yến đã trả hết sắc vàng cho nắng. Để chênh chao nhớ những con phố miên man xanh với hoa xoan, hoa sưa nở vào mùa xuân, tràn ngập bằng lăng, phượng vĩ khi hạ đến và xao xác lá rơi ngay cả lúc thu chưa về. Chỉ lá thôi mà nao lòng. Như những con mắt, như những bàn tay ve vuốt phố” (Tản mạn phố và hoa).

 

Phương Trà có giọng văn rất giàu cảm xúc trữ tình. Hơn thế nữa, tác giả còn biết cách chế biến câu chữ để tạo ra những hình ảnh mới lạ. Nhan đề tập sách “Nghe nắng qua thềm” có vẻ lạ tai. Thông thường, để cảm nhận được “nắng qua thềm”, người ta phải dùng thị giác. Nhưng tác giả lại dùng thính giác: “nghe”. Cụm từ “nghe nắng” có vẻ siêu thực. Nhưng hình ảnh “qua thềm” lại đưa ta về hiện thực chưa xa. Thời trước, ở nông thôn chưa có đồng hồ, người ta phải đo thời gian bằng bóng nắng trên thềm nhà. Thời nay, cũng có người nhắm mắt lại, lắng nghe nắng qua thềm để thương nhớ về những kỷ niệm tuổi thơ.

 

PHẠM NGỌC HIỀN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek