Nhà thơ Nguyên Hồ, tên thật Hồ Công Hãn, là lớp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đầu tiên trưởng thành từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ông nguyên là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Văn học Nghệ thuật Phú Khánh (gồm 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa). Trong sáng tác, ông được coi là “kiện tướng ca dao” suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp đến mãi sau này.
May mắn cho tôi là năm 1991 nhà thơ Nguyên Hồ và tôi cùng đoạt giải nhì ở Cuộc thi sáng tác Văn học về thiếu nhi do Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa phối hợp với Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em tỉnh phát động. Cuộc thi không có giải nhất. Hai tác giả đồng hạng nhì ở cuộc thi này lại là đồng hương Phú Yên với nhau. Từ đó tôi thân quen, quý mến và vô cùng kính trọng nhà thơ đàn anh Nguyên Hồ.
Ông lớn hơn tôi đúng 20 tuổi, vậy mà khi chuyện trò, nhà thơ Nguyên Hồ một mực hòa đồng như bạn bè thân thiết. Ban đầu tôi ái ngại nhưng riết rồi quen. Nhà thơ Nguyên Hồ sinh ngày 21/2/1929 tại xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa). Ông hăng hái tham gia vào cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ngoài tài sáng tác thơ ca, ông còn vẽ tranh cổ động rất đẹp và hát bài chòi khỏi chê. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, cây bút Nguyên Hồ nổi lên là người sáng tác ca dao hàng đầu các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, được công chúng yêu mến, nể phục, nhất là việc ứng khẩu sáng tác, phổ biến tại chỗ. Nhiều người còn nhớ, đó là năm 1952 khi giặc Pháp muốn tiêu hủy, triệt phá sự sống vùng kháng chiến, chúng thường xuyên cho máy bay ném bom đánh phá các công trình phục vụ sản xuất của nhân dân, như dội bom phá hoại cầu Máng, Lù Trầm ở phía kênh Bắc và kênh Nam thuộc hệ thống thủy nông Đồng Cam. Nhằm động viên dân công ra sức khắc phục những hư hại tổn thất, kịp thời khôi phục sản xuất, ngay hiện trường, nhà thơ Nguyên Hồ đã ứng khẩu sáng tác và hát thành bài chòi luôn tại chỗ:
Thằng Tây phá máng, phá lù
Nước mương trụt xuống căm thù trào lên.
Cả công trường nhiệt liệt tán thưởng. Đối với những thanh niên biếng nhác, chưa giác ngộ, chưa tích cực trong phong trào phục vụ kháng Pháp, nhà thơ Nguyên Hồ liền ứng khẩu:
Ăn chình mới biết chình tanh
Gần anh mới biết rằng anh giống chình
Nhớt xương, nhớt thịt, nhớt mình
Đả thông chẳng được, phê bình chẳng nghe
Yêu anh hổ (thẹn) với bạn bè
Em về em quyết trả chè (trà), không ưng…
Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 ông tập kết ra Bắc, trải qua các công việc: Phó Chủ nhiệm Nhà xuất bản Phổ Thông, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật thuộc Bộ VH-TT. Ông vừa làm công tác quản lý vừa sáng tác với khối lượng lớn; trong đó nhiều nhất vẫn là ca dao, truyện thơ và diễn ca. Những năm sau ngày thống nhất Tổ quốc 1975 ông về lại quê nhà, đảm trách Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Văn học Nghệ thuật Phú Khánh (gồm 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa). Nhà thơ Nguyên Hồ có nhiều công lao trong việc xây dựng phong trào văn học nghệ thuật tỉnh nhà và kiên trì thi pháp ca dao trong sáng tạo văn nghệ. Nói về sáng tác của ông, nhà văn Nguyễn Gia Nùng khẳng định “…Câu thơ giàu bản sắc dân gian truyền thống, nhưng luôn luôn tươi mới” (Tuần báo Văn Nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 2/7/2011). Những tác phẩm chính của Nguyên Hồ đã xuất bản, như: Áo rách tim vàng (truyện thơ, 1956); Nhắn nhủ đôi lời (tập ca dao, 1958); Yêu nhau xin nhớ lời nhau (tập ca dao, 1958); Cô gái Phú Yên (truyện thơ, 1963); Dân quân làng Triều (truyện thơ, 1965); Bài ca dâng Đảng (diễn ca); Ngọc càng mài càng sáng (diễn ca, 1970), Bài ca bốn ngàn năm lịch sử Việt Nam (sử ca, 1975); Cu Tý gặp Long Vương (truyện thơ, 1994); Cuộc đời và trang viết (thơ văn hợp tuyển, 2007).
Trong cuộc đời sáng tác văn học, ông từng đạt giải ở nhiều cuộc thi, giới văn nghệ sĩ cả nước đương thời còn gọi ông là “kiện tướng ca dao”. Thi thoảng có những lão nông quê nhà gặp lại, đã chào ông bằng cách đọc những câu ca dao Nguyên Hồ từng sáng tác từ hồi Cách mạng Tháng Tám, làm ông cảm động và vui mừng khôn xiết. Nhà báo lão thành Đặng Minh Phương - người cùng thời với Nguyên Hồ cho rằng: “Ca dao của ông rất tự nhiên như lời ăn tiếng nói của nhân dân, lưu loát, giàu hình ảnh, rất dễ đi vào lòng người”. Còn sinh thời nhà thơ lớn Chế Lan Viên đã từng nhận xét: “Nguyên Hồ là cây bút lão luyện ca dao hồi kháng chiến, nay vẫn dẻo dai và càng khởi sắc” (Tạp chí Văn Học, tháng 7/1961). Bởi thế trước đây, trong giới bạn đọc cả nước đã hình thành câu ca truyền khẩu như đóng đinh tính cách những nhà sáng tác nổi bật ở các thể loại thời bấy giờ:
Thơ Tố Hữu, nhạc Văn Cao
Nguyễn Tuân tùy bút, ca dao Nguyên Hồ.
Ông trưởng thành theo cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1945 ở tuổi 16; và cũng từ ấy ông bắt đầu sáng tác thơ ca. Trang viết cuộc đời Nguyên Hồ đã khép lại ở tuổi 86. Gần 70 năm cầm bút, nhà thơ Nguyên Hồ luôn hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, ông tạo ra một miền ca dao tươi đẹp vĩnh hằng trong lòng công chúng hôm qua và còn lưu lại đến mai sau.
NGUYỄN TƯỜNG VĂN