Thứ Tư, 09/10/2024 15:32 CH
Đêm dài - truyện ngắn của MẠNH HOÀI NAM
Thứ Hai, 27/08/2018 07:00 SA

Minh họa: PV

Ngót hơn hai mươi năm nay ông Bốn Bọng Giếng chưa một lần về thăm xóm chợ Lùng. Nhiều lúc nằm gác tay lên trán, ông nhớ quê đến quay quắt. Ông ước được về quê ăn rau chua lẻ chấm với chén nước mắm có dằm con cá rô đồng. Ông nhớ mùa sắn nước mấy đứa nhỏ chăn bò mang theo ra bờ ruộng ngồi ăn. Những năm còn đói khổ, bữa ăn má nấu trong nồi chừng lon gạo, nhà có bốn miệng ăn vét cả phần cơm cháy sém mà không đủ bữa. Má ra sau gò mả nhổ mấy bụi sắn, nấu đến cháy đít xoong sắn mới chín, trút ra cái rổ tre bốc khói, ngả cái nong tre ra ở góc sân đặt rổ sắn luộc vào, bốn má con ăn sạch. Nhìn cái rổ không, má cười bảo: “Của không ngon đông con cũng hết!”.

 

Nhớ đến đây ông rưng rưng nước mắt. Bây giờ về nhà đâu còn ai nữa, chị Hai, anh Ba mất trong một lần lật sõng ngoài sông Cái, đám tang cùng một lúc hai chiếc quan tài, một lên mười lăm, một lên mười ba tuổi. Cả xóm đến thăm ai cũng giàn giụa nước mắt. Cuối cùng còn mình ông và má, vậy mà…

 

Đâu có ai ngăn cấm không cho ông về quê, nhưng ông không thể. “Mặt mũi nào! Mặt mũi nào!”, ông luôn nhủ thầm như vậy. Và mỗi lần như vậy dù đêm khuya đến mấy ông cũng lại chỗ bàn thờ má ông đốt nhang. Cây đèn dầu trên bàn thờ lúc nào cũng vặn ngọn đèn lu nhỏ bằng hột lúa phát ra ánh sáng lờ mờ. Nhà vách đất, chỗ dưới bàn thờ, mái rạ sau hè cùn, mưa tạt làm sạt lở đất, con gà mái hột dầu dẫn con ra vào chỗ đó. Thấy vậy mà ông đành lấy con mắt ngó chứ làm sao trát lại, cánh tay trái mấy hôm rày viêm cơ sưng to. Đêm mùa đông gió lùa vào se lạnh, ông nằm co rúm như con tôm nướng. Già rồi mà ông có cái tật ngủ sớm, ăn cơm tối khỏi miệng là lên võng ngủ một giấc tới sáng. Vậy mà không nhớ thì thôi, mỗi lần nhớ đến quê ông thức trắng đêm. Tấm hình má ông trên bàn thờ chụp lúc còn trẻ măng. Ông đốt nhang cây kia chưa tàn cây nọ cắm lên, giống như người ta chụm củi vào bếp lửa nấu bánh tét ngày Tết. Lại còn có cái tật đi đâu thì thôi, về nhà lại nằm trên chiếc võng trân ngoài hàng ba. Chiếc võng trân lâu ngày đứt dây đứt nhợ thiếu điều nằm lọt cái mông xuống đất.

 

Trưa nay mới ngả cái lưng xuống võng thì con Đẹt bồng con đứng ở gốc cột, nhìn cái áo ông trống hở ngực, nó bảo:

 

- Ba cởi áo con đơm nút lại cho!

 

Ông Bốn cởi chiếc áo ra để lộ thân hình còm cõi, đếm đủ mấy cái xương sườn, ông đưa áo cho con Đẹt rồi bồng cu Tý trên cánh tay trái.

 

Cái áo còn duy nhất một chiếc nút, Đẹt phải ra sau hè tìm những cái áo cũ rách vắt ngang trên cây sào lắc nút đem vào đơm lại cái áo cho ông Bốn. Đơm nút xong Đẹt nhìn xuống sân đất, bóng chiều đã hơn 2 gang tay, Đẹt phải đi làm kẻo trễ. Ông Bốn đau tay ở nhà trông coi thằng bé, đặt xuống võng, nó giãy nảy, ông đưa võng càng mạnh nó càng khóc to. Ông bồng nó vào trong nhà để nó vịn chân giường, ông lấy trái chuối lột vỏ đưa nó cầm thế là nó nín khóc.

 

Nhìn thằng bé có khuôn mặt tròn trịa, trán cao, ông nghĩ chắc ba nó là người đẹp trai? “Tốt mã thì rã đám” - người đời nói không sai mà. Tụi trẻ bây giờ quá đáng! Người yêu mà sao không thương, không nhớ. Lớp già bây giờ như ông, hồi trước không yêu thì thôi, đã yêu thì mặn nồng, đến khi xuống lỗ thì thôi chớ còn sống trên đời này không làm sao quên được.

 

Năm ông hai mươi tuổi đem lòng yêu Hiếu, một cô gái không ở đâu xa lạ mà ở ngay sau hè nhà mình. Cái cửa sau chái bếp nhà Bốn chếch qua cái sân sau nhà Hiếu. Cho nên ở nhà thì thôi chứ đi đâu ra ngõ gặp mấy thằng bạn trước đây học cùng lớp chúng cứ nói xạo: “Nghe nói mày định “bứng bụi môn” sau hè hả Bốn? À mà sáng nào ra sau rình… nhất định cũng thấy hết chứ gì nữa. Thôi chứ mày cắm chét rồi ai dô”. Nói rồi cười ầm lên làm Bốn đỏ mặt đỏ mày.

 

Mặc cho lời chọc quê, gièm pha, tình yêu mộc mạc làng quê giữa Bốn và Hiếu vẫn đậm đà. Buổi chiều, Hiếu uyển chuyển đôi thùng gánh nước tưới rau. Bốn đứng sau bụi chuối nhìn tia nắng đậu xuống mái tóc Hiếu lung linh huyền ảo mà mừng thầm trong bụng. Những đêm trăng hai đứa ngồi trước hàng ba nhà Hiếu tâm sự. Ánh trăng trải xuống cái sân đất mịn màng, bà Mười, má Hiếu đem cái võng xếp ra sân nằm mát, thật ra bà lấy cớ canh chừng hai đứa… sợ lửa gần rơm. Hiếu có thân hình thon thả, nước da trắng hồng, có giọng nói dịu dàng chị chị, em em chớ không phải như mấy đứa con gái xóm trên ăn nói xà càng hốt mớ. Bây giờ ông vẫn hình dung được khuôn mặt, giọng nói, tiếng cười ngày nào của Hiếu.

 

Ngày dạm hỏi, má Bốn nhờ người đàn ông trong xóm có đủ vợ đủ chồng sang làm chủ hôn. Bổn phận Bốn ở rể xong ba bữa… Cách ngày sau, nhà Hiếu có đám giỗ. Khách khứa ban đầu toàn mấy ông già, sau có mấy người tuổi sàn sàn với Bốn đã có vợ con. Trong bàn ăn mấy người ép Bốn uống rượu. Bốn không uống. Có người buột miệng nói: “Cái thằng đàn ông con trai gì mà uống không hết ly rượu cúng”. Tức quá Bốn mới uống ba ly cối mà đã thấy ngà ngà đứng dậy đi chệnh choạng, quơ tay chén bát vỡ tứ tung, phải dìu về, bữa giỗ hôm đó cũng vừa xong. Chiều bà Mười kiểm tra chén bát mượn của hàng xóm để đem trả thì số lượng mất nhiều. Bà lầm bầm một lát rồi nổi máu chửi cạnh khóe: “Khéo mời, khéo rước cái thằng hư đốn, rể con gì vậy!”. Má Bốn bên này nghe thế đỏ mặt, nghĩ con mình sai nên chỉ lầm bầm: “Cái bà này nói dai sao không biết mỏi miệng”. Bà Mười càng lúc càng nói to hơn. Má Bốn tức quá chỉ tay sang… nói thẳng. Thế là cuộc tranh cãi nổ ra, chuyện chén canh con cá trước đây lúc thương nhau bưng sang cho giờ moi ra kể hết không thiếu một thứ gì. Người trong xóm đứng coi đông như đám hát. Bà Mười hầm hầm nét mặt bỏ chén bát vào trong nhà mang trà rượu sang trả. Hiếu ôm mặt khóc, còn Bốn trong cơn say không biết gì. Tỉnh dậy nhìn lên trên bàn cặp trà, cặp rượu còn nguyên giấy đỏ. Bốn đi qua xin lỗi nhưng mới đến trước ngõ bà Mười kéo chà gai tre ngang qua cửa, về nhà Bốn nằm sõng soài trên gường, nằm mỏi đi tha thẩn gặp mấy thằng choai choai: “Mày bị “trả của” hả Bốn, mà tạm ứng trước rồi chứ gì nữa”. Buồn, Bốn đi uống rượu say xỉn, đi một bước tới hai bước lui, trong gò ngoài ruộng đều có mặt. Bà Mười nhìn Bốn nửa con mắt, nguýt dài. Lúc ra thăm ruộng thấy lúa ngã bẹp xuống bùn một chòm bằng cái nia, bà hỏi mấy người đang nhổ cỏ xung quanh: “Có thấy ai thả bò giẫm nát lúa tôi không?”. “Thằng rể hụt bà uống rượu say ngã nhào xuống đó chứ bò nghé nào”. Họ vừa nói vừa cười.

 

Bốn bỏ nhà ra đi, chính má Bốn không biết Bốn đi đâu. Bốn đến xóm Ao này làm nghề đào giếng thuê nên người trong xóm gọi là Bốn Bọng Giếng, chứ đâu có phải tên hồi nhỏ ba má đặt cho Bốn đâu.

 

Bốn đi rồi chỉ còn má trong ngôi nhà nhỏ, đôi mắt mờ dần. Trưa nào mấy đứa nhỏ trong xóm cũng đến khu vườn má Bốn leo lên mấy cây mít già tìm bắt tổ chim, hái trái… Nghe bước chân bà chống gậy ra sau: “Làm siêng gánh cho bà đôi nước…”. Mấy đứa nhỏ thay nhau gánh cho bà đôi nước. Hôm nào không có mấy đứa nhỏ thì bà nhờ người hàng xóm gánh, rồi bà biếu cho trái mít, trái thơm coi như ơn qua nghĩa lại, nhờ vậy bà sống lây lất qua ngày. Mỗi lần nấu cơm, bà bưng thau gạo ra đầu ngõ có ai làm đồng đi ngang qua lượm thóc giùm, gạo mua ở chợ thóc sót lại nhiều quá, mấy bữa trước không lượm thóc, nấu cơm ăn miệng nhám xàm. Má Bốn thèm bánh xèo nhưng đành chịu. Ngày trước Bốn còn ở nhà bà thường giần gạo tấm, Bốn xay bột… Bây giờ cái cối đá nằm im ỉm lâu ngày không ai đụng đến…

 

Hiếu mang bầu rồi sinh con, từ ngày sinh thằng bé được hai tháng tuổi, đến mùa vụ công việc nhà quê tất bật ngày nào cũng bồng con sang nhà bà cụ nhờ bà trông hộ giùm. Hiếu đi nhổ đậu phộng ở luôn trưa bên soi Đồn, mỗi lần thằng nhỏ khát sữa khóc bà cho bú vú da của bà. Bà cụ nhủ thầm, cháu mình không ẵm bồng mà ẵm bồng cháu người dưng. Mà không biết thằng Bốn có vợ con chưa?”. Chiều đi làm đồng về như thường lệ, Hiếu ra giếng gánh nước đổ đầy trong lu, gánh một đôi nữa đổ vào cái chát cho bà cụ rồi bồng con về. Thỉnh thoảng đến phiên chợ Hiếu mua ít cá tươi về nấu ngọt bưng sang cho má Bốn.

 

Một buổi sáng sớm Hiếu bồng con sang không thấy bà cụ ngồi dựa lưng vào cái gốc cột trước hàng ba như mọi ngày, gọi hai ba lần không nghe má Bốn lên tiếng, da gà nổi lên nhưng Hiếu bình tĩnh lại gần thấy bà cụ nằm, một tay bồng con một tay áp lên trán bà cụ… lạnh tanh. Về nhà Hiếu vốc ba nắm cơm trong lồng bàn tay để vào trong cái mâm thắp nhang đèn đặt lên đầu giường. Hàng xóm hay tin đến không thiếu một người đưa má Bốn về nơi an nghỉ cuối cùng.

 

Má Bốn mất mà Bốn nào hay nào biết, đến khi biết thì hơn ba tháng rồi. Bốn về thân hình tiều tụy, nhìn cảnh vật xung quanh im lìm. Má Bốn mới mất đó mà cỏ gấu mọc sát chân thềm, lá tre khô bay theo gió phủ kín mái nhà, trong nhà lưới nhện giăng đi đụng đầu, ngôi nhà xiêu vẹo phải dùng mấy cây tre đực chống đỡ. Cái ngạch cửa mối đùn lên rệu rã.

 

Cái tính của má vậy đó anh à! Má đi chợ thì thôi chớ ai đi chợ về má gặng hỏi, mua con cá bao nhiêu? Dù nói nhiều hay ít gì má cũng đều chê đắt. Cái ngày anh đi rồi má nghĩ lại thương anh chiều nào cũng ra ngõ dõi mắt nhìn qua nhà thăm chừng anh về chưa. Má không để ý vấp rễ gốc mít ngã gãy chân phải nằm một chỗ. Mấy ngày sau đó sáng nào em cũng nấu cơm để sẵn trên bàn cho má rồi đi tìm anh, tìm cả ngày này qua ngày nọ mà không gặp. Giờ má lẫn rồi, ngay cả em má cũng không nhận ra.

 

Đó là lần duy nhất Bốn về quê lo làm tuần ba tháng mười ngày cho má gặp lại Hiếu trong một buổi chiều. Hiếu kể vắn tắt cho Bốn nghe vậy. Còn đứa bé đang theo Hiếu, Bốn hỏi thì Hiếu cười rồi trả lời gọn lỏn: “Con em lượm mót đó”.

 

Đêm ấy Bốn sang nhà Hiếu ngõ ý muốn nối lại tình xưa. Kể cũng lạ, mới bước chân vào nhà thì thằng bé thấy Bốn khóc ré lên, ngất một hồi dài, người chết điếng. Hiếu cố dỗ dành nhưng thằng bé cứ lấm lét nhìn Bốn rồi giãy giụa khóc. Bốn đành chịu thua thằng bé ra về… Sáng ra, Bốn hỏi người quen trong xóm về lai lịch của thằng bé, có người ghé tai nói nhỏ với Bốn “Con nó kiếm chác đó…”.

 

Cái ngày ông dẫn con Đẹt về nuôi nó mới mười bốn tuổi, ghẻ lở đầy mình, ông gặp nó trong một đêm đi họp thôn. Con Đẹt mang cái bị dựa lưng vào gốc cột ngoài hàng ba trụ sở thôn ngủ ngồi, chắc nó định ngủ đây qua đêm nhưng người ta còn họp bên trong nên nó chưa tiện trải chiếu nằm dài.

 

Thấy tội, ông Bốn dắt nó về làm con nuôi. Lúc đó hỏi nó tên gì, nó bảo tên Đẹt, từ đó đến nay lớn tồng ngồng rồi mà vẫn gọi Đẹt ơi, Đẹt hỡi. Con Đẹt hai mươi tuổi ông cho nó xuống thị trấn học thợ may để có cái nghề kiếm sống. Nó đem lòng yêu một chàng trai ở xa đến đó làm nghề thợ mộc, nó nhẹ dạ cả tin trao thân cho người đàn ông ấy. Khi trong bụng nó có bầu có bí rồi thì thằng kia cao chạy xa bay. Khi biết con Đẹt có bầu, ông Bốn càm ràm: “Nghèo mà to cái eo”. Nhưng con Đẹt sinh ra thằng cu Tý rồi ngày nào ông cũng bồng nó hôn lên má nựng nịu: “Cái thằng nào đó thiệt tệ, có gan ăn mà không có gan chịu, con mà đành bỏ? Thôi không có con tao nuôi cháu!”.

 

Cu Tý một tay vịn chân giường, một tay cầm trái chuối gõ nhè nhẹ xuống cái gối bông trước mặt, nhờ vậy mà nãy giờ nín khóc. Mặt trời mới gác đọt tre, con Đẹt từ ngõ bước vào, đôi chân lấm láp bùn, ra sau rửa tay qua loa, bước vào nhà.

 

- Sao về sớm hả con?

 

- Dạ, chiều nay con nhức đầu quá.

 

Vừa nói Đẹt vừa nhăn mặt đưa tay bồng thằng cu. Ông Bốn nhường cái võng cho con Đẹt nằm đưa con, ông đi mua thuốc cảm. Lát sau ông về.

 

- Thuốc đây, uống nghe con?

 

Đẹt nằm thiêm thiếp: Dạ.

 

Ông Bốn ra sau hè nhổ mấy bụi cỏ gấu mọc sâu dưới chân nền đất. Xong ông đi thăm đồng, vừa qua khỏi bên kia bờ bàu thì ông Bốn nghe tiếng gọi:

 

- Ông Bốn ơi về nhà chớ con Đẹt nó bất tỉnh rồi.

 

Ông Bốn quay lại, từ trong hàng tre tiếng gọi lặp lại như cũ. Ông hối hả quay về, đến ngõ thấy mấy người hàng xóm đang cuống quýt. Ông vội bước chân lên thềm. Mới bước được một chân lên hòn đá tảng kê làm bậc tam cấp ông ngã quỵ xuống, lại hối hả đứng dậy bước lên rồi ngã tiếp, lần thứ ba ông cố vịn cây cột tì dùng sức bước mạnh lên đi thẳng vào. Mình mẩy con Đẹt nóng như lửa, mấy anh thanh niên mau mắn đưa con Đẹt đến bệnh viện huyện. Bác sĩ bảo: Con Đẹt sốt cao, chậm một chút nữa là nguy hiểm.

 

Đêm nay là đêm thứ hai, thằng bé nhớ má khóc mếu máo suốt đêm. Xin sữa không uống, đút cháo không ăn. Thằng bé vừa mới chợp mắt một lát thì ông nghe con ấp muỗi kêu đêm ngoài cây mít sau hè, tiếng kêu từng hồi kéo dài nghe não nề… Ông cảm giác như đêm nay là đêm dài nhất cuộc đời. Dài vì thương thằng bé đêm nay ngủ đói… Dài vì ông lo cả ngày mai có ai nấu cháo cho con Đẹt ăn không? Ông tính mai này nhờ người thanh niên trong xóm đến chở xuống bệnh viện thăm con Đẹt, sẵn đem cho nó bộ quần áo có nó thay. Dài vì những kỷ niệm ngày xưa ở xóm chợ Lùng hiện về nguyên vẹn. Và dài vì nghe đâu xóm chợ Lùng bây giờ dời nhà vào trong đường cái quan hết rồi, vì ở đó vùng trũng thấp, đến mùa lụt nước đầu nguồn tràn về “đá” mái nhà… Ông trở mình thật nhẹ nhìn ra sân, ánh sao băng lóe sáng một góc trời. Ông suy đi nghĩ lại mà vẫn chưa nghe gà cất tiếng gáy.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek