Một câu chuyện gia đình thuần khiết, một tác phẩm hoạt hình dành cho mọi lứa tuổi, không hề nhàm chán với chủ đề vốn rất quen thuộc… Đó là những cụm từ mà “Mirai, My little Sister” nhận được từ các nhà phê bình điện ảnh tại Cannes 2018 khi phim được trình chiếu tại đây.
Trong vùng ngoại ô giàu có, Kun, một cậu bé khoảng 3 hoặc 4 tuổi, sống cùng với ba mẹ của cậu trong ngôi nhà ống hiện đại do chính cha của Kun thiết kế. Đó là ngôi nhà với những căn phòng nối thông nhau trên một ngọn đồi, bao quanh là khoảng sân nhỏ với một cái cây duy nhất - hình ảnh mang tính biểu tượng rất cao.
Ngôi nhà thực chất cũng là một nhân vật trong câu chuyện và là trung tâm của vũ trụ đối với Kun. Bởi cậu xem đó như một không gian ấm cúng, tử tế, nơi tất cả các nhu cầu của cậu đều được đáp ứng từ phía cha mẹ, những người luôn sẵn sàng dành thời gian cho cậu. Ngoài ra, Kun còn nhận được tình yêu thương của bà và chú chó có đôi tai rủ Yukko.
Tuy nhiên, sự bình an của thế giới nhỏ hài hòa này đã bị gián đoạn bởi sự xuất hiện của Mirai, em gái mới của Kun. Cho tới ngày mẹ đi làm trở lại và cha của Kun ở nhà chăm sóc các con, Kun phải dành rất nhiều thời gian trong phòng hoặc ngoài sân để tự chơi một mình. Và ở đó, cậu đã kết bạn với một chàng hoàng tử rạng ngời trong trang phục thế kỷ XVIII, người mà khán giả và Kun cuối cùng nhận ra đó chính là nhân cách hóa tưởng tượng của Kun về con chó Yukko. Tương tự như vậy, ông nội của Kun và phiên bản tuổi teen của Mirai - những người đến từ tương lai để giúp Kun có được những bài học đáng giá về cuộc sống.
Có thể nói rằng, Mirai là tác phẩm hoạt hình duyên dáng nhất của Nhật Bản trong mùa phim năm nay khi đem tới một cái nhìn mới mẻ về sự xuất hiện của thành viên mới trong gia đình - “vấn đề” vốn dĩ không xa lạ với tất cả các gia đình hiện đại trên thế giới. Câu chuyện phim được ví như một điều kỳ lạ mà nhân vật chính là cậu bé dần dần thích nghi với sự xuất hiện của cô em gái mới ra đời.
Bằng khả năng quan sát nhạy bén và tinh tế, Mamoru Hosoda (tác giả của những bộ phim hết sức tinh tế như The Girl Who Leapt Through Time, The Boy and the Beast, Wolf Children, Summer Wars) đã chế tác ra một viên đá quý bé nhỏ ngọt ngào thông qua những tầng bậc cảm xúc được thể hiện qua từng cảnh nhỏ trong phim với những chi tiết chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc. Kun là một đứa trẻ bị ám ảnh bởi những người bị ám ảnh. Và câu chuyện của Kun - người phải học cách chia sẻ cha mẹ của mình sau khi cố tình cầm chiếc xe lửa đồ chơi đập vào đầu em gái - sẽ hấp dẫn các bậc cha mẹ khi họ tìm thấy chính mình trong một tình huống tương tự.
MỸ AN (tổng hợp)